Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cán bộ, công chức là lấy đồng thuận của dân làm gốc. Tất cả các khâu từ lập phương án, thống nhất tên gọi, nơi đặt trụ sở xã mới, lựa chọn cán bộ khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đều được huyện Tiền Hải công khai và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Hơn 30 năm làm cán bộ xã, từng kinh qua nhiều vị trí, chức danh khác nhau. Mặc dù đã sắp đến tuổi nghỉ chế độ, nhưng khi được biết xã Đông Trà nơi ông đang công tác sẽ sáp nhập với xã Đông Hải và như vậy chức danh chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã của ông cũng sẽ có thay đổi, vì thế mà ông Thể cũng như nhiều cán bộ, công chức khác của xã cũng có những lo lắng, trăn trở nhất định.
Ông Phạm Ngọc Thể - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Đông Trà, huyện Tiền Hải: Tôi có 36 năm đóng bảo hiểm xã hội rồi, còn 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ chế độ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập này. Song cũng rất tâm tư, trăn trở về công việc. Mong muốn sau sáp nhập được bố trí việc làm phù hợp thôi. |
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Huyện Tiền Hải có 5 xã, thị trấn phải tiến hành sáp nhập. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, toàn huyện sẽ giảm 3 xã với khoảng 60 cán bộ, công chức và số cán bộ dự kiến phải bố trí vị trí làm việc sau sáp nhập là 50 đồng chí. Việc sáp nhập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, nhất là chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể hiện nay chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển.
Ông Chu Bảo Lộc - Bí thư Đảng ủy xã Đông Hải, huyện Tiền Hải: Đây là chủ trương rất đúng, như Đông Hải chúng tôi trước đây tách từ Đông Trà ra nay lại nhập vào là đúng thôi. Tuy nhiên anh em cán bộ, công chức cũng có chút tâm trạng. Nhưng chúng tôi động viên tư tưởng để anh em yên tâm công tác. |
Thời gian thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính diễn ra trong thời gian ngắn. Việc bố trí cán bộ công chức cấp xã cũng phải theo quy định, số lượng dôi dư sau sắp xếp là không nhỏ. Vì vậy việc quán triệt Nghị quyết 37 của Bộ chính trị "về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã" đã được huyện Tiền Hải triển khai thực hiện bài bản, đúng trình tự từ việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đến việc xây dựng các phương án, kế hoạch luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Vì vậy đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Biền - Bí thư Chi bộ thôn Thành Long xã Đông Hải, huyện Tiền Hải: Nhân dân chúng tôi hoàn toàn nhất trí cao việc sáp nhập xã. Chính vì thế mà ngay trong đợt lấy ý kiến vừa qua 99,7% nhân dân trong thôn nhất trí sáp nhập. Như vậy tinh giảm được bộ máy. |
Để “gọn” bộ máy, huyện Tiền Hải đã chủ động rà soát cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Căn cứ vào NQ số 39 của TW Đảng về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và NQ số 26 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, thực hiện phương án bố trí, luân chuyển chéo, ngang, dưới lên trên, trên xuống dưới, kịp thời bổ sung những vị trí, chức danh còn khuyết, thiếu. Từ đó sớm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức trước và sau sáp nhập để họ yên tâm công tác. Đồng thời giải quyết ổn thỏa đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dư thừa.
Ông Cao Xuân Băng - Chủ tịch UBND Thị trấn Tiền Hải: Là địa phương nằm trong diện sáp nhập, thời gian qua chúng tôi đã quán triệt nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của cấp trên. Từ việc nhận thức đúng nên cán bộ và nhân dân đồng thuận rất cao. |
Và để “tinh” bộ máy, với phương châm lựa chọn cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, “vừa hồng vừa chuyên”, huyện Tiền Hải đã và đang rà soát, xây dựng lộ trình, quy chuẩn cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã một cách chu đáo, cẩn trọng. Để bộ máy tổ chức mới ở các địa phương sau sáp nhập với địa giới hành chính rộng hơn thì phải hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Tiền Hải: Công tác bố trí sắp xếp lại các vị trí việc làm sau sáp nhập là đặc biệt quan trọng vì liên quan đến con người nên quan điểm của huyện là phải làm thận trọng, từng bước một và phải có lộ trình, kế hoạch, phương án cụ thể. Làm sao mà sau khi sáp nhập phải tạo được động lực mới cho đội ngũ cán bộ. |
Tuy nhiên, công tác cán bộ thời điểm này hết sức nhạy cảm. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là bước “đệm” nhân sự cho Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, có thể sẽ có chuyện chạy chức, chạy quyền. Thiết nghĩ, không chỉ Tiền Hải mà tất cả các địa phương khác trong tỉnh cần tăng cường công tác giám sát, có chế tài giám sát cụ thể để “tai mắt” của dân là HĐND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể vào cuộc một cách sâu sát./.
Hữu Phước
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...