Hội thảo về vai trò, chất lượng hoạt động của nữ đại biểu dân cử

Thứ 2, 17/12/2018 | 07:31:34
633 lượt xem

Ngày 14.12, tại tỉnh Hà Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH tổ chức Hội thảo về vai trò, chất lượng hoạt động của nữ đại biểu trong các hoạt động của cơ quan dân cử ở Việt Nam - lý luận và thực tiễn. Hội thảo là một nội dung nhằm triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu dân cử trong hoạt động của các cơ quan dân cử ở Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Đề tài, TS Trần Văn Túy chủ trì Hội thảo.

Tham dự có: đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại. Về phía tỉnh Hà Nam có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Sỹ Lợi; Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Căn cứ vào nghị quyết của Đảng, nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới. Từ chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua, tại cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử tăng lên chiếm 26,7% tổng số ĐBQH.

Qua theo dõi hoạt động của các ĐBQH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhận thấy, việc tham gia xây dựng luật pháp, chính sách, và đóng góp ý kiến tại các tọa đàm với cử tri ngày càng có chất lượng. Và việc ĐBQH đầu tiên trình sáng kiến dự án luật cũng là một nữ đại biểu đã khẳng định vai trò, uy tín của phụ nữ trong QH và cử tri ngày càng cao”.  

Tuy tỷ lệ nữ đại biểu của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng ngoài nhiệm kỳ khóa V (1975 - 1976) đạt tỷ lệ nữ đại biểu 32%, thì đến nay vẫn chưa có khóa nào tỷ lệ này đạt mức 30%. Để đạt được tiêu chí tới năm 2020, tỷ lệ nữ ĐBQH từ 35 - 40% mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đề ra là một thách thức không nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội; có thời gian gián đoạn công tác ảnh hưởng tới việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; việc gắn nhiều cơ cấu vào một đại biểu đã ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng trúng cử của nữ đại biểu dân cử...

Tăng tỷ lệ nữ ĐBQH, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của nữ đại biểu không chỉ là quan điểm, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mà còn là mong muốn của xã hội, của nữ giới. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi, nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, QH nói riêng, nâng cao chất lượng hoạt động của nữ ĐBQH.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích về hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, trong đó có nữ đại biểu dân cử; các yếu tố ảnh hưởng trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật này; những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động của nữ đại biểu dân cử… Một số đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để bảo đảm điều kiện hoạt động cho nữ ĐBQH; những vấn đề cần quan tâm, tạo điều kiện về đào tạo, bồi dưỡng các ứng cử viên nữ trước khi tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Theo Daibieunhanhdan

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...