Vì sao Triều Tiên sẽ vẫn trụ vững trước “áp lực tối đa” từ Mỹ?

Thứ 6, 29/03/2019 | 19:59:53
722 lượt xem

Dù chính quyền Mỹ gây “áp lực tối đa”, Triều Tiên vẫn có nhiều cơ sở để trụ vững theo nhận định của một chuyên gia về Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Triều Tiên vẫn nắm thế chủ động

Chính sách của Mỹ dựa trên giả định cho rằng một cuộc bao vây bằng lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ buộc Triều Tiên phải “phất cờ trắng” và hạ vũ khí. Logic này kéo theo việc Mỹ gây “áp lực tối đa” với mục tiêu buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải nhượng bộ để đổi lấy việc giảm nhẹ mức độ trừng phạt. Nhưng những gì diễn ra tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội cho thấy cách tiếp cận này chưa có tác dụng.

Các cuộc họp báo sau Thượng đỉnh cho thấy dường như chính nhà lãnh đạo Kim mới là người định hình “cuộc chơi” còn chính quyền Mỹ ở vào thế bị động.

Ông Kim đề xuất ngừng phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách dỡ bỏ nguồn vật liệu hạt nhân chính và ngừng hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, để đổi lại việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên vào năm 2016. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rõ rằng đây là đề xuất cuối cùng của họ.

Giới chính trị Triều Tiên tỏ ra là bên chiếu bí ông Trump hơn là bên thua cuộc. Khoảng nửa tháng sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui thậm chí còn cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ khôi phục việc thử vũ khí chiến lược nếu Mỹ không chớp lấy cơ hội đã được đề xuất cho họ.

Trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên, cứ mỗi lần Mỹ từ bỏ đàm phán và không đạt được thỏa thuận thì Triều Tiên lại có tiến bộ nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của họ. Và giờ đây Triều Tiên đã chế được trái bom hạt nhân có sức công phá gấp 10 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối Thế chiến 2.

Lần này, nếu đàm phán Mỹ-Triều không được nối lại thì không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ lại tiến lên hoàn thiện nốt hệ thống phóng. Họ hiện còn phải làm tiếp nhiều việc liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và quá trình hồi quyển của tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Lệnh trừng phạt về cơ bản không có tác dụng với Triều Tiên

Một số bình luận viên cho rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu được giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với nước này là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt phát huy tác dụng. Nhưng như vậy là quá lạc quan. Các lệnh trừng phạt khó có thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Báo cáo năm 2019 của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về các lệnh trừng phạt cho thấy chính quyền của ông Kim Jong-un rất giỏi trong việc né tránh các lệnh trừng phạt ở các lĩnh vực ưu tiên của ông.

Triều Tiên có rất nhiều phương cách để lách qua những chế tài trừng phạt đó: Sử dụng các công ty bình phong và tài khoản ngân hàng ở Đông Nam Á, bán quyền đánh cá cho ngư dân Trung Quốc, khai thác vàng ở Congo, bán vũ khí cho Yemen và Libya, hướng dẫn quân sự ở Sierra Leone... Báo cáo còn cho rằng Triều Tiên có thể còn áp dụng một số biện pháp “đặc biệt” phi chính thức nữa để bù đắp cho các thiệt hại của mình.

Tất nhiên khi bị trừng phạt như thế này, người dân Triều Tiên sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng Triều Tiên sẽ không quy trách nhiệm về việc này cho chính phủ của họ mà dồn trách nhiệm đó lên Mỹ với cáo buộc Mỹ khước từ kiến tạo hòa bình.

Điểm tựa Trung Quốc

“Áp lực tối đa” không thể làm Triều Tiên suy sụp vì đất nước này vẫn đang ở vào vị thế thoải mái hơn bao giờ hết so với khi Liên Xô sụp đổ. Việc kinh tế Trung Quốc trỗi dậy và nhiều năm tăng cường thương mại với Trung Quốc đã giúp Triều Tiên hồi phục sau khủng hoảng Liên Xô tan rã rồi phát triển thị trường và công nghiệp trong nước.

Thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã giảm đột ngột do “áp lực tối đa” nhưng rõ ràng không tới mức đe dọa sự sinh tồn của Triều Tiên. Trung Quốc thông báo kim ngạch thương mại của họ với Triều Tiên đạt tới 2,38 tỷ USD vào năm 2018. Mức này thấp hơn mức đỉnh cao 7 tỷ USD vào năm 2014 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số 350 triệu USD vào năm 1999.

Con số thương mại được công bố chính thức nói trên còn chưa bao gồm các khoản khác như viện trợ... Theo các nguồn tin do tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo trích dẫn, lượng nhiên liệu nhập vào Triều Tiên tăng gấp đôi sau cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018.

Cuối cùng ông Tập Cận Bình ít có lý do để nhiệt tình với việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc và coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược trong chiến lược an ninh quốc gia của mình.

Ông Trump thức thời hơn các thành viên nội các

Tiếp tục thương lượng là phương cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng Triều Tiên. Mỹ thực ra cũng không có lợi lộc nếu phát động chiến tranh hạt nhân chỉ để trừng phạt Triều Tiên vì đã phát triển năng lực hạt nhân.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama giải thích như thế này: “Rõ ràng chúng ta có năng lực hủy diệt Triều Tiên bằng kho vũ khí của chúng ta. Nhưng ngoài vấn đề tổn thất nhân đạo, Triều Tiên lại nằm trước thềm đồng minh thiết yếu của chúng ta là Hàn Quốc”.

Một đòn đánh “chảy máu mũi” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cũng không giải quyết được vấn đề. Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dennis Blair cảnh báo về tính thiếu tin cậy của phương án này: Với việc Triều Tiên có nhiều đường hầm và việc Mỹ gặp khó khăn trong thu thập tình báo về Triều Tiên, một cuộc tiến công chung của Mỹ và Hàn Quốc sẽ khó lòng có xác suất cao loại bỏ được hết năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Không đạt được thỏa thuận nào và cũng không có giải pháp quân sự khả thi, Mỹ đứng trước nguy cơ cao là mặc định trôi trở về chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của thời Tổng thống Obama. Và trong lúc đó, ông Kim có thể lại có điều kiện để hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.

Có lẽ bản thân Tổng thống Mỹ Trump đã hiểu rõ điều này dù không phải ai trong nội các của ông cũng như vậy. Thực tế vào ngày 15/3/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe đã khen ông Trump là linh hoạt, đồng thời chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Cố vấn Bolton là đã làm hỏng đàm phán ở Hà Nội.

Vào ngày 22/3, Tổng thống Trump đã công khai mâu thuẫn với Bộ Tài chính Mỹ bằng việc tuyên bố rút lại các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Nay đã cơ bản được minh oan khỏi cáo buộc cấu kết với Nga và cản trở tư pháp, ông Trump sẽ rảnh tay hơn trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận với Triều Tiên./.

Theo Vov

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...