Thực hiện chương trình GDPT 2018 - Còn nhiều khó khăn

Thứ 6, 21/03/2025 | 15:02:06
149 lượt xem

Năm học 2024 -2025 là năm thứ 5 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, đến nay, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên dạy học chương trình mới tại nhiều trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Vị trí ở xa trung tâm huyện, trường tiểu học & THCS Việt Hùng gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện trường còn 12 phòng học cấp 4 đã xây dựng cách đây trên 30 năm, trong đó 4 phòng tận dụng từ khu nhà kho cũ, trần dột, tường bong tróc. 

Hầu hết các phòng đều không đủ diện tích để thực hiện lớp học mở theo chương trình GDPT 2018. Thậm chí có 5 lớp chưa được trang bị ti vi – thiết bị được coi là “tối thiểu” để thực hiện chương trình mới. 

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Trường Tiểu học & THCS Việt Hùng, huyện Vũ Thư:  Trường vẫn còn thiếu rất nhiều phòng học chức năng. Hiện tại mới chỉ có 1 phòng tin học mà số lượng máy tính lại chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Số lượng đồ dùng cũng chưa đáp ứng đủ chương trình GDPT 2018. 


Thầy giáo Nguyễn Phú Khánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Việt Hùng, huyện Vũ Thư: Hiện nay trường chúng tôi còn 1 điểm trường lẻ cách điểm trung tâm 2km với 4 phòng học giảng dạy học sinh lớp 1 đến lớp 4 của 1 thôn. Ở đó cũng là phòng học cấp 4, số học sinh rất ít, chỉ 15 – 16 học sinh/lớp. Khu trung tâm thì học sinh tương đối đông, số lượng 35 học sinh trở lên, thậm chí có lớp 50 học sinh. Do đó việc giảng dạy theo phương pháp mới gặp rất nhiều khó khăn. 

Trong Chương trình GDPT 2018 có nhiều môn học tích hợp. Nhất là 2 môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế tại các nhà trường chưa có “giáo viên tích hợp” được đào tạo chuẩn chuyên môn theo yêu cầu. Các tiết hoạt động trải nghiệm cũng chưa thật sự phát huy được mục tiêu đặt ra, nhiều tình huống thực tế chỉ “nằm trên giấy”, chưa đánh giá được mức độ vận dụng của học sinh.

Cô giáo Đỗ Thị Nam, Trường Tiểu học & THCS Xuân Hoà, huyện Vũ Thư: Bản thân tôi đào tạo chuyên môn là bộ môn Mỹ thuật. Năm nay vì thiếu giáo viên, tôi được phân công kiêm nhiệm môn hoạt động trải nghiệm của khối 4 và khối 5. Với tôi đây là môn học hoàn toàn mới lạ. Tôi cũng rất mong trong những năm tới, nhà trường sẽ có đầy đủ đội ngũ giáo viên để chúng tôi được sắp xếp dạy đúng chuyên môn mình đào tạo. 

Chương trình GDPT 2018 là một thay đổi căn bản từ triết lý giáo dục tới thực hành sư phạm: xây dựng theo định hướng mở, lấy người học làm trung tâm; tạo không gian sáng tạo, đổi mới cho giáo viên. Sự thay đổi này là cần thiết. Tuy nhiên, những khó khăn từ cơ sở vật chất đến nhân lực đang tồn tại ở một số nhà trường, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, sẽ tiếp tục trở thành chướng ngại cản trở quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...