Phạm Tiến Duật - Tiếng thơ một con đường!

Thứ 7, 18/05/2019 | 09:33:43
7,876 lượt xem

Thơ của Phạm Tiến Duật cất lên bên những hố bom còn khét mùi thuốc nổ, từ những con đường đầy tiếng bom như tiếng thú.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Những năm chiến tranh, nhằm cắt đứt sự tiếp viện cho chiến trường miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh. Hàng vạn tấn bom, mìn, bom Napan và chất độc phát quang đã đổ xuống nơi này.

Máy bay trinh sát Utiti, Ov.10, L.19 thường trực trên trời, quần đảo suốt ngày, theo dõi, chỉ điểm, bắn đạn khói. Pháo đài bay B52, từng tốp ba chiếc, vạch những dải khói trắng chằng chéo ngang trời, làm mưa bom tàn phá mọi sinh vật, phát quang những cánh rừng đại ngàn. Và, suốt đêm, C.130 quần thảo dai dẳng trên đầu, thả pháo dù, xăm đạn cối, đuổi theo bất cứ vật nào phát ra hồng ngoại tuyến, chuyển động trên mặt đất.

Dọc đường vận chuyển Trường Sơn năm tháng ấy, hàng vạn cây số vuông, đất đá, núi non, rừng cây đã biến thành tro bụi. Máu của bao nhiêu chiến sĩ đã đổ xuống con đường…

Trong tình huống như vậy, giữa Trường Sơn cất lên một giọng thơ, một gương mặt thi ca không lẫn vào ai. Cuộc thi thơ trên Tuần báo Văn nghệ năm 1969 trao giải nhất thơ, rất xứng đáng cho anh - nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ngay lập tức, hàng vạn người lính trên mặt trận đọc và yêu thơ anh; bởi bấy giờ, chúng tôi, những người lính trực tiếp đối đầu với kẻ thù, cảm thấy, đó không chỉ là thơ, đó là tiếng nói của chính chúng tôi, của nơi mặt trận, của một Con đường không bao giờ được đứt, con đường tiếp máu cho cuộc chiến giành độc lập tự do của một dân tộc với đối thủ có vũ khí, bom đạn mạnh hơn chúng tôi nhiều lần.

Tiếng nói Người trong cuộc

Trước và sau Phạm Tiến Duật, không ít nhà thơ, nhà văn đã cùng những người lính ra mặt trận, nhưng ít thơ ai đầy dấu ấn Trường Sơn và tạo nên hình ảnh người lính đậm đặc như thơ anh. Hiếm hoi lắm, có một Nguyễn Đình Thi với Lá Đỏ, Tố Hữu có Nước non ngàn dặm. Đó là những thi phẩm rất hay, ít nhiều chia sẻ với người lính Trường Sơn, nhưng vẫn là cái nhìn, cảm xúc của người quan sát, của một thi sĩ đi qua, thoáng nhận ra Trường Sơn, dẫu cái nhìn ấy chi tiết, sinh động như Tố Hữu:

"Mấy chàng lính trẻ măng tơ

Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi."

Hay hoành tráng như Nguyễn Đình Thi:

"Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường..." 

Phạm Tiến Duật không phải người đi qua. Thơ của anh cất lên bên những hố bom còn khét mùi thuốc nổ, từ những con đường đầy tiếng bom như tiếng thú.

Trong những khu kho Mười bẩy trận bom Mỹ dội một ngày, từ trong Ca bin xe Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi, giữa trận địa cao xạ Tiếng đo xa điểm nhịp trong đêm hoặc trên chềnh ềnh giữa trọng điểm chiếc Jin 130, mười bánh to xù xì, phanh hơi thở nặng nhọc v.v… Phạm Tiến Duật đã làm được sứ mệnh mà con đường lịch sử trao cho, không ai ngoài anh.

Có thể nói, thơ anh đã gắn liền máu thịt với con đường Trường Sơn, phản ảnh rất chi tiết, sống động và đầy cảm xúc, khái quát toàn bộ tinh thần của mặt trận, tinh thần của những con người đang quyết sinh tử với Con đường.

Đường Trường Sơn huyền thoại. 

Đọc thơ Phạm Tiến Duật, người ta thấy rõ chân dung đa diện của con người Trường Sơn, từ những người coi kho tới công binh, thanh niên xung phong, chiến sĩ cao xạ, những chiến sĩ lái xe v.v…

Mọi thành phần đã có mặt trên con đường Trường Sơn đều được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng thơ. Chính điều đó làm tăng thêm sự lan tỏa của thơ anh. Những người lính, đủ mọi thành phần, nhận ra chính họ, thân phận họ trong đó và, đấy là điều cốt tử để thơ Phạm Tiến Duật mau chóng trở thành một sinh thể tồn tại song hành cùng con đường vốn nhiều huyền thoại, một sinh thể có sức sống bất khuất mang tinh thần dân tộc ấy đã sống cùng Trường Sơn ác liệt và tận hôm nay vẫn ngưng đọng rất lâu trong tâm khảm của nhiều người.

Cho mãi tới sau này, khi cuộc chiến đã ngưng, thơ Phạm Tiến Duật vẫn khôn nguôi ám ảnh, dành biết bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng cho đồng đội của anh một thời. Những bài thơ Phạm Tiến Duật trong thời bình viết về tiếng chuông chùa ở Thái Bình, về chuyện gặp lại những manh áo màu xanh cũ, vẫn đầy xúc động, hừng hực lửa thương yêu, gợi nhớ không ít cuộc chiến nhiều hy sinh, mất mát nhưng vĩ đại, lại mang tình đau đáu của một thời đã xa.

Những con người đã làm nên huyền thoại Trường Sơn yêu thơ anh Duật, không phải bởi anh đã nhắc tới họ mà còn bởi thơ anh đã phản ánh họ một cách sinh động và chân thực nhất. Người ta tìm thấy chất lính luôn trẻ trung cùng cả sự tinh nghịch của cô gái TNXP trong bài thơ "Gửi em, cô gái Thanh Niên xung phong".

Người ta cùng nhận ra đặc tính ngang tàng, coi thường hiểm nguy của cánh lái xe qua "Tiểu đội xe không kính". Những chiến sĩ coi kho lớn tuổi, đầm tính cũng nhận ra khuôn dáng của mình qua 'Tiếng cười của đồng chí coi kho"…Đó là những chân dung sinh động phản ánh Tâm hồn Trường Sơn một thời binhn lửa.

Trong khi tôi viết bài này thì có bài viết của tác giả Nguyễn Viễn Sự về nghi án: Ai chính là cô gái “Thạch Kim Thạch Nhọn”. Đã có hai người con gái tên Nhị nhận mình là nhân vật của bài thơ "Gửi em, cô gái Thanh Niên xung phong".

Những người lính Trường Sơn năm nào, có thể tạo thêm nhiều nghi án tương tự; bởi thơ Phạm Tiến Duật bắt nguồn từ những con người và hoàn cảnh cụ thể của cuộc chiến, nhưng vẫn mang tính khái quát rất cao, đề cập nhiều vấn đề chung của chiến trường, tâm hồn của nhiều người can dự và chiến trận. Nhiều người lính nhận ra bóng hình của họ, của đơn vị mình trong từng bài thơ của anh.

Tính khái quát của thơ Phạm Tiến Duật đã làm các bài thơ của anh không chỉ dành cho nơi mặt trận, mà nó còn lan tỏa trong một bộ phận không nhỏ công chúng, kể cả tầng lớp trí thức hồi bấy giờ, nhất là giới hoạt động văn nghệ, khi nó chạm vào Tinh thần thời chiến mang sâu nặng tính quật khởi, bản lĩnh Tâm hồn Việt, mỗi khi cả dân tộc lại cùng nhau đứng dậy, liên kết thành sức mạnh của Cuộc chiến tranh nhân dân, mà tới đích thắng lợi cuối cùng là thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thu biên cương về một mối.

Công bằng mà nói, trước khi Phạm Tiến Duật xuất hiện thì Trường Sơn đã có một con đường huyền thoại. Những người lính vẫn phải ngày đêm chiến đấu, lao động, sống và chết như những anh hùng!

Nhưng từ khi có thơ Phạm Tiến Duật, người lính như tôi dẫu hàng ngày đối mặt với tử thần treo lửng lơ trên đầu, thấy tự tin hơn; người coi kho trong rừng thấy đỡ cô đơn hơn; các cô gái làm đường thấy mình duyên dáng hơn, tự tin hơn… Dường như bom đạn cũng từ đấy như 'Tiếng bom nghe rất nhỏ", để át đi nỗi sợ hãi bản năng bất chợt nào đó cũng có thể trỗi lên trong mỗi con người.

Tôi có một kỉ niệm không bao giờ quên với thơ anh và đã viết lại trong truyện ngắn "Ngọn lửa". Đêm ấy, khi địch vây tứ bề, trong góc hầm chữ A lở loét, đầy nước mưa đại ngàn, để người thương binh quá non trẻ cùng tiểu đội, bớt đi đau đớn, sống sót được qua đêm, tôi đã đốt những bài thơ anh in trong nhiều cuốn Tạp chí văn nghệ Quân đội, nhằm sưởi cho bạn. Từng bài thơ trước khi hóa, được đọc lại cho cả tôi và anh lính trẻ để cả hai chúng tôi vượt qua đêm mưa như trút nước, chờ đến sáng vượt qua vòng vây về đơn vị…

Phạm Tiến Duật, bằng tình cảm của mình, năm nào đã viết tặng cô gái hát trong rừng một bài thơ rất chân thành, xúc động. Bài thơ có câu:

"Giữa một vùng đất bụi khô rang

Em bỗng đến như dòng sông đầy nước."

Nay nhớ lại những năm tháng ấy, tôi muốn chọn hình ảnh này để bày tỏ lòng biết ơn của cá nhân tôi và biết bao đồng đội của tôi với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Giữa một vùng bom đạn ác liệt như vậy, thơ của anh mang tới cho chúng tôi một sự chia sẻ như tri kỉ, chắp đôi cánh cho chúng tôi vượt qua những vùng rừng không dân, đầy nguy hiểm rình mò. Thơ – nghệ thuật đã làm chúng tôi nhận rõ thêm chính mình, để vượt qua biết bao khó khăn hiểm nguy, nhiều lúc tưởng không thể nào qua nổi.

Đậm tính chân thực của cuộc chiến

Viết về chiến tranh trong những năm tháng chiến tranh là một thử thách lớn lao của mỗi nhà văn, đòi hỏi cả tài năng, bản lĩnh và tấm lòng của họ nơi mặt trận. Phạm Tiến Duật đã tránh được điều mà nhiều người cầm bút hạn chế khi họ chỉ phản ánh được một mặt của cuộc chiến. 

Hầu như tất cả những hình ảnh trong thơ Phạm Tiến Duật đều khắc họa được cả hai mặt của cuộc chiến. Anh không né tránh khi phản ánh tính chất ác liệt, tàn khốc xảy ra từng giây khắc trên mặt trận, nơi phải đối đầu với một kẻ thù có ưu thế hơn hẳn ta về kĩ thuật, vũ khí, lại hầu như làm chủ trên không.

Hình ảnh chiến tranh trong thơ Phạm Tiến Duật ở bất kì bài thơ nào cũng đều phơi bầy rõ, không hề che giấu, thậm chí tỉ mỉ sự nguy hiểm đe dọa mạng sống con người trên Trường Sơn. Những bài thơ như "Tiểu đội lái xe không kính", "Tiếng cười của đồng chí coi kho", "Lửa đèn", "Tiếng bom ở Seng Phan".. v.v… đều là sự quan sát rất tinh tế, ngòi bút đầy bản lĩnh và trực diện, tạo nên nhiều hình ảnh cụ thể, phản ánh sự ác nghiệt, tàn bạo của chiến tranh.

Nhưng điều nữa là, thông qua đó, người ta càng thấy rõ tính anh hùng ca của Con đường, thấy rõ bóng dáng cao hơn, nổi lên của những người chiến binh con cháu Bác Hồ đã vượt qua làn bom đạn. Người lính trong thơ anh, trước cái chết rình rập, đã bất chấp mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ vì miền Nam phía trước, là thái độ chấp nhận hy sinh cá nhân cho mạng sống của một dân tộc.

Hai mặt rõ rệt ấy trong thơ Phạm Tiến Duật đã làm nên một gương mặt riêng của anh, cũng đồng thời có tác động rất lớn tới tinh thần, tư tưởng của người chiến sĩ. Họ nhận ra, thơ Phạm Tiến Duật không phải là sự tuyên truyền, tô hồng một chiều, thơ anh chính là tiếng nói chân thực, phản ảnh đúng những điều hàng ngày họ phải đối diện, đã sống và chiến đấu, kể cả những nét sâu kín của tâm hồn. Chính điều đó khiến thơ Phạm Tiến Duật giầu tính thuyết phục, động viên, có sức truyền cảm sâu rộng trong đời sống binh sĩ chúng tôi bấy giờ.

Ngay tại nơi bom đạn ác liệt nhất, kể cả khi đói nhất và khát nhất, chúng tôi cũng không hiểu câu thơ "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" theo một nghĩa nông cạn, thô thiển. Có phải chăng cái "Mùa" mà anh nhắc tới trong câu thơ là mùa khô, là mùa mà các binh đoàn cùng nối nhau ra mặt trận, có những người lính chúng tôi bất chấp bom đạn nối dài vô tận như trong các bài thơ của anh. Đấy là một vẻ đẹp của con người, của Tâm hồn Trường Sơn, của con đường ra trận mà anh – Phạm Tiến Duật đã tôn vinh?

Vĩ thanh

Có người đã nhận xét, thơ của Phạm Tiến Duật là loại thơ thông minh. Tôi cho rằng, không có loại thơ nào là loại thơ thông minh cả. Đã làm thơ, viết văn thuyết phục được hàng vạn vạn người thì hiển nhiên phải thông minh, phải chỉ rõ không chỉ sự tinh tế của hiện thực. Thậm chí bay trên hiện thực, khơi tỏ sự trong sáng cao đẹp của Tâm hồn một sự thực.

Từ khi Phạm Tiến Duật xuất hiện trên văn đàn đã làm nên một hiện tượng, một thi pháp Phạm Tiến Duật. Như nhà văn Đỗ Chu khẳng định trong bài bút kí “Anh Duật” gần đây, thơ Phạm Tiến Duật là sự hiếm hoi của thi ca không lặp lại. Người ta có thể tìm thấy nhiều gương mặt thi ca na ná, sàn sàn như nhau ở nhiều thời đoạn, nhưng thiên tài thì không ai bắt chước được để vượt qua họ. Điểm lại các nhà thơ Việt Nam vài trăm năm nay, số nhà thơ vừa được công chúng bình dân yêu mến, lại được các bậc trí giả tìm đọc, hiếm hoi như lá mùa thu. Phạm Tiến Duật, ít ra trong hơn ba chục năm vừa qua, đã chinh phục được biết bao trái tim những người lính, học sinh và sinh viên, lại làm giới văn chương bàng hoàng khi anh xuất hiện! Anh không chỉ là người lính trên mặt trận Trường Sơn. Phạm Tiến Duật là một trong những thi sĩ tiên phong đổi mới giọng thi đàn Việt một thời.

Và, một điều khá quan trọng nữa, để nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam rằng, làm sao một nước nhỏ lại thắng được trong chiến tranh với một nước lớn như Mỹ vừa qua, hẳn sau này các nhà sử học, phải nhắc tới con đường mòn Hồ Chí Minh. Khi tìm hiểu về con đường này, không thể bỏ qua được yếu tố tinh thần của binh sĩ, mà người góp phần tạo lên sức mạnh của nó, sự đóng góp trên dải Trường Sơn (cho cách mạng) một cách khó định lượng, có thi sĩ Phạm Tiến Duật. Cũng như nhà văn Đỗ Chu tiên đoán rằng, hậu thế, giới phê bình văn chương, còn tốn nhiều giấy mực để bàn về thơ và cả văn xuôi của anh. 

Và, ở những thời khắc đặc biệt của lịch sử ấy, như có sự phân công thiên định, phía trước, nơi tiền tuyến, có Phạm Tiến Duật đã đốt lên một ngọn lửa, thắp sáng hình ảnh Một Con Đường, động viên hàng vạn vạn binh sĩ nơi mặt trận, không ngại hy sinh gian khổ, làm nên biết bao chiến công trong cuộc chiến khốc liệt và vĩ đại.

 Không còn nghi ngờ gì nữa, Phạm Tiến Duật là một nhà thơ lớn, là một Con đường của nền thi ca gắn liền với Cách mạng./.

Theo vov.vn

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...