Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị nhiều giải pháp để phòng ngừa, phát hiện và hạn chế tiêu cực ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay sẽ có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật ở tất cả các khâu để hướng tới kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, công bằng.
- Thưa ông, Bộ GD-ĐT đã tính tới các giải pháp nào để có thể siết chặt kỷ luật trường thi nhằm tránh xảy ra những hiện tượng gian lận như kỳ thi năm 2018?
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tới đây về cơ bản sẽ giữ ổn định phương thức thi như các năm 2017, 2018. Tuy nhiên phải có những giải pháp, điều chỉnh chủ yếu về mặt kỹ thuật để hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đặc biệt khắc phục những hiện tượng tiêu cực từng xảy ra như năm 2018.
Việc gian lận có thể xảy ra ở tất cả các khâu do đó trong tất cả các khâu của kỳ thi trong năm 2019, Bộ GD-ĐT đều có các giải pháp để điều chỉnh.
Thứ nhất là ở khâu sắp xếp phòng thi. Trong dự thảo quy chế nói rõ ở mỗi Hội đồng thi sẽ lựa chọn một số điểm thi dành cho các thí sinh tự do, thi cùng với các học sinh lớp 12 THPT và học sinh GDTX. Tại các điểm thi đó, các thí sinh lớp 12 THPT, học viên GDTX và thí sinh tự do được trộn chung theo thứ tự A - B - C và sắp xếp các phòng thi với sự trợ giúp của phần mềm máy tính.
Thứ hai là khâu in/sao đề thi, sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp để đảm bảo in sao tuyệt đối an toàn, bảo mật, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Khu vực in sao phải đảm bảo cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt nhân sự tham gia ban in/sao đề thi được lựa chọn kỹ càng; phụ trách khâu in sao đề thi sẽ là lãnh đạo Sở GD-ĐT.
Thứ ba là khâu vận chuyển đề thi/bài thi khi dự thảo quy chế năm nay quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh việc vận chuyển đề thi/bài thi luôn luôn có sự giám sát của công an.
Bộ GD-ĐT cũng quy định chặt chẽ hơn việc bảo quản đề thi/bài thi tại các điểm thi. Theo đó, ở các địa điểm lưu trữ đề/bài thi yêu cầu có công an bảo vệ và camera an ninh giám sát 24/24 giờ. Trong đó, quy định cụ thể quy cách, ký niêm phong rồi việc mở để lấy đề hoặc đưa bài thi vào tủ ra sao,… Đặc biệt, phó trưởng điểm hoặc thư ký của trường ĐH sẽ trực ban đêm.
Đặc biệt năm nay việc niêm phong túi bài thi sẽ được quy định chi tiết hơn. Cụ thể sẽ sử dụng một loại tem niêm phong chung theo mẫu bằng vật liệu dễ rách, trên đó có chữ ký của hai cán bộ coi thi và của phó trưởng Điểm thi đến từ trường ĐH. Sau khi dán tem niêm phong lên túi bài thi thì có thêm bước phủ băng dính trong lên nhãn tem niêm phong để đảm bảo mọi can thiệp đều bị phát hiện.
Khu vực chấm thi cả tự luận và trắc nghiệm đều có camera an ninh giám sát 24/24h. Ở khâu làm phách bài thi tự luận môn Ngữ văn sẽ quy định rất rõ việc cách ly trong suốt thời gian diễn ra quá trình đó; có thể đánh phách 1 hoặc 2 vòng nhưng đảm bảo cách ly để không có sự tương tác giữa người đánh phách vòng 1 và vòng 2 và những cán bộ chấm thi sau.
Năm nay, ngoài việc vẫn yêu cầu tiến hành việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 5% như những năm trước thì những bài điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra để kịp thời phát hiện gian lận nếu có. Ngoài ra, một điều chỉnh rất lớn nữa của năm nay là Bộ giao cho các trường ĐH đủ năng lực chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình chấm thi cũng có những điều chỉnh rõ ràng và chi tiết hơn.
Về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ sẽ điều chỉnh, nâng cấp hoàn thiện theo hướng tất cả những dữ liệu chấm thi từ việc quét ảnh bài thi đến các dữ liệu đều được mã hóa. Cùng đó là giải pháp tiến hành đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm để không có mối liên hệ giữa các thông tin của thí sinh và bài làm. Đặc biệt mọi lịch sử thao tác trên phần mềm đều được ghi lại để có thể kiểm chứng.
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp kỹ thuật trên chỉ có thể thực hiện tốt và quyết định bởi yếu tố con người. Do đó, trong quy chế năm nay, chúng tôi nhấn mạnh việc lựa chọn nhân sự vào từng khâu cụ thể. Cùng đó, nâng cao chất lượng và tập huấn kỹ hơn cho cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi, cán bộ thanh tra để hiểu rõ các quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật trong quá trình tổ chức thi để chủ động trong việc phòng ngừa và phát hiện tiêu cực.
- Có ý kiến cho rằng nếu vẫn giao cho các địa phương chủ trì việc coi thi thì có thể xảy ra tiêu cực vì thực tế cho thấy tiêu cực có thể bắt nguồn từ chính tư tưởng, chỉ đạo của những người đứng đầu ngành giáo dục địa phương. Quan điểm của ông ra sao?
- Nghi vấn hay những băn khoăn đặt ra là có cơ sở tuy nhiên cũng không đồng nghĩa với việc nếu không giao cho địa phương thì tiêu cực được triệt tiêu. Vấn đề là chúng ta phải có quy trình chặt chẽ và có quá trình giám sát, thanh tra.
Năm nay, trong mỗi phòng thi vẫn có 2 cán bộ coi thi, một của địa phương và một đến từ các trường ĐH. Nhưng vai trò của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH được tăng cường hơn, cụ thể trong những việc tổ chức và quyết định những nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức thi. Với những giải pháp như vậy sẽ hướng đến sự nghiêm túc an toàn tại các điểm thi.
- Tại sao không đặt camera ở các phòng thi và dữ liệu hình ảnh sẽ được truyền về để có thể giám sát từ xa, thưa ông?
- Đó cũng là một giải pháp chúng tôi cân nhắc từ lâu. Tuy nhiên dù gì thì điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của 2 cán bộ coi thi. Trong mỗi phòng thi, với 24 thí sinh thì trung bình mỗi cán bộ chỉ quan sát 12 em. Ngoài ra việc sử dụng camera còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như tác động đến tâm lý làm bài của thí sinh, hay có thể là cơ hội cho việc lộ hay lọt đề thi ra ngoài.
Việc sử dụng camera tại các phòng thi với phương thức thi như hiện nay là giải pháp cần được cân nhắc kỹ, do đó trong năm 2019 chúng tôi chưa ra đặt vấn đề này.
- Quy trình dù chặt chẽ đến đâu nhưng con người thì không thể kiểm soát được hoàn toàn thì tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT có tính cải tiến để giảm bớt những khâu thủ công và sự can thiệp của con người trong quá trình tổ chức thi?
- Việc này đã được định hướng rất rõ trong Nghị quyết 29 đó là đổi mới kỳ thi THPT và hình thức tuyển sinh theo hướng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực và kết quả thi có độ tin cậy.
Hiện nay các giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, hệ thống mạng máy tính và các thiết bị khác phát triển cho phép chúng ta tính đến, đồng thời có những bước chuẩn bị để làm sao tăng cường sự hiện diện của công nghệ trong việc tổ chức kỳ thi. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến phương án chuẩn bị cho việc đến một thời điểm nào đó, khi ngân hàng câu hỏi đề thi đủ lớn, sự chuẩn bị của các học sinh trong cả nước sẵn sàng và các điều kiện cho phép thì có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính.
Tuy nhiên, không phải cứ thi trên máy tính là mọi công việc sẽ được giải quyết. Bởi khi tổ chức thi trên máy tính thì cũng sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Cuối cùng thì vấn đề con người vẫn là nhân tố quyết định mọi thành bại.
- Sau hàng loạt những sự việc xảy ra năm ngoái, một bộ phận lớn người dân cảm thấy hoài nghi về tính khách quan và chính xác của kỳ thi khi các địa phương tổ chức. Bộ có thông điệp gì gửi tới các địa phương để có thể lấy lại niềm tin từ người dân?
- Những sai phạm là rất cá biệt và rõ ràng không được phép diễn ra ở bất kỳ hình thức nào. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý tất cả các đối tượng sai phạm để đảm bảo mục tiêu đề ra của kỳ thi.
Qua những gì đã diễn ra năm 2018 thì thông điệp rất rõ ràng gửi tới các địa phương là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng chịu trách nhiệm trực tiếp chính là ban chỉ đạo thi tại các tỉnh/thành phố. Do đó, trách nhiệm của các tỉnh, thành phải được đặt lên rất cao. Mọi sai sót xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên địa phương phải chịu trách nhiệm. Do đó, Bộ GD-ĐT rất mong các địa phương trách nhiệm trước hết với con em mình, với sự phát triển, danh dự và uy tín của địa phương để cố gắng làm tròn trách nhiệm, không để xảy ra những sai phạm.
Dù quy chế có kỹ đến mấy, quy trình tường minh bao nhiêu nhưng nếu con người không tự giác, đặc biệt nếu có ý định gian lận từ đầu thì tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó chúng ta không được phép chủ quan và vai trò của các địa phương cần được nâng thêm một bậc trong kỳ thi năm nay.
Đối với các thí sinh dự thi năm 2019, cần thấy rằng mọi điều chỉnh năm nay chủ yếu hướng tới đội ngũ tổ chức kỳ thi còn phương thức về cơ bản vẫn giữ ổn định. Do đó các em có thể yên tâm, tham khảo kỹ đề thi tham khảo để có định hướng ôn thi tốt. Bộ GD-ĐT sẽ quyết tâm cùng với các địa phương, các bộ ngành liên quan để tổ chức kỳ thi công bằng, khách quan.
- Xin cảm ơn ông!
TheoTintuc
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...