Tìm lời giải cho bài toán đấu thầu, mua sắm thuốc

Thứ 5, 22/09/2022 | 00:00:00
529 lượt xem

Nhiều tháng qua, hoạt động mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên cả nước nói chung và tại Thái Bình nói riêng gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân và lời giải cho bài toán khó này?

Thiếu thuốc và các sinh phẩm điều trị là một vấn đề cấp bách tại các bệnh viện

Thiếu kháng sinh, dịch truyền, bơm tiêm, và một số thuốc, vật tư, hóa chất khác. Đó là tình trạng đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Việc kê đơn để người dân tự mua những loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế là nỗi trăn trở, áp lực của cả lãnh đạo bệnh viện cũng như các y bác sĩ. Có những cán bộ y tế đã tự bỏ tiền túi ra mua thuốc, vật tư còn thiếu để kịp thời cứu chữa cho người bệnh.

Bác sĩ CKII Đỗ Mạnh Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình: 

Do công tác đấu thầu liên quan đến giá của thuốc, đặc biệt là giá kế hoạch xây dựng từ những năm trước đây, đến nay giá đó không còn phù hợp nữa nên nhiều nhà cung ứng không cung ứng thuốc hóa chất vật tư theo kế hoạch được xây dựng trước đây. 

Còn tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, hiện nhiều vị thuốc đông y đã hết, số còn lại chỉ đủ cung cấp trong thời gian ngắn. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp như phát động cán bộ thu hái dược liệu sẵn có tại địa phương phục vụ miễn phí cho bệnh nhân, triển khai kho thuốc cổ truyền 0 đồng, song vẫn có những bài thuốc không đủ vị để thực hiện, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn của bệnh viện. 

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình nhiều vị thuốc cũng đã hết và không đủ cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình: 

Thông tư số 38 ban hành năm 2021 quy định vị thuốc y học cổ truyền phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp số đăng ký lưu hành, đây là điểm vướng khi đấu thầu. Kể cả các đơn vị đã trúng thầu, đã mua được thuốc nhưng các vị thuốc đó chưa được cấp số đăng ký lưu hành thì cũng không được sử dụng tại bệnh viện. 

Chậm trễ trong cấp phép, gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của đấu thầu, mua sắm thuốc thời gian qua. Có tới hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn cuối năm nay và sang đầu năm 2023 tiếp tục là hơn 3.000 giấy hết hạn. Trong các năm 2017 đến 2019, không có giấy đăng ký lưu hành nào được gia hạn. Năm 2020 là 10 và 2021 là cũng chỉ có 62 giấy được gia hạn. Thực trạng này có thể dẫn tới nguy cơ thiếu thuốc kéo dài đến tận sang năm.

Nhiều kho dược tại các các bệnh viện không còn đủ lượng dự trữ cho năm sau

Ông Nguyễn Thanh Bách - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Thái Bình: 

Tình hình dịch bệnh Covid-19 từ năm 2021 và đầu năm 2022 phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó riêng thuốc là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, và là mặt hàng kinh doanh đặc biệt. Việc phân cấp phân quyền chưa rõ ràng đầy đủ nên các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Dù quy định của luật là có cho phép các trường hợp cấp bách, song lại chưa có quy định trường hợp cấp bách là như thế nào. Tình trạng thiếu thuốc như hiện tại chưa có văn bản nào quy định là cấp bách để các cơ sở y tế vận dụng. 

Từ đầu năm 2021, Sở Y tế Thái Bình đã sớm chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch và dự trù số lượng thuốc, vật tư hóa chất phục vụ hoạt động khám chữa bệnh năm 2022. Song vẫn có nhiều gói thầu triển khai mua sắm không có nhà thầu chào thầu hoặc chào thầu với giá vượt giá kế hoạch.

 Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bách, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Thái Bình cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai đấu thầu mua sắm, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định ủy quyền cho GĐ Sở Y tế phê duyệt các gói thầu mua sắm thuốc với giá trị gói thầu dưới 500 triệu. Như vậy với các gói thầu nhỏ lẻ, các gói thầu thông qua đấu thầu rộng rãi rồi mà không lựa chọn được trúng thầu thì các cơ sở y tế đã xây dựng kế hoạch mua sắm để kịp thời đảm bảo hoạt động chuyên môn."

Thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ là nỗi lo của các bệnh viện còn tác động không nhỏ đến việc điều trị bệnh cho người bệnh khi đến viện

Bệnh viện thì vất vả xoay sở, còn bệnh nhân phải chạy đôn chạy đáo tìm mua thuốc bên ngoài. Với người có điều kiện đã khó khăn, còn với những bệnh nhân nghèo lâu nay trông chờ vào nguồn thuốc BHYT thì quả là gánh nặng. 

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể. Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của các cơ sở y tế, các địa phương, Bộ Y tế đang khẩn trương làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có biện pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. 

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, kỳ vọng bài toán khó này sẽ được giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, điều trị bệnh.

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...