BHYT giảm gánh nặng cho bệnh nhân lao

Thứ 6, 06/09/2019 | 17:13:42
1,315 lượt xem

Thống kê cho thấy, 70% bệnh nhân lao là người nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài từ 6 đến 8 tháng, thậm chí 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Hiện nay, gánh nặng về kinh tế và những âu lo của người bệnh đang được Bảo hiểm y tế cùng gánh đỡ, chia sẻ.

Có tiền sử điều trị lao 12 năm, được chẩn đoán tiền siêu kháng với những biến chứng nặng nề, bệnh nhân này dường như cả đời phải gắn liền với bệnh viện. Ước tính chi phí điều trị 1 năm lên tới gần 100 triệu, nếu như không có tấm thẻ bảo hiểm y tế, chắc chắn bệnh nhân và gia đình sẽ phải chịu gánh nặng kép cả về sức khỏe và kinh tế.  

Bác sĩ Hoàng Quân – Bệnh viện Phổi TW: 

"Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 11/30 có gánh nặng bệnh lao, chi phí cho bệnh nhân đi khám và điều trị bệnh chiếm 20% chi phí cả gia đình, khi bệnh nhân bị lao và không có bảo hiểm thì bệnh nhân phải chịu gánh nặng lớn."

Là lao động chính trong gia đình, tuy nhiên giờ đây, anh Nguyễn Tuấn Anh phải nằm điều trị thời gian dài bởi căn bệnh lao kháng thuốc. Nếu không điều trị thì sẽ là nguồn lây lớn cho cộng đồng và có nguy cơ tử vong cao. Khi phải điều trị dài ngày, anh ý thức rằng tấm thẻ BHYT đặc biệt quan trọng, nhờ đó mà chi phí khám chữa bệnh được giảm đến 80% . 

Anh Nguyễn Tuấn Anh – Quận Hoàng Mai, Hà Nội: 

"Đối với bệnh nhân điều trị lao, ngoài thuốc lao được cấp phát miễn phí ra thì còn các thuốc khác, người chăm sóc, ăn uống…rất tốn kém, không có bảo hiểm thì thực tế là gánh nặng, chữa bệnh có bảo hiểm mới an tâm hơn, còn không có bảo hiểm thì vừa lo sức khỏe, vừa lo kinh tế."


Bà Ngô Thị Mơ – tỉnh Thái Bình: 

"Có BHYT nên được chi trả nhiều, gia đình tôi chỉ phải trả ít thôi"






Tại bệnh viện Phổi Trung ương hiện có 90% người bệnh có thẻ BHYT, còn 10% người bệnh không có thẻ và tự chi trả, nguyên nhân chính là do gia đình, bản thân người bệnh còn chủ quan hoặc quá khó khăn. Theo các bác sĩ, bệnh lao có phác đồ điều trị kéo dài, thuốc kèm theo đắt, chi phí đồng chi trả dù là 5% nhưng cũng là gánh nặng lớn với người nghèo và cận nghèo. 

Bác sĩ Nguyễn Kim Cương – Phó trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi TW: 

"Bệnh nhân không có BHYT là cả vấn đề, nhẹ không sao nhưng bệnh khó chẩn đoán, dùng kĩ thuật cao, diễn biến bệnh phức tạp thì lúc đấy là phải vay mượn, phải dành khoản nguồn thu khác dành cho việc điều trị, cầm cố tài sản, nhiều trường hợp không đủ tiền xin về. Chi phí thảm họa khi dùng trên 20% thu nhập cho điều trị bệnh, để kết thúc bệnh lao không phải chịu chi phí thảm họa, 63% bệnh nhân lao chịu chi phí thảm họa và nghèo, nếu BHYT có thì sẽ là chỗ dựa cho bệnh nhân."

Mỗi năm nước ta có gần 130.000 người mắc lao mới và đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia đang phải gánh chịu bệnh lao nặng nề nhất, đây là thách thức không nhỏ đối với chính sách quốc gia. BHYT với ý nghĩa chia sẻ gánh nặng của người khỏe mạnh với người bệnh là 1 trong những giải pháp quan trọng và rất cần sự tham gia của cả cộng đồng. 

Theo TTXVN


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...