Việt Nam hiện có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 73% dân số cả nước. Trung bình mỗi ngày khu vực nông thôn phát sinh hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn đều là chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.
5 Bộ quản lý nhưng vẫn bị bỏ ngỏ
Theo quy định việc quản lý rác thải do 5 Bộ có trách nhiệm trực tiếp tham gia, bao gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở cấp địa phương cũng có những cơ quan chuyên trách đảm nhiệm quản lý. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc triển khai thực thi theo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp còn nhiều tồn tại. Cụ thể là đối với công tác quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng, thu gom, lưu giữ thuốc thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Song việc xử lý, tiêu hủy các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý các kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu lại thuộc trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định về quản lý chất thải nguy hiểm. Ở cấp địa phương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được giao chủ trì thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hiện, hầu hết các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nên đơn vị này chỉ tham gia phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường nông thôn. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý Nhà nước. Mặc dù có sự tham gia của nhiều Bộ, cơ quan liên quan nhưng còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quản lý Nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương, trong đó có sự chồng chéo, bỏ trống, phân đoạn về quản lý chất thải rắn.
Chưa có chính sách hỗ trợ
Gánh nặng về nước thải, rác thải nông thôn gây ô nhiễm môi trường, không chỉ dừng ở chỗ làm mất cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân làm cho dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, ở nhiều địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số nơi đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt. Theo đó, hiện có hơn 40% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn nên khó thu hút được doanh nghiệp tham gia. Ở khu vực đô thị, công ty dịch vụ môi trường là doanh nghiệp công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% do người dân đóng góp. Trong khi đó, ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức thu nhập chỉ bằng 30 - 40% so với người thu gom rác ở đô thị.
Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải, chưa có biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì, việc thu gom và xử lý chất thải ở nông thôn không quá khó, nếu các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc tích cực và đưa ra một cơ chế thống nhất, hành lang pháp lý rõ ràng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý môi trường, thu gom chất thải, rác thải nông thôn.
Mới đây, trước những chồng chéo bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, ngày 3.2.2019, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, bên cạnh các nội dung được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn…
Hy vọng, cùng với hành lang pháp lý đồng bộ, việc quản lý cũng như xử lý rác thải ở nông thôn sẽ được quan tâm, từ đó có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trả lại môi trường sống nói không với ô nhiễm cho các làng quê.
Theo Daibieunhandan
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...