Tết Cùng của người dân thôn Diệc

Thứ 7, 13/03/2021 | 00:00:00
2,615 lượt xem

Hàng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, nhân dân thôn Diệc xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà lại tưng bừng làm bánh Khửu hay còn gọi là bánh Khúc để đón tết Cùng. Giống như bánh Chưng, bánh Giày trong Tết Nguyên đán, ở lthôn Diệc, bánh Khửu đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong dịp tết Cùng.

Mâm cơm cúng để đón Tết Cùng

Khi được hỏi về tục lệ khá độc đáo này thì người dân ở thôn Diệc, xã Tân Hòa cho biết, gốc tích của việc tổ chức ăn tết hai lần là do ngày xưa có một vị tướng dẫn quân đi dẹp giặc ngoại xâm đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Sau khi đánh thắng giặc trở về quê thì đã qua Tết Nguyên đán, ông muốn khao quân nhưng cuối giêng đầu tháng hai giáp hạt, gạo nếp không đủ nấu xôi. Lúc bấy giờ mưa xuân đang bay và lấm tấm bên những thửa ruộng trơ gốc rạ là rau khúc xanh non, ông nghĩ ra việc hái rau khúc đồ làm bánh, chõ bánh mở ra thơm ngát. Từ đó thành lệ cứ Tết Cùng người dân Thôn Diệc hái rau khúc làm bánh.

Gia đình bà Chiên đang quây quần làm bánh

Bà Nguyễn Thị Chiên thôn Diệc  năm nay đã 70 tuổi, nhưng đôi tay vẫn rất khéo léo nặn những chiếc bánh khửu, luộc lên để bầy lên mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Những người cao tuổi như bà, cũng không rõ được tục lệ này có từ bao giờ, chỉ biết cứ đến ngày này là nhà nào cũng làm bánh Khúc để dâng cúng tổ tiên.

Bà Nguyễn Thị Chiên, Thôn Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà:

“Bánh được làm từ bột gạo nếp và bột tẻ sau đó trộn cùng với lá khúc say nhuyễn, đi kèm với món bánh khửu không thể thiếu đó là nhân bánh, nhân bánh tôi làm bằng đỗ xanh , thịt lợn ba chỉ và hạt tiêu.”


Nguyên liệu làm bánh Khửu

Làm bánh Khửu tưởng chừng như đơn giản nhưng để có chiếc bánh thơm ngon không phải ai làm cũng được. Trước hết, để làm vỏ bánh đạt yêu cầu mỏng, dẻo, có màu xanh đẹp mắt, người ta thường chọn những ngọn rau tầm khúc tươi non làm nguyên liệu. Chọn loại rau khúc nhỏ, non vặt lấy hoa mang luộc lên lấy nước đem trộn với bột nếp để làm vỏ bánh. Nhân bánh làm bằng thịt ba chỉ đỗ xanh và hạt tiêu cho thơm. Bánh khửu có một hương vị rất đặc trưng, rất dân dã, thôn quê mà bất kỳ người dân Thôn Diệc nào dù có đi xa bao nhiêu năm cũng không quên được hương vị đặc trưng của bánh.

Bà Nguyễn Thị Hoan - Thôn Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà:

“Hàng năm nhà tôi hay gói bánh Khửu để dâng lên cúng tổ tiên vào ngày Tết Cùng, muốn truyền dạy đến con cháu phải biết ơn đến tổ tiên và cội nguồn.”


Bánh Khửu sau khi nấu chín

Tục lệ làm bánh Khửu- hay còn gọi là bánh Khúc vào dịp tết Cùng ở làng Diệc đã có từ rất lâu. Giống như một nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ nhiều đời nay để tưởng nhớ đến vị tướng đã có công đánh giặc ngoại xâm, giáo dục truyền thống yêu nước của địa phương. Hương vị bánh Khửu vương vấn trong lòng những người con xa quê làm cho chúng ta nhớ vị bánh thơm ngon ấy, lại hoài niệm, là mình đã có một quê hương, một truyền thống giữ đất giữ làng, để mà yêu thương, tự hào .

Lan Anh

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...