Hiểm hoạ từ thức ăn đường phố

Thứ 3, 12/03/2019 | 14:53:17
2,531 lượt xem

Vụ việc 88 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn phải bánh mì có ruốc, rau sống và dưa chua nhiễm khuẩn ở Đà Nẵng đang khiến dư luận xôn xao. Dù không có người tử vong và cơ sở bán bánh mì đã bị xử phạt lên tới gần 100 triệu đồng, nhưng sự việc này đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm kinh doanh thức ăn đường phố.

Có thể nói với sự tiện lợi, giá cả phải chăng nhưng không kém phần đa dạng và hấp dẫn, từ lâu thức ăn đường phố đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này lại tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc.

Vào giờ tan tầm, không khó để bắt gặp các xe đẩy, hàng quán vỉa hè bán thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh mặt đường đầy bụi, những người bán hàng vô tư chiên rán thức ăn. Thức ăn sau khi chế biến lại không có một dụng cụ che đậy nào. Chứng kiến tận mắt những hình ảnh như vậy, nhưng người mua vẫn mua, người làm vẫn cứ làm.




Người dân: "Nhà tôi thì vẫn ăn bình thường, vợ chồng con cái các cháu đều ăn không thấy làm sao cả.. tôi thấy thuận tiện thì tôi vẫn cứ mua".




Thực phẩm bẩn không chỉ len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình, mà còn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ ngay trước cổng trường học. Người chế biến thì không đeo găng tay. Nguyên liệu, gia vị thì không nhãn mác. Thực phẩm vẫn được học sinh tiêu thụ hàng ngày mà không hề quan tâm có sự kiểm định an toàn nào hay không. 




Học sinh: "Con hay ăn đồ trước cổng trường, như kiểu xôi, bánh mì.. con thấy ngon.. các bạn hay ăn cùng con những đồ trước cổng trường như vậy". 




Đáng lưu ý hơn là tại những hàng quán vỉa hè, hầu như người bán đều không thể đưa ra giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm. Không biết những thứ mình ăn xuất xứ từ đâu, nhưng cũng rất ít người mua quan tâm đến vấn đề này.

Có thể thấy việc một bộ phận người tiêu dùng chưa ý thức rõ ràng về vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện cho người bán coi thường việc đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có tới trên 70% thức ăn bán trên đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Những loại thực phẩm không đảm bảo này còn gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? 

Ghi nhận tại khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Thái Bình, vào những đợt cao điểm, trong khoa có tới hàng chục trẻ ngộ độc thức ăn. Chủ yếu trẻ vào trong tình trạng nôn nhiều, tiêu chảy. Nhiều trẻ mất nước rất nặng kèm theo rối loạn điện giải. Đa phần nguyên nhân liên quan đến thực phẩm bày bán trước cổng trường.  



Bác sĩ Đoàn Duy Khánh, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Thái Bình: "Những thực phẩm ấy có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan nội tạng và.. có thể gây bệnh lý mãn tính của đường tiêu hóa, trẻ có thể rối loạn tiêu hóa tái đi tái lại, thậm chí 1 số chức năng của các cơ quan cũng ảnh hưởng theo.. ảnh hưởng nhiều đến cả sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ".


Còn tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa chiếm tới gần 50% tổng bệnh nhân đang điều trị. Theo các bác sĩ, những năm gần đây, tình trạng ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày gia tăng đáng báo động, mà yếu tố nguy cơ trực tiếp có liên quan đến thói quen ăn uống của người dân.

 


Bác sĩ CKII Nguyễn Phúc Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Thái Bình: "Những đồ ăn chứa nhiều nitroxamin chúng ta thường thấy có nhiều trong dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần như thịt nướng, như ở ngoài vỉa hè vẫn bán không đảm bảo về độ tươi ngon, đồ ôi thiu, những đồ nướng cháy, chất cháy trong đồ ăn.. Đó cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết đến tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa".



Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, mỗi năm cả nước có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trong đó, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại chiếm phần lớn và thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm nhất.

Thức ăn đường phố và các gánh hàng rong là nét văn hoá riêng của cộng đồng người Việt. Để loại hình kinh doanh thức ăn này được đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm ATTP. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân mình cũng như của cộng đồng.

Hà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...