HĐND Thành phố Thái Bình: Nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động

Thứ 4, 02/06/2021 | 00:00:00
1,686 lượt xem

Nhiệm kỳ 2016-2021, với 39 đại biểu được bầu, hoạt động Hội đồng nhân dân Thành phố Thái Bình đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả.

Các kỳ họp được chuẩn bị tốt, chương trình làm việc luôn mang tính dân chủ mở rộng. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết các kỳ họp đảm bảo đúng luật, có tính khả thi cao, sát với tình hình thực tế của địa phương; hoạt động giám sát từng bước được nâng cao, các đề xuất, kiến nghị của Hội đồng nhân dân đã giúp Ủy ban nhân dân, các ngành khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương. Hoạt động giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri được phối kết hợp thực hiện tốt. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng.

HĐND Thành phố Thái Bình họp tổng kết nhiệm kỳ

Nâng cao chất lượng mỗi kỳ họp

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức 10 kỳ họp thường lệ và 04 kỳ họp giải quyết các công việc đột xuất. Hội đồng nhân dân phường, xã tổ chức 190 kỳ họp thường lệ và 27 kỳ họp giải quyết các công việc đột xuất (chủ yếu là phê duyệt chủ trương đầu tư và công tác cán bộ).

Căn cứ vào Nghị quyết phê chuẩn kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ hàng năm, trước mỗi kỳ họp 40 ngày, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Hội đồng nhân dân phường, xã tổ chức Hội nghị Liên tịch để thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tiến hành Kỳ họp, thời gian tiếp xúc cử tri trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy; Đảng ủy (xã, phường) và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, của địa phương. Sau hội nghị liên tịch, Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành Thông báo về dự kiến thời gian, nội dung, chương trình kỳ họp và chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng các báo cáo, theo nội dung đã được thông qua và được gửi tới các Ban của Hội đồng nhân dân trước 15 ngày để thẩm định trình kỳ họp.

Trong kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân luôn bám sát vào nội dung chương trình đã được thông qua để điều hành kỳ họp, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của đại biểu Hội đồng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, giành nhiều thời gian cho việc thảo luận đóng góp ý kiến; định hướng để đại biểu thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau chưa được sự thống nhất cao, những vấn đề mà cử tri quan tâm, dư luận xã hội còn nhiều bức xúc. Vì vậy chất lượng kỳ họp mỗi kỳ đều được nâng lên rõ rệt. 

Các kỳ họp đều được đổi mới, nâng cao chất lượng, từ việc xây dựng nội dung, chương trình, thời gian, xây dựng báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết; tiếp xúc cử tri, giám sát, thẩm tra... đều được Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ đạo thực hiện đúng trình tự, bảo đảm thời gian. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân căn cứ vào nội dung chương trình kỳ họp tiến hành thẩm tra các báo cáo, tờ trình...(sau khi nhận các văn bản trước 15 ngày) tiến hành thẩm tra để trình kỳ họp. Các thành viên của Ban và đại biểu mời đều tích cực có những ý kiến xác đáng đóng góp vào văn bản được thẩm tra để chỉnh sửa, nâng cao chất lượng và hoàn thiện báo cáo trình kỳ họp. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân sau kỳ họp đều được gửi tới các ngành chức năng có liên quan để tổ chức thực hiện và Đại biểu Hội đồng nhân dân để giám sát việc tổ chức thực hiện.

Trước mỗi kỳ họp, Hội đồng nhân dân đều họp, chia tổ đại biểu để nghiên cứu, thảo luận, xem xét, đánh giá, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình kỳ họp. Trong mỗi kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân đều nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của người đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện quyền hạn của mình, tích cực đóng góp những ý kiến chất lượng cao. Trước và sau các kỳ họp Hội đồng nhân dân đều được hệ thống thông tin truyền thông thông báo, tuyên truyền để nhân dân được biết, theo dõi, giám sát và đóng góp các ý kiến, kiến nghị cho kỳ họp của Hội đồng nhân dân đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn.

Tăng cường hoạt động giám sát trên các lĩnh vực

Thường trực Hội đồng nhân dân luôn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; bám sát những nhiệm vụ chính trị của địa phương và các quy định của pháp luật về chức năng của Hội đồng nhân dân thành phố. Việc giám sát thực hiện nghị quyết xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng; khẳng định những kết quả trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và những nhiệm vụ chính trị của địa phương. Giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, cùng phối hợp tham gia giải quyết, góp phần nâng cao trách nhiệm của các Ban, ngành chuyên môn và cá nhân trong thực thị nhiệm vụ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hoạt động giám sát đã đi vào nề nếp, đúng trình tự quy định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỳ họp. Giám sát bao gồm: Các báo cáo thẩm tra của Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân; thảo luận và kiến nghị, chất vấn và trả lời chất vấn. Để thực hiện tốt công tác giám sát tại kỳ họp, Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân luôn nắm bắt thông tin, các kiến nghị của cử tri để việc chất vấn, truy vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có hiệu quả.

Ngoài các hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân các cấp tích cực triển khai hoạt động giám sát thông qua việc thành lập Đoàn giám sát trên cơ sở chương trình giám sát hàng năm đã được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân giám sát theo định kỳ; giám sát theo chuyên đề, giám sát thường xuyên và đột xuất đối với những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Việc triển khai kế hoạch giám sát luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, từ khâu xây dựng kế hoạch, gửi nội dung yêu cầu giám sát, ra quyết định thành lập Đoàn giám sát, tiến hành hoạt động giám sát đến thông báo kết quả giám sát...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức 23 cuộc giám sát trên các lĩnh vực kinh tế, thu chi tài chính tại các trường học, thực hiện kế hoạch phân bổ vốn, về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố, về vệ sinh môi trường, về nhà ở cho người có công, về trật tự đô thị, an toàn giao thông và đặc biệt giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân phường, xã tiến hành giám sát chuyên đề 114 cuộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Trong hoạt động giám sát, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân luôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ, các đơn vị xã, phường và đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử tại các khu vực bầu cử khi Đoàn về làm việc. Qua các cuộc giám sát, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân đã phát hiện một số vấn đề còn bất cập, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục kịp thời. Sau mỗi đợt giám sát đều có báo cáo, thông báo kết luận giám sát gửi Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN, bộ phận chuyên môn của thành phố, của địa phương và đơn vị được giám sát; đồng thời kiến nghị xử lý những vướng mắc trong công tác chỉ đạo điều hành.

Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN các cấp và các ngành liên quan đổi mới nâng cao, chất lượng, hiệu quả các kỳ họp, quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Chuẩn bị tốt các nội dung, chương trình phục vụ kỳ họp như tổ chức tiếp xúc với cử tri, xây dựng các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết...; xây dựng chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân. Các Ban của Hội đồng nhân dân tập trung vào các lĩnh vực thu chi ngân sách, quản lý đất đai-môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác thực hiện chính sách xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân... làm tốt công tác giám sát theo chương trình hàng năm đề ra; thực hiện việc thẩm tra các văn bản phục vụ kỳ họp chất lượng, hiệu quả. Các tổ, các đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình, luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh kịp thời đến Thường trực Hội đồng nhân dân và các ngành liên quan để xem xét giải quyết. Mục tiêu hoạt động trong nhiệm kỳ mới của HĐND Thành phố Thái Bình cũng sẽ là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ đại biểu, đại biểu.

CTV Duy Thanh

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...