Cơn bão giá quật ngã hàng loạt nhà thầu xây dựng

Thứ 5, 14/07/2022 | 10:48:43
1,081 lượt xem

Suốt từ năm 2021 đến nay các nhà thầu xây dựng liên tiếp phải hứng chịu hàng loạt đợt sóng dữ dội của cơn bão giá nguyên vật liệu, xăng dầu và cả dịch covid -19.

Cơn bão giá leo thang đến mức khiến một vị chuyên gia kinh tế phải ví von như những trận lũ cuồng phong cuốn trôi các nhà thầu. Nhiều nhà thầu xây dựng quy mô vừa và nhỏ rơi vào tình cảnh "làm cũng chết, không làm cũng chết”, thậm chí, có nhà thầu đã bị kiệt sức, không thể trụ nổi phải tháo chạy khỏi dự án. 

Thực tế đáng buồn này lại xảy ra ở một số dự án giao thông cao tốc Bắc – Nam,  tuyến cao tốc được cho là quan trọng bậc nhất về phát triển hạ tầng, động lực của nền kinh tế cả nước và được Chính phủ, người dân đặc biệt quan tâm, hy vọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có cơ chế, hành động sớm bảo vệ nhà thầu, chỉ vài năm nữa thôi, các thương hiệu xây dựng được coi là cánh chim đầu đàn trong nước sẽ lụi tàn.

Ngay từ đầu năm 2021 các loại nhiên liệu, vật liệu biến động giá lớn, đều tăng từ 20 – 50% kéo theo giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp cũng tăng từ 18 - 30%.

Một nhà thầu đã và đang đảm nhận hàng loạt dự án xây dựng của quốc gia trải dài khắp đất nước, trong đó có tới 8 gói thầu cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành, Phan Thiết và nhiều dự án trọng điểm khác cho biết tuy là lớn mạnh nhưng khi nhiên, nguyên vật liệu liên tiếp tăng phi mã thì cũng không kịp trở tay.

Hậu quả là có tới 12 nhà thầu phụ phải tháo chạy khỏi dự án, để lại gánh nặng vô cùng lớn cho nhà thầu chính này.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn: Nhiều nhà thầu phụ ban đầu thi công rất tốt nhưng càng làm họ lại không đảm bảo nguồn lực, thi công thua lỗ nên bỏ công trường, không thi công. Trước áp lực của chủ đầu tư, uy tín của nhà thầu chính thì buộc phải đảm nhiệm hết. Đã thua lỗ về giá cả rồi tiếp tục  lại phải nhận rủi ro của nhà thầu phụ để lại


Nhiều nhà thầu khác cũng lâm vào tình trạng sống dở, chết dở vì chi phí đội lên gấp đôi trong khi đó định mức đơn giá xây dựng không cập nhật theo sát giá thị trường. Hầu hết các nhà thầu không thể lường trước biến động giá cả với biên độ lớn như vậy nên dù có tính toán hệ số trượt giá cũng không thể bù đắp được.

 Ông Nguyễn Hữu Tới – Phó Tổng giám đốc Vinaconex: Ví dụ như Mai Sơn – QL 45 đến giờ trượt giá 30%, lỗ vài trăm tỷ nếu nhận dự án 1.000 tỷ. Vì vậy rất nhiều đơn vị phải bỏ, nhà thầu chính phải chấp nhận rủi ro lỗ để làm


Ông Nguyễn Hùng – Trưởng ban Đấu thầu, Tập đoàn Đạt Phương: Chúng tôi chưa thể lường hết được yếu tố rủi ro  giá cả nguyên vật liệu, dịch bệnh. Đây là yếu tốt bất khả kháng trong khi nguồn đất đắp không nằm trong số điều chỉnh trong khi tỷ trọng đất đắp rất lớn trong gói thầu. Tính mỗi khối vật liệu đắp tại hiện trường nhà thầu lỗ 10-15%


Thua lỗ, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, thậm chí có đoạn dừng hẳn thi công. Tình trạng này đang xảy ra tại một số gói thầu cao tốc Bắc – Nam, làm hụt tiến độ, đe dọa trực tiếp đến việc hoàn thành toàn bộ dự án.

Ông Lê Thắng – GĐ BQL dự án 2: Hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng đã xảy ra từ lâu nhưng BQLDA vẫn quyết liệt chỉ đạo nhưng giờ thì họ cũng đuối sức, có hiện tượng chững lại rồi


Trước khó muôn vàn khó khăn và thách thức như hiện nay,Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp với hy vọng Chính phủ  sớm vào cuộc để cứu  các DN thoát khỏi khủng hoảng bão giá.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam:  Giải pháp chúng tôi mong muốn nhất là phải có điều chỉnh, sửa đổi đơn giá định mức trong ngành xây dựng; thứ 2 giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, xem xét lại việc siết tín dụng đối với DN xây dựng….


Hiện các nhà thầu đang gồng mình chịu lỗ để huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công, cố gắng đảm bảo tiến độ của dự án nhưng với tình hình này nhiều nhà thầu sẽ kiệt sức.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...