Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết

Thứ 6, 17/05/2019 | 14:50:33
372 lượt xem

Cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh lập tức có động thái đáp trả. Giới quan sát cho rằng, chừng nào những vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa hạ nhiệt.

Căng thẳng leo thang trở lại

Bộ Thương mại Mỹ ngày 15.5 cho biết, sẽ đưa tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách những công ty bị cấm mua bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Lệnh có hiệu lực trong vài ngày tới, Huawei sẽ cần xin giấy phép từ Washington để mua công nghệ Mỹ. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của các doanh nghiệp đặt ra rủi ro an ninh quốc gia. Đây được coi là động thái nhằm mở đường cho lệnh cấm kinh doanh với Huawei. Sắc lệnh này chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ cùng các cơ quan khác của Chính phủ vạch ra kế hoạch thực thi trong vòng 150 ngày. Chính quyền Mỹ còn kêu gọi các quốc gia khác không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G, với lo ngại có thể do thám cho Chính phủ Trung Quốc.

Đây chỉ là một trong hàng loạt động thái của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa Washington - Bắc Kinh chưa mang lại kết quả. Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, sau khi hoãn kế hoạch này vào tháng hai. Ngoài ra, Washington còn xúc tiến áp thuế nhập khẩu mới đối với lượng hàng hóa bổ sung trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc, nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên tiếp tục bế tắc. Đáp lại, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh còn cho biết sẽ trả đũa bằng cách ngừng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ và giảm đơn đặt hàng từ hãng sản xuất máy bay Boeing.

Giới quan sát nhận định, diễn biến leo thang trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ - Trung Quốc không chỉ đẩy các cuộc đàm phán đến bên vực đổ vỡ, mà còn đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào giai đoạn mới khó đoán định hơn. Trung Quốc vẫn tiếp tục đến bàn đàm phán, nhưng với quy mô thành viên đoàn giảm nhiều so với kế hoạch. Kết thúc 2 ngày làm việc với đoàn Mỹ tại Washington, hai bên không đưa ra thông báo kết quả. Đặc biệt, cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Tổng thống Mỹ Trump cũng không diễn ra như dự kiến…

Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát nhận định, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất chưa thể hạ nhiệt. Mỹ cứ tăng thuế, Trung Quốc tiếp tục đáp trả, đàm phán thương mại vẫn diễn ra và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ kéo dài.

Đâu là vấn đề cốt lõi?

Bill Holstein, tác giả cuốn sách “Nghệ thuật chiến tranh mới: Chiến lược sâu lược sâu sắc của Trung Quốc trong lòng nước Mỹ” cho rằng, việc hai bên tăng cường áp thuế lẫn nhau sẽ không tác động tới vấn đề cốt lõi. Theo ông Holstein, cốt lõi thực sự của vấn đề nằm ở lĩnh vực công nghệ.

Mặc dù lấy cớ Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, nhưng đó không phải lý do nước này áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và không ngừng tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc, nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại toàn diện với Washington. Mục tiêu của việc áp thuế là thúc ép Trung Quốc chấm dứt chính sách “ăn cắp công nghệ” của Mỹ. Điều này thể hiện qua việc mặc dù các nhà đàm phán Trung Quốc gần đây đã đề nghị mua đủ số sản phẩm của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ xuống 0% vào năm 2024, nhưng các nhà đàm phán Mỹ bác bỏ biện pháp này như là một cách để chấm dứt tranh chấp.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa mang lại kết quả do Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn đối với một số yêu cầu của Mỹ, mặc dù trước đó Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng linh hoạt hơn trong đàm phán. Mỹ muốn Trung Quốc ngừng yêu cầu các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc phải có đối tác bản địa và chia sẻ công nghệ với đối tác đó. Trung Quốc phủ nhận đang vi phạm quy tắc đó, cho rằng các công ty Mỹ không bị buộc phải chia sẻ công nghệ, mà các công ty này tự nguyện làm như vậy để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc và cơ hội sản xuất tại nước này. Trong khi đó, các công ty Mỹ coi hành vi của Trung Quốc là một hình thức tống tiền. Mỹ còn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động “gián điệp” các công ty của Mỹ nhằm đánh cắp công nghệ; ngừng chính sách trợ cấp cho các công ty trong nước hoạt động ở những lĩnh vực chiến lược công nghệ cao mà Trung Quốc muốn vươn lên thống lĩnh toàn cầu...

Các biện pháp thuế quan của Mỹ rõ ràng đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã suy giảm đáng kể và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng GDP thực tế (sau khi trừ lạm phát) hàng năm trong quý IV.2018 chỉ còn 4%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế là chiến tranh thương mại luôn gây tổn hại cho các bên liên quan. Cách duy nhất để một bên có thể “chiến thắng” là tỏ ra liều lĩnh và bất chấp hơn cả, điều mà dường như chính quyền Mỹ đang thể hiện. Mặc dù vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế toàn cầu bị đẩy vào thế “chịu trận”. Ngân hàng Morgan Stanley đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm dưới 2,5% trong thời gian đến hết năm 2020, nếu Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan không hồi kết.

Theo daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...