Bảo vệ nước – Bảo vệ sự sống

Thứ 6, 05/06/2020 | 00:00:00
1,393 lượt xem

Biến đổi khí hậu đang diễn tiến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng tới tài nguyên nước. Nhưng nguy hiểm hơn con người lại đang là tác nhân góp phần gây ra những biến đổi ấy. Nếu chúng ta không hành động bảo vệ nguồn nước thì nguy cơ sự sống cũng bị đe dọa.

Nước sạch là một trong những nhu cầu bức thiết trong đời sống sinh hoạt hàng ngày

Câu chuyện hạn mặn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và hạn hán ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ hay Tây Nguyên thời gian qua, đẩy người dân đến tận cùng của cái khổ khi mà lúa chưa ngậm đòng đã chết rụi, cây ăn trái và hoa màu héo rũ, hàng ngàn hộ dân thiếu nước ngọt, đất canh tác sa mạc hóa, chăn nuôi không phát triển... 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/3, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL vào khoảng 39.000 ha đối với lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020. Đồng thời, khoảng 95.600 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trong khi đó tỉnh Bình Thuận tính đến ngày 25/5 có hơn 114.000 nhân khẩu ở 43 xã, phường, thị trấn khu vực nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt

Câu chuyện của đồng bằng sông Cửu Long hay một vài tỉnh ở nam Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ là điển hình cho việc chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu và nhiều tác nhân khác. Bài học từ các tỉnh này sẽ chính là nhãn tiền để Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước trong bối cảnh hiện nay. 

Nếu chỉ nhìn ở câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hay một vài tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhiều người cho rằng đây là hiện tượng cục bộ, chỉ xảy ra ở một vài tỉnh ở phía nam. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã vượt xa khỏi phạm vi lãnh thổ của một địa phương và trở thành vấn đề chung mà bất cứ địa phương nào cũng không được phép chủ quan. Thái Bình – một tỉnh được bao bọc bởi hệ thống sông suối dày đặc cũng không nằm ngoài quy luật này.

 Ô nhiễm nguồn nước, nhiều năm trở lại đây tác động to lớn đến nuôi thả thủy sản ở Thái Bình

Trong nhiều năm trở lại đây, các tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngày càng nhiều ở Thái Bình, gây thiệt hại đáng kể đến mọi mặt đời sống. Mực nước biển tăng khoảng 2,9mm/năm ở các giai đoạn 1993 -2000. Bão, lũ và  và áp thấp nhiệt đới từ 2016 đến nay diễn biến khó lường, phá hủy nhiều tài sản và nhiều hoạt động sinh kế. Những tháng đầu năm nay, tình trạng xâm nhập mặn ở Thái Bình, độ mặn xâm nhập sâu hơn và thậm chí là trái quy luật. Cụ thể trong tháng 4/2020, có lúc độ mặn cao nhất tại Đông Quý (sông Trà) 21,6‰, Ba Lạt (sông Hồng) 23,6‰. Phạm vi chịu ảnh hưởng độ mặn 4 ‰ từ cửa sông vào sâu 10-15km. 

Ông Đoàn Xuân Quýnh – Doanh nghiệp kinh doanh nước sạch:

Hiện tượng nước mặn xâm nhập nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mọi năm tới hết tháng 2 đã hết mặn nhưng năm nay kéo dài đến tháng 4, nước vẫn còn mặn. Khó khăn cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải sử lý để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. 



Ông Nguyễn Thành Trung – Phó chủ tịch UBND xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư: 

Nguồn nước lấy từ sông Hồng vào, trong quá trình xử lý chất lượng chưa đảm bảo. Có thời điểm xâm nhập mặn vào đến khi người dân sử dụng thì nước vẫn còn.


Có thể thấy biến đổi khí hậu đang diễn tiến phức tạp đe dọa nghiêm trọng tới tài nguyên nước. Nhưng nguy hiểm hơn con người lại đang là tác nhân góp phần gây ra những biến đổi ấy. 

Phá rừng, xả thải, lấn chiếm dòng chảy, tràn lan vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật… Điều này khiến cho môi trường nước các lưu vực sông diễn biến phức tạp, một số nơi chất lượng nước bị ô nhiễm nặng. Nhiều sông trở thành sông chết. 

Sông Bạch tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình

Bà Phạm Thị Kỷ - xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình: 

Sông Bạch mà không bạch, nước xả thải ra bẩn và thối vô cùng!



“Sông chết” cũng đồng nghĩa với mối nguy về chất lượng nước đầu vào cấp nước cho sinh hoạt. Thái Bình hiện có 75 cơ sở cung ứng nước sinh hoạt. Trong đó hơn 20 cơ sở cấp nước lấy nước từ sông nội đồng, còn lại lấy từ sông lớn. 

Ông Nguyễn Quang Khánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX SXKDDVNN Vân Trường, huyện Tiền Hải: 

Nước thải xả ra sông Lân, mùa tháng 5, 6 làm đất các xã dồn xuống và cả tạp chất không đảm bảo. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Nam Thái Bình có biện pháp tháo nước ra thì nước sông mới đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. 



Ông Hoàng Quốc Lập – Chủ tịch Hội nước sạch Thái Bình: 

Đề nghị các cơ quan của tỉnh tham mưu giúp tỉnh tạo điều kiện có vị trí đất đai xây hồ chứa nước, đảm bảo tình huống xấu nhất. Kiến nghị tỉnh làm sao quy hoạch xây dựng hạn chế tối đa, hạn chế nghiên cứu gia trại gần khu lấy nước tránh tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.



Sử dụng nước sạch sinh hoạt là quyền lợi của mọi người dân trong tỉnh. Đến nay Thái Bình là một trong số ít các tỉnh trong cả nước đảm bảo cho 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nhưng nếu không có những giải pháp bảo vệ tài nguyên nước hợp lý chúng ta sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về sự thiếu hụt nguồn nước sạch sau này.

Nước sạch không chỉ cung cấp cho sinh hoạt còn cần trong tưới tiêu nông nghiệp

Trong quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đề ra 5 nhóm giải pháp với mục tiêu quản lý, bảo vệ tài nguyên nước mặt không bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; chất lượng nước dưới đất đảm bảo không bị ô nhiễm ở các tác động nhân sinh và công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Khương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình: 

Về lâu dài nguồn nước sạch cho người dân Thái Bình đạt về chất lượng, chúng tôi để nghị giải pháp trọng tâm: dự báo nhu cầu nước ở các địa phương. Nâng cấp cải tạo hệ thống mạng lưới, mọi người dân sử dụng nước. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật dự báo về thời tiết để chủ động nước sạch cấp nước cho người dân.


Ông Đỗ Trần Chinh – Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN&MT Thái Bình:

Nghiên cứu đề xuất xây dựng mạng lưới tự động quan trắc, giám sát khai thác sử dụng bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường nước ở các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, khoanh định hàng lanh bảo hộ vệ sinh cùng cấm hạn chế khai thác.


Ông Lê Xuân Quảng – Trưởng khoa sức khỏe môi trường và y tế, Trung tâm CDC Thái Bình: 

Để đảm bảo chất lượng nước thì các nhà máy nước chú ý từ ngay thời điểm nguồn nước nhiễm mặn, hoặc nhà máy có thể xây hồ chứa khối lượng nước lớn để điều chỉnh.



Nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai. “Nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh” cũng chính là chủ đề của Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm nay. Thái Bình trong nỗ lực hành động chung cần trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc khai thác, sử dụng nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Hoài Thu

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...