Thái Bình đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư

Thứ 2, 07/06/2021 | 17:02:51
1,652 lượt xem

Mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện Thái Bình là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến 

Thái Bình là một tỉnh nghèo thuần nông, công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để vực dậy nền kinh tế của tỉnh. Đã có rất nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện thành công, do đó, Thái Bình luôn là 1 trong 5 tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.

Khi nhận được quyết định giao vốn năm 2021, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương phân bổ nguồn vốn cho các dự án. Là cơ quan thực hiện kiểm soát, thanh toán các nguồn vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình cũng tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị KBNN trực thuộc phối hợp với cơ quan tài chính kịp thời nhập nguồn vốn vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cho các dự án.

Bên cạnh đó, KBNN Thái Bình đã nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị đã tập hợp và chủ động báo cáo với cấp có thẩm quyền và đều nhận được sự quan tâm và giải quyết kịp thời từ các cấp lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra, KBNN Thái Bình luôn có sự trao đổi thường xuyên với các chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư giải trình và phối hợp để cùng tháo gỡ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư. Với cách làm này, KBNN Thái Bình đã tạo được sự nhất quán, đồng thuận trong quá trình giải ngân vốn, từ đó đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn.

Tuy nhiên, Thái Bình là tỉnh đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Do đó, nhiều dự án, công trình cũng phải tạm ngừng thi công. Để khắc phục khó khăn và để duy trì tốc độ giải ngân, KBNN Thái Bình đã đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết, việc triển khai DVCTT đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh (trừ khối an ninh, quốc phòng) đã được KBNN Thái Bình hoàn thành trong năm 2020. Do đó, khi toàn tỉnh Thái Bình thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, KBNN Thái Bình đã đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT. Vì vậy, các chủ đầu tư vẫn gửi hồ sơ, khối lượng công trình đã được nghiệm thu trước đó lên DVCTT để KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán nên công tác giải ngân vẫn được đảm bảo.

Giải ngân đạt trên 61% kế hoạch

Theo báo cáo từ KBNN Thái Bình, kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 của tỉnh được giao là 2.611 tỷ đồng, đến hết ngày 31/5/2021, KBNN Thái Bình đã kiểm soát, giải ngân 1.602 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Với tỷ lệ này, Thái Bình đang đứng đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả nước.

Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN Thái Bình đã phát hiện 479 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định. Với các trường hợp này, KBNN Thái Bình đã yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án bổ sung các thủ tục cần thiết (trong đó 479 món qua DVCTT). Đồng thời, KBNN thực hiện từ chối thanh toán 2 món với số tiền 147 triệu đồng.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ nay đến cuối năm, KBNN Thái Bình đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ khi có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN. Bên cạnh đó cũng đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện việc đối chiếu số dư dự toán năm 2020 đối với các dự án được chuyển nguồn sang năm 2021 để thực hiện chuyển nguồn, kịp thời thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Ngoài ra, KBNN Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc phải kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án có biện pháp tháo gỡ, đảm bảo công tác kiểm soát chi được chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, KBNN Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị KBNN thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giải quyết hồ sơ chứng từ qua DVCTT. Đồng thời, các đơn vị KBNN tổ chức thực hiện tốt phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”.

Trong năm qua, KBNN Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Tính đến hết ngày 31/5/2021, lũy kế thu NSNN trong cân đối của tỉnh đạt 4.252 tỷ đồng, đạt 54% so với dự toán.            

Đồng thời, KBNN Thái Bình đã phối hợp với chủ đầu tư khấu trừ 2% thuế GTGT khi thanh toán giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. Theo đó, trong 5 tháng qua, toàn tỉnh đã thu được 31 tỷ đồng thuế GTGT vào NSNN.            


Nguồn Thời báo Tài chính

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...