Công tác tiếp dân nhìn từ cơ sở ( phần 1)

Thứ 6, 05/07/2019 | 09:46:58
1,645 lượt xem

Kể từ năm 2013, luật tiếp công dân có hiệu lực, công tác tiếp công dân ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện nay đã phần nào đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác tiếp công dân vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới.

Những kết quả đã đạt được

Thửa đất của gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Luật Nội 1 xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương có sự chênh lệch giữa bản đồ địa chính so với diện tích thực tế ngoài thực địa. Bà Mai đến trụ sở UBND xã để kiến nghị xin được giải quyết. Mặc dù không phải ngày tiếp dân theo thường kỳ hàng tuần của chủ tịch UBND xã, nhưng bà vẫn được công chức văn phòng, tiếp thu ý kiến và hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Ra về bà tỏ ra hài lòng với sự đón tiếp ân cần của người tiếp dân tại  UBND xã.


Bà Nguyễn Thị Mai - thôn Luật Nội 1 xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương: Các cán công chức được phân công làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết công việc rất là tận tình hài hòa, hướng dẫn cho tôi về dưới cơ sở cấp ủy, ban lãnh đạo thôn, nếu giải quyết dàn hòa được mà xong thì không phải lên UBND xã. Nếu không giải quyết được thì các anh cũng phổ biến làm đơn lên xã giải quyết, nhìn chung các cán bộ tiếp dân rất hài hòa đầu cuối.



 


 Kể từ năm 2013 luật tiếp công dân có hiệu lực, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thái Bình đã luôn xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của chính quyền cơ sở đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Thông qua hoạt động tiếp công dân, các cấp ủy, chính quyền không chỉ được nghe công dân trình bày ý kiến, kiến nghị của mình mà còn là dịp để tuyên truyền, giải thích cho công dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tiếp dân, nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cũng như các kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền; giải quyết các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở. 

Ông Nguyễn Văn Vượng - chủ tịch UBND phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình : Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, đặc biệt là thực hiện luật tiếp công dân, phường đã xây dựng nội quy, cũng như phân công các cán bộ tiếp dân. Chủ tịch UBND phường tổ chức tiếp công dân theo đúng lịch 1 ngày trong 1 tuần và phân công cán bộ tổ chức tiếp dân hàng ngày. Trước, trong và sau tiếp các kỳ tiếp công dân đều phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là thanh tra thành phố trong việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân.

Ông Nguyễn Bình Minh - Phó chủ tịch UBND phường Quang Trung, thành phố Thái Bình: việc tiếp công dân của phường được xây dựng lịch ngay từ đầu năm. Phường quy định tiếp công dân vào ngày thứ 4 hàng tuần. Người tiếp công dân là chủ tịch và phó chủ tịch. Cán bộ tư pháp được phân công phụ trách công tác tiếp công dân hàng ngày. Chúng tôi đã công khai tất cả quy chế, thông báo lịch tiếp công dân và gửi cho tất cả các tổ trưởng dân phố về tuyên truyền cho bà con nhân dân.


Có thể thấy việc tiếp công dân ở các xã, phường thị trấn trên địa bàn Thái Bình đã đi vào nề nếp, đáp ứng phần nào sự mong chờ của người dân khi đến trụ sở UBND xã để bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Người đứng đầu, cụ thể là Chủ tịch UBND xã đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân theo định kỳ hàng tuần. Vai trò, trách nhiệm  của đội ngũ công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân hàng ngày cũng được nâng cao. Không còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành ở cơ sở trong thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư các kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng trình tự của pháp luật.

Ông Phạm Hùng Cương - Phó chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương: Các cán công chức Văn phòng, Địa chính, Tư pháp… hàng ngày trực tại phòng làm việc của mình để tiếp nhận hồ sơ, tiếp nhận các đơn của công dân. Sau đó tổng hợp về văn phòng, bàn giao cho chủ tịch UBND xã xem xét giải quyết.







Ông Nguyễn Văn Vượng - Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình: Trong thời gian qua ở Kỳ Bá không có vụ việc phức tạp xảy ra, các đơn thư ý kiến phản ánh của người dân đều được tập trung giải quyết đảm bảo quyền lợi của người dân, do vậy đã góp phần vào ổn định tình hình trên địa bàn phường.





Thực tiễn đã khẳng định ở địa phương nào làm tốt công tác tiếp công dân, lắng nghe những kiến nghị của người dân để tập trung giải quyết, ở đó tình hình xã hội ổn định, kinh tế phát triển. 

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết tiếp công dân với giải thích pháp luật để dân hiểu và chấm dứt khiếu kiện. Việc đầu tư cơ sở vật chất nơi tiếp công dân tại một số nơi còn gặp khó khăn về kinh phí. Bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được thực hiện đầy đủ. Phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, chất lượng còn hạn chế. Một số công dân đến trụ sở UBND xã nhưng chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình. Trong khi luật tiếp công dân đã quy định rõ ràng.

Những quy định của luật tiếp công dân

Điều 7: Luật Tiếp công dân quy định người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân có các quyền sau: 

Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ: Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh./.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thêm thông tin trong phần 2. Mời quý vị và các bạn theo dõi.

Mai Lộc

                                                                                                                                                          

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...