Phòng chống lãng phí là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn mới

Chủ nhật, 10/11/2024 | 17:22:15
285 lượt xem

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một quy luật đi lên của một đất nước. Mới đây, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”. Do đó, các cấp, các ngành, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Là một đảng viên, trong quá trình thực hiện công việc, chị Huyền cùng các đồng nghiệp  luôn ý thức bảo quản, sử dụng tài sản của cơ quan như của gia đình mình. Bên cạnh đó, chị Huyền đã cùng các đảng viên trong chi bộ tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh về văn phòng phẩm, vật tư y tế.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Đảng bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình: Bản thân cũng như nhiều đảng viên trong chi bộ nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với vai trò là đảng viên chúng tôi luôn gương mẫu thực hiện.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy BV Y học cổ truyền Thái Bình: Việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí luôn luôn được Đảng bộ bệnh viện coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chúng tôi lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào trong nghị quyết của đảng bộ để triển khai tới các chi bộ. Bên cạnh đó chúng tôi chủ động việc kiểm tra, giám sát.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực trạng hiện nay cho thấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu không thực hiện tốt, lãng phí còn là mầm mống dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Ông Đỗ Xuân Lục, xã Bình Định, huyện Kiến Xương: Đảng viên luôn luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí để nêu gương cho quần chúng noi gương, học tập.


Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước, xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày, cần phải tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng.

Ông Nguyễn Văn Minh, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy: Công tác phòng chống lãng phí đến với các cơ quan nhà nước và các cán bộ công chức rất là quan trọng. Chúng ta giữ được tài sản của nhà nước, của tập thể là góp phần vào đó để phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng.

Mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo “xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Do đó, thời gian tới công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Cao Biền

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...