Vun đắp tình đoàn kết, liên minh chiến đấu của nhân dân Đông Dương

Thứ 6, 12/04/2019 | 14:43:04
2,954 lượt xem

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài năng xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1954 - 1975), ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc củng cố tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam -Lào - Campuchia) chống kẻ thù chung.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn (1973)

Tích cực, liên tục làm nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào

Đầu năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào bước vào thử thách quyết liệt mới, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định điều động Đại tá, Phó Tổng Tham mưu trưởng Đồng Sỹ Nguyên vào làm Chính ủy Quân khu 4 - địa bàn trọng yếu, có nhiều tỉnh tiếp giáp với nước bạn Lào.

Trên cơ sở nắm vững đường lối chỉ đạo kháng chiến của Trung ương Đảng, dựa vào đặc điểm địa bàn, trong hai ngày 7 - 8.5.1965, Hội nghị Quân khu ủy mở rộng do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp chủ trì ra nghị quyết khẳng định:

Quyết tâm lấy chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, bất luận cuộc chiến tranh đó ác liệt đến mức nào; sẵn sàng nhận và làm tốt nhiệm vụ chi viện và đi chiến đấu ở miền Nam; tích cực, liên tục làm nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào. Nội dung nghị quyết đã đặt nền tảng hoạt động lãnh đạo và xây dựng hậu phương Quân khu 4 trong suốt thời kỳ chiến tranh.

Giữa tháng 5.1965, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương điều động đồng chí Đồng Sỹ Nguyên sang làm Chính ủy Mặt trận 565 (Bộ đội tình nguyện Việt Nam hoạt động tại Trung - Hạ Lào) với nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch vào vùng giải phóng, bảo vệ hành lang tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn; xây dựng, củng cố, tăng cường lực lượng vũ trang, khôi phục và đẩy mạnh phong trào vùng sau lưng địch. Đây chính là những đóng góp quan trọng đầu tiên của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Địa bàn Trường Sơn - in đậm dấu ấn của một cá nhân

Tháng 1.1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ra quyết định giao Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Tư lệnh Đoàn 559 (Vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn) và liên tục giữ cương vị này trong gần 10 năm. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng coi Đông Dương là chiến trường chung đánh Mỹ (nhất là từ tháng 3.1970, khi đế quốc Mỹ chỉ đạo thế lực tay sai lật đổ nền hòa bình trung lập tại Campuchia, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương), Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh thường xuyên quan tâm, chăm lo củng cố tình đoàn kết giữa bộ đội Trường Sơn với nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Campuchia theo phương châm: “Phát huy truyền thống quý báu đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp, kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, bảo vệ chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân từng nước”.

Địa bàn Trường Sơn lúc này lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng, như chính Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khẳng định: “Trước kẻ thù mới là đế quốc Mỹ, yêu cầu tất cả ba nước phải cùng hợp sức xây dựng căn cứ chiến lược Đông - Tây Trường Sơn thật vững chắc, làm điểm tựa cho các chiến trường Nam Đông Dương. Đây là một biểu hiện sinh động, cụ thể sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của ba nước và của mỗi nước”.

Dù phải chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện muôn vàn khó khăn, nhưng bộ đội Trường Sơn vẫn thường xuyên tích cực giúp đỡ nhân dân hai nước bạn trên tất cả các mặt cả về chính trị (củng cố tổ chức đảng, chính quyền cách mạng, mặt trận), quân sự (xây dựng lực lượng vũ trang, phối hợp mở các chiến dịch quân sự tiêu diệt địch, bảo vệ mở rộng vùng giải phóng), kinh tế (gửi gạo cứu đói, hướng dẫn phát triển sản xuất nông nghiệp), văn hóa - xã hội (xây dựng trường học, mở lớp đào tạo văn hóa)…

Đáp lại tình cảm sâu sắc ấy, nhân dân các bộ tộc Lào và nhân dân Campuchia trên tuyến hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh, để đường Trường Sơn không ngừng vươn sâu, vươn xa đưa người và hàng ra mặt trận. Cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn năm 1975, tuyến chi viện chiến lược (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương có tổng chiều dài hơn 16.000km, gồm 6 đường trục dọc theo sườn Đông và Tây Trường Sơn, 25 đường trục ngang vắt qua núi và một hệ thống đường nhánh toả ra các chiến trường, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững... Tính chung trong 16 năm hoạt động (1959 - 1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường 1,3 triệu tấn vật chất giao các chiến trường toàn Đông Dương, đưa đón gần 2 lượt triệu người, góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Đông Dương đến thắng lợi hoàn toàn. Phần lớn số đó được thực hiện trong thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh (1967 -1975).

Trong quá trình chỉ huy tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, nhiều thời điểm vận chuyển hàng hóa từ miền Bắc vào gặp khó khăn do địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, nhưng trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp ra lệnh cho bộ đội Trường Sơn vận chuyển hàng hóa dự trữ trên tuyến chi viện trực tiếp cho bạn, kịp thời giúp quân dân Lào, quân dân Campuchia phối hợp chặt chẽ với Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi vang dội (như chiến dịch đông bắc Campuchia 1970, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chiến dịch cánh đồng Chum 1972, chiến dịch giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh 1975...). Vượt qua mọi thủ đoạn đánh phá tàn bạo của quân thù (địch ném gần 4 triệu tấn bom đạn, tiến hành hàng chục ngàn cuộc hành quân lớn nhỏ), đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến công hiển hách ấy là thành quả chung của nhân dân ba nước Đông Dương, nhưng cũng in đậm dấu ấn của một cá nhân: Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - biểu tượng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương, năm 1974, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc cách phong quân hàm Trung tướng. Ông xứng đáng là danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, người có công lao đặc biệt vun đắp tình đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân Đông Dương.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...