Nghị định 15/2018/NĐ - CP - Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm an toàn thực phẩm, lĩnh vực y tế

Thứ 5, 23/05/2019 | 06:19:33
1,515 lượt xem

Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình, niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân, thay vì phải xin xác nhận từ các cơ quan quản lý Nhà nước như trước đây. Chỉ cần gửi 1 bản tự công bố sản phẩm qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là điểm nổi bật của Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy hoạch chi tiết thi hành một số điều của luật ATTP, thay thế Nghị định số 38/2012 trước đây.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay vào google, nhấn từ khóa: "Thực phẩm chức năng" là có thể nhận được hàng loạt các địa chỉ, công ty cung ứng cho khách hàng các sản phẩm chức năng theo yêu cầu. Tuy nhiên đã có rất nhiều người tiêu dùng đã tiền mất, tật mang khi đặt mua sản phẩm chức năng qua mạng, có cả những sản phẩm không được cấp phép. Chính bởi vậy, rất cần có những người tiêu dùng thông thái và với các công ty doanh nghiệp, cũng phải tự nâng cao nhận thức từ việc nhập các sản phẩm thực phẩm chức năng rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, nơi nhập hàng và bảo quản sản phẩm theo đúng quy định... 

Chị Đỗ Thị Thủy - Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình: Người tiêu dùng của chúng tôi muốn nhà quản lý chức năng chặt chẽ đối với các sản phẩm đưa ra thị trường để đảm bảo cho người dân yên tâm sử dụng có sức khỏe tốt hơn.

Ông Nguyễn Phú Thêm - Giám đốc công ty Cổ phần Dược Ánh Dương, thành phố Thái Bình: Khi nhập thuốc về chúng tôi rất quan tâm về thực phẩm chức năng, quan trọng nhất là cơ chế bảo quản, nồng độ và nhiệt độ để đảm bảo thuốc đạt tiêu chuẩn. Thứ hai đặc biệt quan tâm đến hồ sơ thủ tục giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...

Không chỉ riêng sản phẩm chức năng, mà một số sản phẩm an toàn thực phẩm khác, thuộc lĩnh vực y tế người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Hiện tại Bộ Y tế quản lý 6 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, bao bì dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, các sản phẩm khác không quy định trong danh mục của ngành nông nghiệp, ngành công thương quản lý... 

Vậy khi doanh nghiệp tự công bố về chất lượng sản phẩm của công ty, doanh nghiệp mình, rồi sau đó mới thực hiện vấn đề hậu kiểm, có sự kiểm tra, lấy mẫu đánh giá chất lượng thì vấn đề đặt ra là liệu người tiêu dùng có yên tâm khi sử dụng các sản phẩm đó hay không? 

Chị Trần Thị Bình - Phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình: Là một công nhân đồng thời cũng là một người tiêu dùng chúng tôi muốn sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, muốn các ngành chức năng vào cuộc để tăng cường kiểm tra, bây giờ rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng...

Thay vì các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các quy trình, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và chờ thời gian để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mới được sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoặc công bố sản phẩm mới trên thị trường... Nghị định 15 thực thi vào cuộc sống, là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính cho đơn vị, doanh nghiệp. Hiện nay tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Như vậy bỏ qua nhiều bước làm thủ tục hành chính, rút ngắn cả về thời gian, chi phí và kéo theo nhiều điều kiện thuận lợi khác cho doanh nghiệp. 

Ông Trần Văn Thanh - Công ty Cổ phần dịch vụ Dầu khí Thái Bình:  Nghị định 15 có tính chất đột phá giảm bớt thủ tục hành chính, tuy nhiên Nghị định 15 chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cần có bước tăng cường hơn nữa trong công tác hậu kiểm...

Nhiều ý kiến cho rằng, theo Nghị định 15, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có sự cải cách, thông thoáng hơn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng vấn đề lại đặt ra là. Để các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trước khi có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, thì liệu rằng các sản phẩm tự công bố đó, có thực sự đảm bảo về chất lượng? Và có hay không tình trạng một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận, mà vi phạm về chất lượng sản phẩm? Đây cũng là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

Ông Ngô Quốc Thịnh - Phụ trách phòng Thanh tra - Chi cục ATVS thực phẩm Thái Bình: Chúng tôi nhận thấy rằng các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo Nghị định 15 thì doanh nghiệp phải chủ động hơn so với trước để đưa sản phẩm ra thị trường tốt hơn.

Công tác tuyên truyền cũng cần được đổi mới, khi thực hiện Nghị định 15, bởi nếu cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa rõ, chưa hiểu đúng nội dung, đúng bản chất của việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ dẫn đến những sai sót, vi phạm. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng không có nghĩa là doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục hành chính gì khi hậu kiểm. 

Bà Tạ Thị Diễm Hương - Trưởng phòng Thông tin truyền thông - Chi cục ATVS thực phẩm Thái Bình: Chúng tôi cũng đã phổ biến Nghị định 15 từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chúng tôi cũng tổ chức các buổi tọa đàm, phóng sự để nghị định được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh.


Sau một thời gian thực hiện nghị định 15/2018NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm, đối với lĩnh vực y tế, trên địa bàn tỉnh đã có 21 cơ sở, với 30 sản phẩm đã tự công bố về chất lượng sản phẩm. 

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng: Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là có sự lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng và nếu trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nghiêm túc thực hiện, việc tự công bố chất lượng sản phẩm không trung thực, cũng có những quy định về xử phạt nghiêm minh, với mức phạt hành chính tương đối cao./.

Phương Duyên

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...