Để học sinh yêu thích môn Văn: Cần khuyến khích sự sáng tạo

Thứ 5, 18/04/2019 | 15:51:44
676 lượt xem

Tôi có cậu con trai đang học lớp 6. Trong thời gian học ở nhà của con, tôi thấy môn Văn thường chiếm nhiều thời gian học nhất. Nhưng không phải con học nhiều là vì đam mê, yêu thích môn học này mà phần lớn thời gian con chỉ dùng vào việc soạn bài, thỉnh thoảng là viết các đề văn cô giáo giao về nhà.

Theo quan sát của tôi, thời gian dành cho môn Văn của con thường nhiều hơn các môn khác là bởi con không tập trung học. Đôi khi chỉ là soạn bài theo câu hỏi có sẵn mà cũng mất cả tiếng đồng hồ. Có những lúc tôi thấy con ngồi cầm bút mà mặt ngẩn ngơ nên hỏi bài khó lắm à? Thì con trả lời không khó, con chỉ không thích soạn văn thôi.

Con từng hỏi tôi: Tại sao cứ phải soạn bài trước hả mẹ, đằng nào lên lớp cô giáo chẳng giảng bài? Tôi giải thích với con rằng soạn bài ở nhà là một hình thức tự học trước để con hiểu được nội dung của văn bản, khi cô giáo giảng bài trên lớp con sẽ hiểu bài sâu hơn. Trong lúc soạn bài, có những vấn đề con không hiểu hoặc chưa hiểu đúng có thể hỏi cô giáo, lắng nghe cô giảng trên lớp để hiểu kỹ hơn.

Thế nhưng, có vẻ như con vẫn không cảm thấy việc soạn văn có ý nghĩa. Con thường trả lời các câu hỏi một cách hời hợt, ngắn gọn nhất có thể chứ không diễn giải, trình bày vấn đề. Có những câu hỏi yêu cầu trình bày cảm nhận, suy nghĩ mà con cũng chỉ viết được đôi ba dòng.

Một điều rất dễ nhận thấy là con lười đọc văn bản, trước khi soạn bài con chỉ đọc lướt qua một lần nên không cảm nhận được nội dung, ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của các bài văn, bài thơ. Có khi là vừa soạn bài vừa đọc tác phẩm theo nội dung câu hỏi. Nếu mẹ có yêu cầu con đọc đi đọc lại nhiều lần thì cũng không đặt “tâm trí” vào đó mà thường đọc theo kiểu “trả bài” cho xong. Có lẽ việc tiếp xúc với tác phẩm một cách hời hợt khiến con không hiểu, không cảm nhận được nội dung của tác phẩm, không cảm thấy yêu thích nên từ việc soạn bài đến học môn Văn đều không có hứng thú.

Học sinh bây giờ dường như rất ít đọc tác phẩm văn học, ngay cả những tác phẩm in trong sách giáo khoa vốn khá ngắn gọn. Việc đọc kỹ những bài văn, bài thơ chỉ được làm khi cô giáo yêu cầu mà thôi. Các con cũng lười suy nghĩ,  lười cảm nhận và phụ thuộc nhiều vào các nguồn tham khảo (như sách tham khảo, tìm trên mạng internet), thậm chí là mượn bài làm của bạn để “tham khảo” biến thành bài làm của mình.

Có những dịp nghỉ dài ngày, nếu cô giáo có giao cho 2 - 3 đề văn về nhà viết là con kêu trời, rồi vò đầu bứt tai mãi mới hoàn thành nhiệm vụ.

Đọc những bài văn con viết, điều tôi nhận thấy rõ nhất là thiếu sự sáng tạo và nhiệt tình trong đó. Ngay như một bài văn viết về người thân yêu nhất của mình, con cũng không thể hiện trọn vẹn được cảm xúc và những điều muốn viết. Câu văn thì cứng nhắc theo kiểu liệt kê, viết theo một dàn ý có sẵn đã được cô giáo gợi ý trước hoặc tham khảo trên mạng. Nếu hướng con viết theo một cách làm khác thì con lại sợ sai, sợ không đúng dàn ý sẽ bị điểm kém.

Có nhiều lúc quá sốt ruột với cách học của con, tôi đã cùng học, cùng con phân tích, tìm hiểu một tác phẩm văn học với mong muốn con sẽ cảm thấy yêu thích môn văn hơn. Khi đó, con có tập trung hơn nhưng nếu để tự học thì lại rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ học cho xong bài mà thôi.

Vấn đề tôi nhận ra ở đây là làm thế nào để trẻ phát huy sự tự giác và đam mê tìm tòi, sáng tạo trong việc học văn. Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chúng ta vẫn nói về sự rập khuân, nhàm chán trong cách dạy văn, học văn trong nhà trường suốt nhiều năm qua và tình trạng đó dường như chưa được cải thiện. Cách dạy văn cô giảng, cô đọc còn học trò chép, chép miệt mài vài ba trang giấy trong một tiết học không còn chỗ cho sự sinh sôi, nảy nở của sáng tạo. Những tiết học như thế lặp đi lặp lại nhiều khiến học sinh ỷ lại, trông chờ hết vào bài giảng của cô mà không tự giác nghiên cứu, tìm tòi những điều mới nữa.

Tôi biết, bây giờ có những giờ học rất sáng tạo, cô giáo có thể “đạo diễn” tác phẩm văn học thành một vở kịch với sự tham gia của các diễn viên là chính học sinh. Các con rất hào hứng tham gia, về nhà đọc đi đọc lại đoạn hội thoại mà mình được phân vai sao cho thật biểu cảm, chủ động tìm hiểu tác phẩm thật kỹ càng. Thế nhưng, đó chỉ là những tiết học được đầu tư để làm mẫu, để phục vụ các cuộc thi chứ chưa thể được nhân rộng.

Ngay cả việc kiểm tra cũng thế. Môn Văn cũng có đề cương ôn tập như bao môn học khác, phần tự luận học sinh cũng được giới hạn ôn trong một số chủ đề nhất định. Các con cứ theo đó học, lập dàn ý, tham khảo văn mẫu, thậm chí là học thuộc lòng, đến khi kiểm tra trúng đề nào thì cứ thế làm theo. Thời buổi công nghệ thông tin, học sinh sử dụng internet để tra cứu thông tin phục vụ học tập ngày càng phổ biến, một bài văn mẫu có thể được nhân bản thành hàng chục, hàng trăm bài văn “na ná” nhau là điều không tránh khỏi.

Để học sinh yêu thích môn Văn và học tốt môn này, thiết nghĩ một phần thay đổi là từ phía nhà trường, các thầy cô giáo, còn lại phụ huynh cũng cần quan tâm đôn đốc, nhắc nhở, quan tâm đến việc học Văn của con hơn. Thay vì chỉ mua cho con những cuốn sách tham khảo, cho con đọc những bài văn mẫu có sẵn trên mạng, bố mẹ có thể cùng trao đổi, hướng dẫn con tự tư duy, tự tìm tòi những cách thể hiện mới, khuyến khích con thoải mái sáng tạo, thể hiện suy nghĩ của mình. Bản thân tôi khi động viên, khuyên nhủ con cứ viết văn theo cách hiểu của mình, viết thật nhiều những điều mình nghĩ, những cảm nhận của con... cũng thấy con học văn tích cực hơn. Việc đánh giá chấm điểm nên ưu tiên tính sáng tạo, dám nghĩ, dám thể hiện “cái tôi” của người học hơn là cách chấm điểm truyền thống.

Theo Dantri

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...