Khi việc tiếp cận với sách của học sinh ở khu vực nông thôn còn hạn chế thì mô hình thư viện gia đình của cô giáo Nguyễn Thị Bích Thúy, hiện đang là giáo viên trường tiểu học và THCS Vũ Vinh, huyện Vũ Thư đã khắc phục được điều đó. Mặc dù có nhiều vất vả nhưng với cô Thúy, điều quan trọng là rèn thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em từ những trang sách.
Các bạn đọc nhí đến mượn sách - nguồn Thư viện Thảo Hưng
Chúng tôi có mặt tại Thư viện Thảo Hưng của cô giáo Nguyễn Thị Bích Thúy, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Có thể cảm nhận thư viện không gian đọc nhỏ nhưng ngăn nắp giữa một không gian xanh mát. Ban đầu chỉ với 500 đầu sách cô Thúy từ tiền lương dạy học nhưng đến nay, số sách đã tăng lên gấp 6 lần, với nhiều thể loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng bạn đọc.
Về lý do mở thư viện, cô Thúy cho biết: “Ở xã ban đầu có một số bạn thanh niên mở ở nhà văn hóa thôn nhưng ko duy trì được, phải đóng cửa vì không có ai quản lý vì các bạn ấy bận nhiều việc. Mình mở tại nhà mình tranh thủ được mình vừa làm việc nhà, vừa cho các cháu mượn, đọc trả sách, tức là mình làm một công đôi việc. Mình quản lý được đầu sách, các bạn đọc. Đến gia đình mình đảm bảo an toàn cho các cháu”.
Từ ý tưởng ban đầu mở thư viện để các em học sinh hiểu được trọn vẹn các tác phẩm văn học mình được học. Cô giáo Thúy không ngờ rằng, sách lại mang đến cho cô những người bạn tốt, giúp cô thêm hiểu học trò mình hơn.
Các đầu sách tại thư viện rất phong phú - nguồn Thư viện Thảo Hưng
Cô Thúy tâm sự, trong quá trình làm, có những lúc bản thân mình cũng cảm thấy oải, tưởng như khó duy trì được thư viện. Thứ nhất là sức khỏe, thứ hai mở cuốn sổ mượn trả, các bạn không trả sách. Thực sự cô đã mất nhiều sách. Khi sách trao tay còn nguyên vẹn nhưng khi trả lại bị rách. Những điều đó từng khiến cô giáo Thúy chán nản.
Nhưng chính sự hào hứng của các em với sách, với thư viện chính là động lực để cô Thúy vượt qua những khó khăn, mệt mỏi, mà tưởng chừng đã có lúc cô muốn dừng lại công việc đầy ý nghĩa này.
Cô Thúy và công việc phân loại sách hàng ngày - nguồn Thư viện Thảo Hưng
Để đa dạng thêm nguồn sách trong thư viện, cô Thúy đã vận động, kêu gọi nguồn sách từ các tổ chức, cá nhân, các thư viện trong và ngoài tỉnh hoặc qua người thân, bạn bè. Đáp lại sự nhiệt tình, tận tâm của người giáo viên với văn hóa đọc, số sách gửi về thư viện ngày càng tăng. Tri ân tấm lòng của những người trao tặng sách, hàng ngày, trên chiếc bảng nhỏ cô đều ghi tên, cảm ơn người tặng sách. Bên cạnh đó, để thu hút, lôi cuốn người đọc đến với sách, cô giáo Thúy đã tổ chức nhiều hoạt động như: trao tặng sách cho bạn đọc theo quý, chia sẻ những cuốn sách hay trên trang Facebook, cấp thẻ miễn phí cho từng bạn đọc. Vì thế, số lượng người đến thư viện ngày càng đông.
Không chỉ phục vụ bạn đọc ở trong xã, trong thôn, sách của Thư viện Thảo Hưng còn đến với nhiều học sinh nghèo nhưng ham học. Đều đặn hàng tuần, cô lại soạn những cuốn sách hay, kỹ năng sống, sách Tiếng Anh cho các em học sinh ở trường mà cô đang công tác mượn đọc, giúp các em học tập tốt hơn. Thư viện ra đời nhận được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh. Anh Lê Đức Khanh, một người dân xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư chia sẻ: "Ở nông thôn văn hóa văn nghệ vui chơi ít. Từ khi thư viện có nhiều ích lợi cho con chúng tôi. Chúng tôi an tâm hơn vì các con ko phải đi xa, không đi chơi, biết là con đến thư viện đọc hoặc mượn sách về nhà".
Còn với Minh Châu, một độc giả quen thuộc của thư viện Thảo Hưng, thì việc đọc sách mang lại cho em nhiều cái hay: "Khi thấy con đến thư viện, Bố mẹ con rất vui và bố mẹ dặn là phải đọc thật nhiều sách, để biết nhiều hơn" – Minh Châu tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Bích Thúy: Khi tôi giới thiệu sách cho học sinh thì mình nhận nhiều kết quả. Tôi củng cố thêm kiến thức, biết tâm lý các em sâu sắc hơn, để giúp các em cảm nhận bài tôi dạy theo hướng khác. Khi tâm lý học sinh mình biết rồi, cái gì yêu thích, đam mê thì mình định hướng. Điều quan trọng nhất là định hướng nghề nghiệp cho học sinh. |
Khi công nghệ và mạng xã hội đang nở rộ, nhiều em nhỏ dường như đã quên sách, thích sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại thông minh hay ipad thì sự ra đời của những thư viện tư nhân như Thảo Hưng đang kéo các em về với thói quen đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến với thư viện Thảo Hưng, các em nhỏ không chỉ được lĩnh hội giá trị văn hóa tốt đẹp, tiếp nhận tri thức một cách chọn lọc mà còn được cô giáo trường làng tâm huyết thắp nên những ước mơ, hoài bão, nghị lực qua những câu chuyện xúc động. Qua đó góp phần hình thành nhân cách cho các em ngay từ lứa tuổi đến trường.
Cuốn sổ ghi bạn đọc trả mượn sách cứ ngày càng dày lên. Đó là niềm hạnh phúc của cô giáo Thúy trong sự đóng góp phát triển văn hóa đọc tới cộng đồng. Cô tâm niệm: Mình cho đi nhưng không cần nhận lại. Điều quan trọng là rèn thói quen đọc sách, nuôi dưỡng ước mơ cho các em nhỏ vùng nông thôn như ý nghĩa của dòng chữ “Trọn tri thức, tròn ước mơ” trên tấm bảng nhỏ được cô Thúy treo trong thư viện của mình.
Ninh Thanh
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...