Tìm giải pháp để ngành du lịch “cất cánh”

Thứ 5, 11/08/2022 | 09:41:06
1,521 lượt xem

Tiếp tục Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình nhiều nội dung được đại biểu nêu. Các Bộ trưởng: Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia giải trình.

Đề cập đến vấn đề đạo đức, văn hóa học đường, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, hiện nay, đạo đức học đường, văn hóa ứng xử đang xuống cấp trong nhà trường, bệnh viện. Việc này dẫn đến gian lận trong học tập, thi cử, làm xấu đi hình ảnh nghề giáo viên và bác sĩ. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp căn cơ đối với vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, đây là những vấn đề "rất bức bối, khổ tâm".  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí này.

Giải trình thêm về vấn đề văn hóa học đường, ứng xử trường học, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08, ngày 1/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Bộ trưởng hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của Chỉ thị này sẽ tạo ra được nhiều chuyển biến, trong đó việc tạo dựng các giá trị bao gồm cả việc thực hiện thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về vấn đề để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển, cần đánh giá toàn diện về nguồn nhân lực du lịch. Trước mắt, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo, công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. 

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện có trên 30,7 nghìn học viên theo học trong các trường trung cấp và cao đẳng với các ngành nghề trên. Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng cho rằng có 7 nhóm giải pháp chủ chốt, đó là giải pháp đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng; hình thành kỹ năng mới, thích ứng thay đổi thế giới việc làm; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN và khu vực; tổ chức thi cấp chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch, hướng dẫn một cách bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh.

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Ngành du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, nhiều giải pháp đã đặt ra để phát triển ngành kinh tế này nhưng đến nay hướng triển khai còn chậm; các Bộ, ngành, địa phương còn chưa quán triệt đầy đủ tinh thần du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, riêng việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để quảng bá lĩnh vực này, dù đã có Nghị quyết Bộ Chính trị nhưng đến tháng 2/2022 mới ban hành Thông tư của Bộ tài Chính đối với quỹ trên. Việc đẩy mạnh cải tiến visa điện tử, các hình thức miễn visa...cũng liên quan đến rất nhiều nội dung nên lộ trình này chưa đủ đột phá. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với phát triển ngành dịch vụ du lịch để thực sự xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đối với lĩnh vực văn hóa trong đó có công tác bảo tồn các di tích và gắn công tác này với du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, đối với các di tích, đặc biệt là với các di tích lịch sử cách mạng cần có nguồn đầu tư kinh phí bởi nhu cầu vốn tu bổ của các hạng mục di tích trên luôn trong tình trạng thiếu; quy trình thủ tục cũng rất phức tạp.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần “sát thực tế, rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao” đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...