Căng thẳng Mỹ - Trung đã vượt quá ranh giới của một cuộc chiến thuế nhập khẩu, khi hai bên tăng sức ép lên nhau trên nhiều lĩnh vực.
Một cảng biển ở Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei Technologies vào danh sách đen, đồng thời nâng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đáp lại, truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo có thể sử dụng đất hiếm làm vũ khí kế tiếp trong chiến tranh thương mại. Mỹ hiện phải dựa vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, từ vệ tinh đến pin xe điện.
Theo giới phân tích, dưới đây là những biện pháp mà hai nước có thể áp dụng để trả đũa nhau trong chiến tranh thương mại.
1. Tiếp tục nâng thuế
Trung Quốc vẫn có thể áp thuế với khoảng 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ chưa bị ảnh hưởng. Tháng 12/2018, Bắc Kinh còn gỡ bỏ thuế với xe nhập khẩu từ Mỹ, và giờ họ hoàn toàn có thể tái áp dụng.
Trung Quốc cũng có thể nâng thuế với số sản phẩm vốn đã chịu thuế hiện tại, như đậu tương. Cho đến trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, Trung Quốc là nước mua nhiều đậu tương Mỹ nhất. Nếu Trung Quốc tiếp tục nâng thuế, các hãng nhập khẩu nước này sẽ phải tăng nhập đậu tương từ Brazil và các nước khác, như cách họ đã làm từ năm ngoái. Việc này sẽ khiến các nông dân Mỹ càng thiệt hại. Các bang nông nghiệp Mỹ lại chính là nhóm đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Giới chuyên gia cho rằng các mặt hàng công nghệ cao, như thiết bị bán dẫn và chip, khó có thể xuất hiện trong danh sách nâng thuế. Do Trung Quốc không dễ tìm hàng thay thế. Bên cạnh đó, Trung Quốc đến nay cũng chưa đưa máy bay Boeing vào danh sách chịu thuế. Đây là hàng nhập khẩu có giá trị lớn nhất của nước này từ Mỹ. Các hãng bay Trung Quốc đang tích cực mở rộng đội bay để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể tăng mua máy bay Airbus. Việc này sẽ khiến họ phải phụ thuộc vào châu Âu nhiều hơn trong vài năm tới, cho đến khi hoàn thiện C919 - loại máy bay Trung Quốc đang tự phát triển.
Mỹ cũng có thể tiếp tục tăng thuế với hàng Trung Quốc. Một trong các lựa chọn của họ là nâng thuế với 50 tỷ USD hàng công nghệ Trung Quốc, gồm máy móc, thiết bị bán dẫn, linh kiện ô tô và các linh kiện trung gian hàng điện tử. Đây là các sản phẩm đã bị áp thuế từ tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, với mức thuế 25%.
2. Bán trái phiếu chính phủ
Trung Quốc hiện nắm nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất, với khoảng 1.120 tỷ USD. Bắc Kinh coi đây là là kênh đầu tư an toàn cho dự trữ ngoại hối của mình.
Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ, thị trường Mỹ sẽ chịu thiệt hại, lãi suất sẽ tăng vọt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất tham chiếu hoặc mua vào trái phiếu để giảm thiểu tác động. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã bán bớt trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài.
Dù vậy, phần lớn chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không bán tháo, vì điều này sẽ khiến giá trị dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đi xuống. Trung Quốc cũng sẽ khó tìm được kênh đầu tư thay thế.
3. Hạ giá Nhân dân tệ
Đồng 100 USD của Mỹ và 100 NDT của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể hạ giá nội tệ để tăng tính cạnh tranh cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, việc này có thể khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước lo lắng, và Mỹ càng có thêm cớ trừng phạt Trung Quốc vì thao túng tiền tệ.
Từ tháng 7/2018 - thời điểm Mỹ bắt đầu thu thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc, đồng NDT đã yếu đi 4% so với USD. Việc này đã bù đắp phần nào ảnh hưởng của thuế nhập khẩu với các công ty Trung Quốc.
4. Hạn chế hoạt động của các công ty, hoặc chậm cấp visa
Bộ Thương mại Trung Quốc tuần này sẽ công bố danh sách các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài họ cho là "không đáng tin cậy" vì làm ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp Trung Quốc. Danh sách có thể nhắm đến các công ty lớn của Mỹ, như Apple. Dù vậy, việc này có thể phản tác dụng, do hàng triệu lao động Trung Quốc đang phải dựa vào công ty này.
Goldman Sachs ước tính việc cấm các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc có thể khiến đại gia này mất một phần ba lợi nhuận. Nhiều công ty Mỹ khác cũng có thể bị thiệt hại vì làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc, tương tự việc diễn ra với các công ty Hàn Quốc cách đây vài năm.
Bắc Kinh cũng có thể khiến các ngân hàng, chuỗi nhà hàng, công ty vận chuyển và hãng cung cấp nguyên vật liệu của Mỹ kinh doanh khó khăn hơn, như tăng cường thanh tra thuế, từ chối cấp phép và kéo dài thủ tục hành chính.
Dù vậy, chính các công ty lớn của Mỹ lại đang thuyết phục chính phủ có quan điểm hòa hoãn hơn trong vấn đề với Trung Quốc. Vì thế, trả đũa lên các công ty này sẽ không có lợi cho Bắc Kinh. Nhiều thương hiệu lớn của Mỹ cũng đang liên doanh với đối tác Trung Quốc. Các liên doanh này có thể chịu ảnh hưởng từ các biện pháp của chính phủ.
Đến nay, cả hai quốc gia đều đã giảm tốc độ cấp visa du học. Việc này có thể được áp dụng với cả doanh nhân và quan chức chính phủ.
5. Ngừng xuất khẩu đất hiếm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm một công ty đất hiếm tại phía nam Trung Quốc hồi đầu tháng 5, làm dấy lên đồn đoán Trung Quốc có thể cắt nguồn cung kim loại này cho Mỹ. Đây là nguyên liệu thiết yếu trong hàng điện tử tiêu dùng và thiết bị quân sự công nghệ cao. Trung Quốc hiện cung cấp 80% nhu cầu đất hiếm cho Mỹ.
6. Trừng phạt các công ty
Thiết bị giám sát của Hangzhou Hikvision Digital Technology trên phố. Ảnh: AFP
Mỹ có thể trừng phạt thêm nhiều công ty, với các cáo buộc từ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm lệnh cấm vận đến quyền con người. Một trong các biện pháp là cấm các công ty Mỹ bán hàng cho các doanh nghiệp này khi chưa được phép, như trường hợp của Huawei Technologies tháng trước. Công ty sản xuất thiết bị giám sát Zhejiang Dahua Technology và Hikvision đều đang nằm trong vòng cân nhắc của Washington.
Dù vậy, mặt hại của biện pháp này là ảnh hưởng đến các công ty Mỹ làm ăn với các công ty Trung Quốc này. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tăng sức ép buộc chính phủ các nước khác loại Huawei ra khỏi hệ thống mạng 5G trong nước.
7. Tăng điều tra pháp lý
Bộ Tư pháp Mỹ có thể tăng điều tra về cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc do thám và đánh cắp công nghệ, bí mật thương mại từ các công ty Mỹ. Đây là một trong các nguyên nhân chính châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD. Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. |
Theo vnexpress.net
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...