Cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ hết lòng với học sinh

Thứ 4, 02/03/2022 | 00:00:00
1,252 lượt xem

Trong các trường học cấp I, cấp II hiện nay, dạy mỹ thuật vẫn được coi là môn phụ, mỗi lớp chỉ có một hoặc hai tiết một tuần nhưng cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ luôn tâm huyết với việc dạy học trò. Chính thái độ kính nghiệp cùng khả năng chuyên môn vững vàng và bản tính yêu trẻ con, cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ đã giành tình yêu thương của một người mẹ để yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ nhiều thế hệ học trò.

Tốt nghiệp khoa mỹ thuật Đại học sư phạm Hà Nội, cô Thuỳ đã làm công tác giảng dạy được mười sáu năm, bắt đầu từ trường Tiểu học Thuỵ Phong rồi chuyển sang trường Tiểu học và THCS Thuỵ Lương. Với những kiến thức bài bản đã học, đồng thời luôn sẵn tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu để soạn bài giảng cho phong phú nên cô đã có những tiết dạy lí thú, bổ ích cho học trò. Học trò của cô là những bạn nhỏ nên cô giáo Thuỳ đã tìm tòi cách truyền đạt đơn giản và dễ hiểu cho các con, đổi mới phương pháp dạy để học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Các con rất háo hức mỗi khi đến tiết mỹ thuật của cô vì cách truyền đạt hấp dẫn, làm cho các con yêu thích môn mỹ thuật hơn. 


Cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ: "Ban đầu mình nghĩ là làm cô giáo thì được chơi với trẻ nhiều hơn và mình may mắn được dạy trẻ ở nhiều lứa tuổi thì mình hiểu được tâm lý của trẻ hơn nên các con rất ngoan ngoãn, học tập chăm chỉ."

Nhận thấy có nhiều học trò cũng yêu thích môn mỹ thuật, cô Thuỳ đã thành lập “CLB mỹ thuật phát triển trí tuệ Kim Thuỳ”  để động viên và thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh. Nhất là khi đã làm mẹ, cô giáo Thuỳ càng hiểu tâm lý của các bé nên cô cũng coi học trò như con của mình, muốn các con được hưởng những lợi ích của nền giáo dục phát triển toàn diện và giúp các con tự tin hơn, khám phá ra tiềm năng của bản thân mình.


Cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ: “Mình cũng nghiên cứu đời sống văn hoá thế giới, mình thấy những ngày nghỉ hay những ngày hè trẻ thường đến thăm bảo tàng hay có những sinh hoạt văn hoá rất là hay. Trẻ em nông thôn thiệt thòi nhiều vì sân chơi giành cho trẻ em rất là ít thì cho các con vào một sân chơi như thế, tạo sân chơi cho các con, thứ nhất là để các con tránh những tai tệ nạn hay xảy ra vào mùa hè, thứ hai là nâng tầm văn hoá lên, chất lượng cuộc sống của bọn trẻ được tốt hơn.” 

Lúc đầu, cô giáo Thuỳ chỉ mở một cơ sở ở Thái Thuỵ, rất nhiều bạn nhỏ đã đến học. Ở nông thôn, đồ dùng hoạ phẩm không có, cô giáo phải bỏ tiền túi của mình để mua dụng cụ, màu vẽ cho các con học. Ngoài kỹ thuật cơ bản về hội hoạ, các con còn được tham gia các hoạt động thực tế, rèn luyện tư duy và kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như sự yêu thương và sẻ chia để các con trước hết là biết yêu thương ông bà, bố mẹ và cả những người yếu thế hơn mình, giúp các con phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo. Có những bạn học sinh đã theo học CLB của cô từ cấp I lên đến cấp II.

 Hai năm trước, Trung tâm hoạt động văn hoá thể thao thanh thiếu niên tỉnh đã mời cô giáo Thuỳ lên Trung tâm dạy một lớp vẽ cho trẻ em trong dịp hè. Từ đó, cô mạnh dạn lên ý tưởng mở rộng CLB mỹ thuật phát triển trí tuệ Kim Thuỳ trên thành phố. Khi mới mở CLB trên thành phố, điều khó khăn đầu tiên mà cô Thuỳ gặp không phải là tìm kiếm học sinh mà là địa điểm cho các con học. Cô phải bỏ tiền thuê 1 căn nhà vừa có sân rộng, vừa có bếp nấu ăn cho các con và chỗ ngủ trưa cho các bé. Vì nhà xa nên một tuần cô chỉ dạy cho các bé được 2 ngày thứ 7 và chủ nhật, còn buổi trưa chính cô nấu cơm cho các con và dỗ ngủ, cuối giờ chiều, phụ huynh đến đón các con về thì lúc ấy cô mới thu dọn rồi lại đi xe máy về nhà. Suốt 2 năm như vậy nhưng dù mưa hay nắng, cô không hề nghỉ ngày nào. Cô cũng vậy mà trò cũng vậy, dù ở xa mấy cũng đi, chỉ mong đến ngày học vẽ để được đến lớp. Có bạn tuổi mẫu giáo ở với cô cả ngày mà không hề khóc đòi bố mẹ đón về nhà sớm.

Chị Chu Thị Hạnh ở xã Phú Lương huyện Đông Hưng, nhà cách lớp vẽ 17 km nhưng vẫn đều đặn chở các con đến học vẽ ở CLB vào mỗi cuối tuần. Tháng trước cháu Mai Kim Khánh 8 tuổi là con thứ 2 của chị đã đạt giải 3 cuộc thi vẽ tranh vì “Vì môi trường tương lai”. 


Chị Chu Thị Hạnh, xã Phú Lương: “Em cho 3 cháu nhà em học ở CLB này 2 năm rồi, thấy các cháu cũng ngày càng tiến bộ, khả năng tư duy của cháu ngày càng tốt hơn, cũng có ý thức hơn chủ động sắp xếp sách vở để đi học, thấy các cháu học ở đây rất là vui và bổ ích."

Cô Thuỳ luôn thấu hiểu tâm lí, tính cách từng học trò của mình nên có các biện pháp khuyến khích, động viên phù hợp và cũng có khi phê bình nghiêm khắc giúp các em sửa tật xấu, ý thức học hơn và biết cảm thông, yêu thương hơn. Cô còn cho các con đi thực tế vào những dịp đặc biệt như rằm trung thu, tết thiếu nhi và cùng chung vui với các bạn làng trẻ SOS.

 

Vừa dạy dỗ học hành, vừa chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, coi học sinh như con của mình mà quan tâm, dạy dỗ, vì vậy phụ huynh rất yên tâm gửi con đến lớp học của cô. Các bé cũng tin tưởng và yêu quý, kính trọng cô nên các bé rất ngoan ngoãn nghe lời và học hành chăm chỉ. Phương pháp dạy của cô Thuỳ thường lồng ghép các trò chơi xen lẫn bài giảng giúp các con học hành vui vẻ nên các con từ bị động biến thành chủ động tiếp thu kiến thức. Học sinh cũng bị lôi cuốn vào lời nói nhẹ nhàng, truyền cảm, những cách tiếp cận bài giảng một cách thực tế.



Cháu Bùi Đỗ Minh Phương, trường Tiểu học Lê Hồng Phong: “Cô giáo Thuỳ rất là hiền, cô hay cười và luôn tận tình chỉ dạy, kiên nhẫn với chúng con. Cô cũng rất quan tâm con và các bạn, hay nhắc nhở chúng con mặc áo ấm và uống thuốc khi ốm”.

Suốt 7 năm mở CLB, năm nào học sinh của cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ cũng đạt giải trong nước và quốc tế như cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải “Vì môi trường tương lai” của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Cuộc thi tranh thiếu nhi châu Á được tổ chức thường niên tại Nhật Bản, giải vẽ tranh quốc tế “Chiếc ô tô mơ ước” của Toyota…và nhiều giải vẽ tranh lớn nhỏ giành cho thiếu nhi khác nữa.

    


Chị Nguyễn Thị Thu -  phường Trần Lãm: ”Lúc con nhà em mới 5 tuổi đã rất thích vẽ, nhưng lúc đó nhà em chưa biết đến cô giáo Thuỳ. Nếu em biết cô từ sớm thì em cho đến cô học ngay từ lúc ấy. Cháu đi học vẽ về thì rất háo hức, mong đợi đến cuối tuần để được đến CLB học vẽ với cô. Theo học ở đây cháu vẽ đẹp hơn nhiều, tôi treo tranh của cháu ở cửa hàng ở nhà, khách hàng đến cũng khen tranh của cháu vẽ đẹp, có người còn hỏi mua mấy trăm ngàn một bức, nhưng nhà em giữ lại làm kỷ niệm cho cháu.” 

Lúc nào cũng vậy, cô giáo Phan Thị Kim Thuỳ đã mang hết nhiệt tình, sự yêu thương và kiến thức đã được học của mình, vượt mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt sứ mệnh của một người thầy, dù dạy ở trường hay CLB đều rất trách nhiệm. Đồng thời, cô giáo Thuỳ cũng không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Trà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...