Có nhiều nhắc nhớ để không quên nơi chôn nhau cắt rốn, để ai cũng có chốn đi về, nhưng lễ hội hướng người ta đến tâm thức ấy đầu tiên - tâm thức về gia đình, làng xã, về thành tựu văn hóa và dư âm các cuộc dựng nước, giữ nghiệp tổ tiên… Trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ về cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội bắt đầu từ những điều như vậy.
Lễ hội nào cũng có mặt tích cực, tiêu cực là do cách thức tổ chức, tiến hành
Giữ được nhiều, để mất không ít
Những sinh hoạt cổ truyền, điển hình là lễ hội dân gian, phản chiếu giá trị gì trong nếp sống của dân tộc Việt, thưa ông?
- Đời sống lễ hội có thời kỳ phát triển mạnh, thời kỳ tạm lắng nhưng trong lòng dân luôn là nhu cầu tốt đẹp, phản ánh giá trị dân tộc. Nhiều tôn giáo ở Ấn Độ, phương Tây có những chuyến hành hương về nơi khởi phát của tôn giáo đó. Còn người Việt hành hương về làng, làm nên sự kết nối tâm linh sâu sắc. Mới có nơi gói bánh lại sau Tết, quan niệm khách mời Tết không quan trọng bằng khách mời hội, nhà nào càng nhiều khách ngày hội làng thì càng tự hào…
Không ít người than rằng, cái hay đẹp, cao khiết lành mạnh ấy trải qua mấy chục năm mà như xa xôi, phai mờ trước cuộc hưng vong thời cuộc. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Trước Cách mạng tháng Tám, qua ảnh chụp mô tả lễ hội, ta thấy hầu hết nghi lễ thô sơ, người đi hội gầy guộc, nghèo khổ… Sang thời chiến, lễ hội không tập trung đông người, rồi thời chống mê tín dị đoan, số lượng lễ hội càng thưa thoáng. Phải cuối những năm 1980, lễ hội mới dần tái lập trong Nam lẫn ngoài Bắc. Như Bắc Ninh, khoảng năm 1986, lễ hội Đình Bảng, năm 1991, Hội Lim được làm lại... Năm 1995, rất nhiều nơi tái lập lễ hội, và đến nay, thống kê cả nước có trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Nếu chia cho 11.000 đơn vị thôn xã thì trung bình hơn 10 làng có một lễ hội. Con số 8.000 ấy tưởng nhiều nhưng thực tế rất nhiều cộng đồng cư dân “khô lễ hội”. Rõ ràng, theo dòng chảy thời gian, ta giữ được nhiều mà để mất không ít.
Trân trọng nét đẹp văn hóa dân gian bao nhiêu thì mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ấy càng lớn bấy nhiêu. Nhìn hành trình tìm lại nét đẹp của lễ hội, ông trăn trở điều gì?
- Ta đều hiểu lễ hội nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Làm tắc nghẽn, tai nạn giao thông, tình trạng rượu chè, cờ bạc, bạo lực, giành giật… có cả. Nhưng đó không phải lỗi ở lễ hội mà do cách thức ta tổ chức, tiến hành không tốt. Điều tôi trăn trở ấy, rất may đang dần được cải thiện.
Cần có kịch bản lễ hội
Dựa trên nghiên cứu về lễ tục dân gian cũng như nắm bắt thực trạng lễ hội, ông thấy chúng ta đã có nỗ lực gì để đưa lễ hội trở lại nét đẹp thuần nguyên vốn có?
“Lễ hội để người ta bất vong bản - không quên cội nguồn, như phần chìm cho tảng băng trôi, cho tàu vững vàng trên biển. Lễ hội cố kết cộng đồng, hợp thành sức mạnh, củng cố quan hệ bền chặt. Lễ hội là dịp để kiểm điểm thành quả, xem lại mình trước cộng đồng, thần thánh, trước các biểu tượng nghi lễ rằng một năm làm gì, được gì, mất gì, đồng thời, để mỗi người thể hiện kỳ vọng với thánh thần, trời đất. Cũng trong lễ hội, con người được hưởng đầy đủ cảm giác hạnh phúc cộng đồng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ |
- Tôi nhấn mạnh rằng, việc làm cho lễ hội phải giống hệt ngày xưa là không thể, càng không nên có suy nghĩ xưa hay nay dở. Lễ hội là một thực thể vận động bất tận, tùy thời, tùy nghi. Trong đó, giá trị cộng đồng, giá trị trình diễn, giá trị của nét đẹp dân tộc… là bền vững, bất biến. Các hành vi cụ thể thì ngoài một số quy ước về ngày, lễ cúng tế… có thể tận dụng để tái lập lễ hội gần với truyền thống nhất, còn lại có thể linh hoạt thích ứng với thời đại. Ở một số nơi, tôi thấy lễ hội đang phát triển phong phú. Như lễ hội làng Đình Bảng giờ đưa thêm tính đặc sắc vùng miền, không gian tổ chức được sửa sang khang trang, đẹp đẽ… Hay Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được miêu tả trong văn bia so với bây giờ khác hẳn, xưa chỉ vài làng đứng ra tổ chức, quan chức cấp huyện, cấp tỉnh về dự thôi, còn bây giờ mang cấp quốc gia rồi. Nó cho thấy sự tác động tốt tôn thêm giá trị của lễ hội.
Nhưng cũng không ít lễ hội được tái lập song mất đi nét đẹp truyền thống, ảnh hưởng xấu đến tinh thần cộng đồng. Như ông có nói, lễ hội nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực, đó không phải lỗi ở lễ hội mà là do cách thức ta tổ chức, tiến hành không tốt...?
- Trước Cách mạng tháng Tám, dân số cả nước chỉ khoảng 25 triệu, bây giờ 100 triệu dân, trước hội 1.000 người, bây giờ 4.000 người, mà thời gian, không gian vẫn vậy. Trước đi hội chỉ cư dân một vùng, quan hệ người với người là thân quen, hoặc thông gia họ hàng, hoặc quen biết chợ búa buôn bán làm ăn, bây giờ thì người tứ chiếng, không biết nhau thì không tôn trọng, nể nhau nữa, bạo lực vì thế trở nên khó lường. Trước cũng uống rượu nhưng ít, có chai rượu trong nhà quý lắm, tính bằng gạo cả, giờ Việt Nam đang ở trong tốp đầu các nước tiêu thụ bia rượu. Người ta uống rượu nhiều, đi hội không tự kiểm soát được mình, xung đột xảy ra. Trước đây tính thiêng được đề cao, ai nấy hòa đồng vui vẻ, giờ giá trị thiêng liêng bị nhường chỗ cho thực dụng, nên người ta mới tranh cướp giành giật, nạn cờ bạc bùng nổ. Bấy nhiêu lộn xộn đó tạo nên hình ảnh truyền thông phản cảm về lễ hội. Nhưng vấn đề không phải bỏ lễ hội đi.
Không thể bỏ lễ hội nhưng duy trì, phát huy sao cho lễ hội ngày càng văn minh, tốt đẹp không hề dễ dàng, thưa ông?
- Có nhiều ý kiến phát biểu rất thiếu trách nhiệm rằng lễ hội của dân thì để dân làm, dân quyết, nhưng dân là ai? Thời phong kiến, người đảm nhận tổ chức lễ hội đều có chức sắc, có trí tuệ, nghĩa là lễ hội luôn cần người có trách nhiệm đứng ra, và cần có thiết chế văn hóa, thiết chế nhà nước quản lý. Tôi cho rằng, chúng ta phải có kịch bản lễ hội. Nếu kịch bản ấy huy động được đội ngũ nghiên cứu, thực hành, thống nhất các bên liên quan thì chắc chắn sẽ xây dựng được môi trường lễ hội tốt, từ đó loại bỏ hình ảnh xấu, phản cảm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Daibieunhandan
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...