Yêu cầu về chất lượng nhân lực trong xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi các trường đại học cần có sự chuẩn hóa chất lượng giáo dục đại học, từ đó cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Trước vấn đề quan trọng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tặng hoa cho Đoàn đánh giá AUN tại Lễ bế mạc đánh giá AUN cấp trường.
Phóng viên: Trong phát triển giáo dục đại học (GDĐH) trước đây, phần lớn các trường ĐH chưa thật sự chú ý đến những điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như kết quả sản phẩm đầu ra là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nhân lực trong xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi các trường ĐH cần có sự chuẩn hóa, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Vì vậy, kiểm định chất lượng là một quá trình xem xét khảo sát, đánh giá, từ đó giúp các trường ĐH cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Theo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), công tác kiểm định chất lượng đã được triển khai trong toàn hệ thống như thế nào?
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt: Bảo đảm chất lượng là một trong ba nội dung quan trọng thể hiện trong sứ mạng của ĐHQH-HCM: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Chúng tôi xác định, đây là nhiệm vụ then chốt được thực hiện một cách hệ thống và xuyên suốt trong quá trình phát triển của ĐHQG-HCM. Thông qua công tác tuyển sinh, thông tin về các ngành đào tạo của ĐHQG-HCM được lan tỏa rộng đến các đối tượng sinh viên tiềm năng, các kênh xét tuyển được mở rộng, tạo thêm cơ hội cho thí sinh; các hình thức đánh giá được cải tiến giúp lựa chọn được thí sinh có đủ năng lực tham gia quá trình đào tạo. Đây là bước đầu cũng là khâu quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào ĐHQG-HCM.
Bên cạnh đó, trong quá trình học, chất lượng đào tạo được nâng cao thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, phương thức dạy và học. Từ năm 2007, ĐHQG-HCM đã bắt đầu thực hiện triển khai đào tạo theo tiếp cận đầu ra (Outcomes Based Education) theo định hướng chung của mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN). Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo được rà soát và hoàn chỉnh căn cứ trên yêu cầu thực tế của các bên liên quan. Các hoạt động dạy/học/đánh giá được thiết kế một cách có hệ thống giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của chương trình. Từ năm 2010, với việc áp dụng công nghệ CDIO (mô hình triển khai Outcomes Based Education xuất phát từ các trường đại học tiên tiến ở Hoa Kỳ và Thụy Điển), chất lượng các chương trình đào tạo tại ĐHQG-HCM đã có những bước tiến bộ đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, tiếp cận CDIO đã được triển khai áp dụng cho tất cả các trường thành viên của ĐHQG-HCM đồng thời lan tỏa cho hệ thống đại học Việt Nam. Song song đó, ĐHQG-HCM tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đẩy mạnh công tác đánh giá nội bộ, đánh giá ngoài và kiểm định. Chính vì thế, đến nay ĐHQG-HCM đang là một trong những cơ sở đào tạo dẫn đầu cả nước về các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo chuẩn kiểm định chất lượng của khu vực và quốc tế với 60 chương trình.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn hơn nữa các chương trình đào tạo theo định hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chất lượng cao trong nước, khu vực và quốc tế. Các chương trình tiếp tục được rà soát và điều chỉnh để tăng độ linh động, đáp ứng yêu cầu mang tính liên ngành của thị trường lao động. Phương thức đào tạo được điều chỉnh theo định hướng tăng độ chủ động của người học. Các hình thức học tập chủ động như học tập trực tuyến (MOOCs), lớp học tích hợp (Embedded Classroom), lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) sẽ từng bước được mở rộng.Việc phối hợp các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị sử dụng lao động, cũng sẽ được tiếp tục chú trọng phát triển, nhằm huy động được các nguồn lực đa dạng trong toàn xã hội, giúp người học có nhiều cơ hội để trải nghiệm các hoạt động thực tiễn từ đó phát tiển tốt hơn năng lực bản thân.
Phóng viên: Đối với kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đã có ĐH thành viên nào đạt chuẩn và việc kiểm định chương trình đào tạo có những chuyển biến tích cực ra sao?
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt: Tại ĐHQG-HCM, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế được triển khai với các mục tiêu: Khẳng định chất lượng đào tạo của hệ thống, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, góp phần phát triển văn hóa chất lượng trong hệ thống nói riêng và trên cả nước nói chung.
Đối với cấp cơ sở giáo dục, hiện nay tất cả các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều đã đạt chuẩn kiểm định giáo dục theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong ba trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của AUN (Mạng lưới các trường đại học ASEAN), ĐHQG-HCM đóng góp hai trường. Đó là Trường đại học Bách khoa và Trường đại học Quốc tế. Ngoài ra, Trường đại học Bách khoa còn kiểm định thành công bởi HCERES của Pháp.
Đối với cấp chương trình đào tạo, từ năm 2009 đến nay, ĐHQG-HCM có tổng 60 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, trong đó có 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, hai chương trình đạt chuẩn ABET, bảy chương trình đạt chuẩn CTI-ENAEE, một chương trình đạt chuẩn ACBSP và một chương trình đạt chuẩn FIBAA. Trong số các chương trình đạt chuẩn AUN-QA có bốn chương trình đạt mức 5/7 (tốt hơn mong đợi) trên thang đo của AUN-QA. Đặc biệt, hai chương trình đạt chuẩn ABET là những chương trình đầu tiên ở Việt Nam kiểm định thành công bởi tổ chức kiểm định quốc tế uy tín này. Kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là con đường ngắn mà hiệu quả giúp nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các chương trình, tạo điều kiện để người học nhận được sự công nhận trên thị trường lao động toàn cầu. Nếu như năm 2009, chỉ có ba trường thành viên của ĐHQG-HCM tham gia đánh giá AUN-QA thì đến nay, tất cả các trường đại học thành viên đều có chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế, bao quát nhiều lĩnh vực đào tạo, góp phần thúc đẩy văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống. Những thực tiễn tốt đúc kết thông qua hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng không chỉ được chia sẻ giữa các đơn vị thành viên để cải tiến chất lượng liên tục mà còn được phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm với các trường đại học khác ngoài hệ thống ĐHQG-HCM vì mục tiêu cùng phát triển.
Những thành quả trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế tại ĐHQG-HCM trong những năm qua.
Phóng viên: Tính đến giữa năm 2018, cả nước có 526 chương trình liên kết quốc tế, 60 chương trình đào tạo chất lượng cao, 50 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE), 35 chương trình tiên tiến, 20 chương trình tài năng và 16 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV). Cùng với điều chỉnh cơ cấu ngành, nhiều trường ĐH tích cực đầu tư cơ sở vật chất để khẳng định uy tín và thu hút người học. Vậy các trường ĐH trong hệ thống của ĐHQG-HCM đã có chuyển biến thế nào trước khi bước vào năm học sắp đến?
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt: Để khẳng định uy tín và thu hút người học, cơ sở GDĐH phải khẳng định được chất lượng đào tạo. Có nhiều yếu tố xác định chất lượng đào tạo: chương trình đào tạo, đội ngũ (quản lý, học thuật, hỗ trợ), cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng thí sinh đầu vào.
ĐHQG-HCM nghiên cứu và từng bước triển khai các phương pháp giảng dạy mới như đào tạo tích hợp (blended learning), đào tạo theo dự án (Project based learning - PBL), đào tạo trực tuyến (MOOCs) đi kèm với sự đầu tư đồng bộ và hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập như: Hệ thống phòng thí nghiệm, phòng mô phỏng; trung tâm dữ liệu kinh tế - tài chính; hệ thống phòng thu để xây dựng các bài giảng số. ĐHQG-HCM đang triển khai đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại”, theo đó sẽ từng bước áp dụng việc xây dựng bài giảng số, triển khai các phương pháp giảng dạy hiện đại. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cùng các đơn vị thành viên đã tổ chức các hội thảo khoa học và triển khai đề án hướng trọng tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và hội nhập quốc tế của đất nước.
Căn cứ vào kế hoạch, chiến lược giai đoạn 2015-2020, ĐHQG-HCM đã tập trung phát huy tối đa các nguồn lực hiện có trong toàn hệ thống, nhằm thực hiện đồng bộ quá trình đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Đồng thời với đó, theo kết luận của Thủ tướng tại thông báo số 542/TB-VPCP ngày 22-11-2017 về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM và Đại học Đà Nẵng thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín trong nước và khu vực, ĐHQG-HCM đã tham gia tích cực vào việc xây dựng đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Việt Nam” với mục tiêu chung là “Xây dựng ĐHQG-HCM trở thành đại học lớn mang tầm quốc tế, đáp ứng cao nhất yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước, từng bước trở thành đại học định hướng nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của xã hội”.
Phóng viên: Để nâng cao chất lượng GDĐH, năm học 2018-2019, Bộ GD và ĐT tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài để cải tiến nâng cao chất lượng trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập của các tổ chức kiểm định. Mục tiêu đến hết năm 2018, 50% số cơ sở GDĐH được kiểm định; đến hết năm 2020, đánh giá ngoài xong vòng một đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế. Vậy tại ĐHQG-HCM, việc này làm đến đâu?
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt: Như đã trình bày ở trên, hiện nay, tất cả các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều đã đạt chuẩn kiểm định giáo dục trong nước và quốc tế và sẵn sàng chuẩn bị cho vòng kiểm định tiếp theo. Theo kế hoạch, đến năm 2022, tất cả các trường thành viên của ĐHQG-HCM sẽ được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác.
Đối với các chương trình đào tạo, ĐHQG-HCM hiện có 100 ngành đào tạo, trong đó 60 chương trình đào tạo đã được kiểm định thành công theo các chuẩn khu vực và quốc tế được Bộ công nhận (trong đó có một số chương trình đã được đánh giá lần 2). Các chương trình còn lại đang tiếp tục chuẩn bị để tham gia đánh giá, kiểm định trong thời gian tới theo chiến lược của ĐHQG-HCM.
Như vậy, với số lượng các trường thành viên và CTĐT được kiểm định trong thời gian qua, ĐHQG-HCM đã vượt yêu cầu do Bộ GDĐT đưa ra. Có thể nói, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã trở thành hoạt động thường xuyên tại ĐHQG-HCM nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trân trọng cảm ơn PGS, TS Huỳnh Thành Đạt!
Theo nhandan.com.vn
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...