Xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” là giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP). Để có bức tranh toàn cảnh về kết quả triển khai trong 5 năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân phỏng vấn ông NGUYỄN VĂN THUẬN, Trưởng phòng chất lượng nông sản - Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN - PTNT).
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh và Đoàn giám sát của Quốc hội thăm HTX sản xuất rau theo chuỗi tại Hà Tĩnh
Các chính sách hỗ trợ kịp thời
- Xin ông cho biết tính cấp thiết xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn?
- Một trong những nguyên tắc quy định tại Luật An toàn thực phẩm là: “Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP”. Để tuân thủ nguyên tắc này cần phải kiểm soát trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Do đó, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát ATTP theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu bảo đảm ATTP, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, gia tăng xuất khẩu, an sinh xã hội. Đây cũng là cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, luật pháp về ATTP, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Thuận |
Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là xây dựng mối liên kết sản xuất kinh doanh tập thể, chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi các mô hình quản lý ATTP theo chuỗi, giai đoạn đầu (2013 - 2016) ngành đã triển khai xây dựng thí điểm/thử nghiệm, sau đó đánh giá hiệu quả, tác động và phát triển nhân rộng đồng bộ trên phạm vi cả nước. Việc xây dựng và phát triển chuỗi ATTP với lộ trình phù hợp như trên sẽ tạo ra một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
- Những căn cứ pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước để triển khai xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn như thế nào, thưa ông?
- Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP. Bên cạnh đó là hàng loạt các chính sách như: Quyết định 20/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh đến năm 2020 về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả. Quyết định 3073/2013, Quyết định 354/2014 của Bộ NN - PTNT phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc; Quyết định 3075/2016 của Bộ NN - PTNT về việc hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…
Ngoài ra, còn có các Nghị định 57/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị định 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chương trình, kế hoạch của các địa phương. Có thể thấy rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để triển khai xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tương đối đầy đủ, các địa phương có niềm tin vào sự phát triển chuỗi bền vững.
1.426 sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi
- Kết quả triển khai xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đến nay thế nào, thưa ông?
- Theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 11.2018 đã có 63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi. Trong đó, có 1.096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Đặc biệt, có sự tham gia khoảng hơn 100 hợp tác xã, 250 công ty, trong đó có một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop.... Hầu hết địa phương đều tập trung triển khai, ban hành đề án, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các cơ sở tham gia chuỗi; các chỉ tiêu ATTP sản phẩm của chuỗi đều đạt yêu cầu.
- Trong quá trình triển khai có gặp khó khăn, thưa ông?
- Trước hết là công tác kết nối các khâu của chuỗi còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể; lợi nhuận được phân phối không công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Ngoài ra, kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất các chuỗi sản phẩm an toàn; sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít, bao bì, nhãn mác chưa đẹp; thông tin truy xuất, quảng bá sản phẩm chuỗi chưa được quan tâm thường xuyên...
- Xin cảm ơn ông!
Theo Daibieunhandan
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội...
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...