Nguy hiểm của Liên cầu khuẩn lợn

Thứ 3, 05/03/2024 | 00:00:00
830 lượt xem

Bất chấp những cảnh báo lây nhiễm liên cầu khuẩn từ tiết canh, nhiều người vẫn ăn tiết canh lợn và phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, nhất là trong những ngày đầu năm với quan điểm ăn tiết canh mang lại may mắn, song những gì nhận được chỉ là “tiền mất tật mang”.

Mỗi năm, khoa truyền nhiễm BVĐK tỉnh tiếp nhận khoảng 20 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Điếc, mất trí nhớ, viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm khớp, ảnh hưởng đến gan, thận, là những di chứng vẫn còn nhẹ khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trường hợp nặng, bệnh nhân suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi năm, khoa truyền nhiễm BVĐK tỉnh tiếp nhận khoảng 20 trường hợp nhiễm khuẩn này. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín. 


Bác sĩ Vũ Thị Sấu, phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình: “Các bệnh nhân vào khoa trong tình trạng thường rất nặng với biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá và thường là tiêu chảy. Một số bệnh nhân trong tình trạng cấp tính hơn như xuất huyết trên da, huyết áp thấp. Với những bệnh nhân nặng phải kết hợp với khoa hồi sức lọc máu nữa.” 

Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

Biểu hiện của người nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường xuất hiện sau vài tiếng đến 5 ngày, nhưng vẫn có những trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa. Chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, bệnh nhân từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau, bởi căn bệnh này giống như nhiễm trùng bình thường, không có miễn dịch lâu dài. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 7%. Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đúng. 


Bác sĩ Trần Thị Trang, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình: “Chăn nuôi giết mổ cần mang đồ bảo hộ, mang găng, mang ủng, vì liên cầu lợn ngoài lây qua đường ăn uống còn lây qua đường tiếp xúc, nếu trên tay có vết thương mà làm thịt con lợn mắc bệnh có thể lây qua đường đó. Ngoài ra nếu không đeo khẩu trang thì có thể lây qua đường hô hấp. Không nên ăn tiết canh, lòng lợn và đồ ăn sống.” 

Bất cứ con lợn nào cũng có khả năng nhiễm liên cầu

Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, không chỉ có lợn bệnh, mà bất cứ con lợn nào cũng có khả năng nhiễm liên cầu. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu khu trú ở vùng họng của con lợn mà không phát thành bệnh, khiến người chăn nuôi, chế biến và người ăn đều không nhận biết được. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột sau khi giết mổ lợn hoặc ăn sản phẩm từ lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hà My


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...