Một thế kỷ trước, vào ngày 18-6-1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người An Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Hòa bình Véc-sai. Sự kiện này đã đặt dấu mốc cho sự ra đời của phong trào Việt kiều tại Pháp, tiền thân của các hội đoàn yêu nước của người Việt Nam tại Pháp sau đó và Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.
Hội người Việt Nam tại Pháp đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng nhất của Nhà nước Việt Nam.
Ngày 15-7-1946, hơn 2.000 đại biểu Việt kiều đã dự cuộc mít-tinh tại hội trường Nhà Tương tế ở Pa-ri (Maison de Mutualité) chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người thăm Pháp. Tại đây, Người chỉ rõ tinh thần và phương hướng hoạt động cho phong trào yêu nước tại Pháp. Sau đó, vào ngày 12-9-1946, trong thư gửi kiều bào tại Pháp trước khi lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kiều bào triệt để đoàn kết; ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; thực hành "cần, kiệm, liêm, chính"; biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước. Lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự động viên và định hướng rất quan trọng để cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn hướng về đất nước, dần hình thành nên phong trào độc đáo với lý tưởng kiên định, nhất quán, luôn thắm đượm bầu nhiệt huyết yêu nước.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hội người Việt Nam tại Pháp là tổ chức lớn, có uy tín và đã có những đóng góp to lớn, cả về vật chất và tinh thần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Suốt 5 năm diễn ra cuộc đàm phán (1968 - 1973) và đi đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, bà con Việt kiều tại Pháp đã chào đón, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và ủng hộ hai phái đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Ðây là một trong những sự kiện góp phần vào di sản, bề dày lịch sử đặc trưng độc đáo và độc nhất của cộng đồng người Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Pháp. Ðối với phong trào Việt kiều tại Pháp, đây là giai đoạn phát triển đỉnh cao, các điều kiện hoạt động cũng ngày càng thuận lợi hơn.
Trong quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do của quê hương, phong trào Việt kiều tại Pháp đã tích cực vận động sự ủng hộ, giúp đỡ từ các lực lượng tiến bộ, phong trào yêu chuộng hòa bình của nhân dân Pháp và thế giới. Ngoài việc tham gia trực tiếp và gián tiếp trong các hoạt động yêu nước, phong trào Việt kiều còn chủ động mở rộng hoạt động cộng tác, liên kết, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà chính trị và bạn bè quốc tế, đồng thời đề xuất và thực hiện những dự án hướng về Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước nổi tiếng đã theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về nước tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước như giáo sư, viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên...
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, phong trào Việt kiều tại Pháp được tập hợp dưới một mái nhà chung, chính thức lấy tên là Hội người Việt Nam tại Pháp. Cùng với các hội đoàn cơ sở khác, Hội người Việt Nam tại Pháp lại tiếp tục kiên trì tổ chức các phong trào quyên góp ủng hộ trong nước, giúp các địa phương còn khó khăn, thúc đẩy các dự án phát triển khoa học, kỹ thuật, đầu tư, đóng góp kiều hối, cấp học bổng cho sinh viên. Ðây là những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp tái thiết, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua một thế kỷ, vào bất kỳ thời điểm nào, bất cứ hoàn cảnh nào, lúc đất nước còn chiến tranh cũng như hòa bình, khi đất nước còn chia cắt hay khi nước nhà đã thống nhất, lúc khó khăn, bao vây cấm vận hay đất nước hòa bình và hội nhập, Hội người Việt Nam tại Pháp đều là hạt nhân đoàn kết, tập hợp kiều bào ở Pháp, luôn gắn bó và hướng về Tổ quốc. Qua nhiều thế hệ, phong trào Việt kiều có nhiều tên gọi, nhiều thăng trầm, lúc công khai, lúc âm thầm, và trong suốt lịch sử vẫn giữ một lòng gắn bó với dân tộc. Thời gian gần đây, hoạt động của Hội đã được củng cố và đổi mới, phù hợp giai đoạn phát triển hiện nay, có sự tham gia của lớp trẻ, liên kết nhiều hội đoàn Việt Nam và Pháp để quảng bá đất nước đổi mới từng ngày và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với những đóng góp quan trọng trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp đã hai lần được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Ðộc lập hạng nhất (năm 1996 và năm 2019). Trong cuộc gặp ngày 31-3-2019 với cộng đồng Việt kiều nhân chuyến thăm chính thức Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Hội người Việt Nam tại Pháp Huân chương Ðộc lập hạng nhất nhân dịp kỷ niệm 100 năm Phong trào Việt kiều và Hội người Việt Nam tại Pháp.
Trải qua một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, các thế hệ người Việt Nam trong phong trào Việt kiều và Hội người Việt Nam tại Pháp luôn tự hào về những đóng góp cho phong trào cách mạng của đất nước và mong muốn thế hệ trẻ kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước và lý tưởng cao đẹp như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Theo nhandan.com.vn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...