Từ xa xưa người dân Việt Nam đã có câu: “Nhà có nóc, làng có cổng”. Cổng làng ra đời và phát triển từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của một ngôi làng. Thuở sơ khai, cổng làng có vai trò là cột mốc phân chia vùng đất thổ cư và vùng đất canh tác. Trải qua thời gian, cổng làng có vị trí quan trọng, là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng được công nhận trong tiềm thức của người dân Việt.
Thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng. Tại ngôi làng, vẫn còn lưu giữ được cổng làng cổ còn nguyên vẹn như thuở sơ khai. Theo như các cụ cao niên kể lại, thì cổng làng Duyên Hà được xây dựng từ đầu những năm 1920, khi xưa làng có đến 6 cổng làng, được xây dựng ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc và 2 cổng ra cánh đồng. Nhưng do thời gian và sự đổi thay làng xã thì Duyên Hà nay chỉ còn lưu giữ được 1 cổng làng cổ phía Tây.
Ông Đỗ Đức Vương - thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng: “Xưa làng Duyên Hà bà con dệt vải, ươm tơ thức đêm nhiều, để gìn giữ cuộc sống yên ấm của người dân, làng đã xây dựng cổng làng. Sau cuộc kháng chiến trường kỳ của ta cũng như thế, bảo vệ, chặn địch. Hàng ngày bà con đi làm đồng về nắng mưa thì nghỉ ngơi ở cổng làng” |
Về mặt kiến trúc và trang trí, cổng làng lưu giữ một kho báu văn hóa vô giá và được xây dựng bằng những đôi bàn tay tài tình của cha ông. Bởi khi xưa chưa có xi măng, vôi đá, do đó, cổng làng Duyên Hà được xây dựng hoàn toàn bằng những vật liệu thô sơ như gạch đỏ, và lớp vữa được tạo thành từ vỏ sò, vỏ ốc nghiền tan, trộn cùng cát, rơm và mật mía. Cổng làng được xây dựng hai tầng (còn gọi là cổng thượng gia hạ môn) và được trang trí bởi họa tiết hoa văn rất đỗi giản dị, gần gũi với đời sống ở mỗi làng quê.
Cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã.
Ông Đỗ Đức Vương - thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng: “Cổng làng cần 20 mẫu ruộng lén. Thứ nhất là, cấy ruộng để lấy thóc mua kinh phí, thứ hai là huy động đóng góp của các đinh nam giới trong làng, mỗi đinh đóng 4-5 triệu. Ngày xưa nghèo lắm nên nộp dần, để mua đường, rơm vàng, gạch để làm cổng” |
Cổng làng xưa, nơi in đậm dấu ấn thời gian, mang trên mình lớp lang trầm tích văn hóa và khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác.
Phía sau mỗi cánh cổng làng ấy, xưa nay vẫn là sự kết nối cộng đồng gia tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, những nét văn hóa riêng biệt. Cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng.
Bà Bùi Thị Tính - Bí thư chi bộ thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng: “Thôn Duyên Hà là thôn đông dân cư nhất toàn xã, nói chung bà con trong thôn có truyền thống muốn lưu giữ hết nét đẹp văn hóa của cha ông xưa. Bà con trong làng đoàn kết, thống nhất” |
Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, hình ảnh mỗi cổng làng xưa cũ dần thay thế bằng những cổng làng to đẹp, bề thế hơn. Cũng bởi để đáp ứng nhu cầu giao thương ngày một lớn của mỗi vùng quê khi xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong tâm thế của mỗi người dân, thì cổng làng dù to dù nhỏ, cổ xưa hay hiện đại thì cổng làng là nơi bắt đầu gắn kết quần thể cư dân nơi đây và phía sau cổng làng là một thế giới văn hóa đặc trưng, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng.
Ông Bùi Đình Phú - thôn Cổ Hội Đông, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng: “Nói đến làng quê nói đến cổng làng. Ngay từ xa xưa, hình thành mảnh đất có lỗi ngõ để dân làng, người con cháu đi xa nhớ đến cổng làng để về quê hương. Trong thời kỳ nông thôn đổi mới, làng xã có cổng làng khang trang dựng lên thì cũng là một địa chỉ để con cháu đi xa về gần nhớ đến. Thậm chí người chưa biết làng Cổ Hội thì thấy cổng làng là người ta tìm về người thân” |
Cổng làng cùng “cây đa, giếng nước, sân đình”, đã mãi trở thành biểu tượng của mỗi làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cánh cổng làng dù hiện hữu hay vô hình vẫn là nỗi nhớ là hình ảnh mang hai tiếng "quê hương" của những người con xa xứ. Đặc biệt, với mỗi con người sinh sống và làm việc tại vùng quê ấy, thì những nét giá trị văn hóa vô giá này, mãi còn được bảo tồn và lưu truyền cho lớp lớp thế hệ con cháu sau này.
Bà Bùi Thị Niên - Bí thư chi bộ thôn Cổ Hội Đông, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng: “Chi bộ thôn đứng lên tuyên truyền cho các đồng chí cán bộ đảng viên, cũng như toàn thể nhân dân để khơi dậy nét đẹp văn hóa của cha ông để lại. Được nhân dân hưởng ứng cao trong các cuộc vận động” |
Cùng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình thì cổng làng là biểu trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua năm tháng, cổng làng cho ta tìm về những giá trị văn hóa, hồn cốt của mỗi làng quê, để từ đó, cho ta biết trân trọng, giữ gìn những giá trị, những nét văn hóa của tâm hồn người Việt và phát huy hơn nữa những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của cha ông.
Phương Thúy
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo...
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Bùi...
Sáng 14.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có...
Sáng ngày 13.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, dưới sự điều hành...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...