Sau 5 năm thực hiện, nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở cả ba trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường đã đạt được hoặc gần tiệm cận đến mục tiêu của năm 2020. “Trong 5 năm, tổng giá trị nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được 200 tỷ USD, thặng dư đưa về cho đất nước 50 tỷ USD cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định trên diễn đàn Quốc hội.
Duy trì đà tăng trưởng
Sự đúng hướng đó trước tiên thể hiện ở chỗ nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án đã đạt được hoặc gần tiệm cận đến mục tiêu của năm 2020. Nông nghiệp đã duy trì được tăng trưởng đạt bình quân 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%. Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bình quân tăng 6,67%/năm, gần gấp đôi mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm). Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012, vượt mục tiêu đề ra... Cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, qua 5 năm triển khai thực hiện cơ cấu lại, Bộ NN - PTNT và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Những mặt hàng là lợi thế và còn tiềm năng về thị trường tăng mạnh như trái cây nhiệt đới, rau, hoa, hạt điều. Nhờ đó, xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt mức bình quân 15,12 tỷ USD/năm giai đoạn 2013 - 2017, tiếp tục duy trì được các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: Gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn.
Trong chăn nuôi, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác, doanh nghiệp và nông dân cùng làm.
Lĩnh vực lâm nghiệp đã có chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Sản lượng gỗ rừng trồng đã đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng 18%; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% lên 41,45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 7,29%/năm, giá trị tăng thêm tăng 6,3%/năm.
Thủy sản đã khẳng định được lợi thế trong cơ cấu ngành nông lâm thủy sản. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng từ 22,5% lên 25%, giá trị gia tăng đã tăng từ 18,8% lên 20,5%. Giá trị sản xuất thu được trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 tăng gấp 1,4 lần.
Thị trường mở rộng
Thành quả nổi bật và rất quan trọng của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn 5 năm trước. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 40 - 40,5 tỷ USD. “Lúa gạo cách đây 5 năm giá của ta thấp nhất thế giới, đến nay giá gạo Việt Nam đã ở mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, bảo đảm giá trị”, Bộ trưởng nêu một dẫn chứng.
Bên cạnh đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Đến tháng 9.2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước; trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (chiếm trên 1%), gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Cơ cấu lại nông nghiệp cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 10.2018, cả nước có 3.597 xã (đạt 40,3%) đạt chuẩn và có 55 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những hạn chế, yếu kém cần phải được tiếp tục tháo gỡ và nỗ lực thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, so với Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại, một số tiêu chí sẽ rất khó đạt nếu không có sự đầu tư thích đáng và tổ chức thực hiện quyết liệt. Đó là tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi có xử lý chất thải bằng các giải pháp hiệu quả, bảo đảm vệ sinh và an toàn môi trường.
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, cần giải quyết ba nút thắt. Thứ nhất, hạn chế tối đa chi phí sản xuất bằng việc mở rộng cơ chế bảo tồn và phát triển giống, phân bón, thuốc trừ sâu trong nước, tránh lãng phí nguồn ngoại tệ lớn do phải nhập khẩu. Thứ hai, muốn sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học - công nghệ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cần đoạn tuyệt hoàn toàn với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Thứ ba, nâng cao năng lực bảo quản, chế biến thông qua những chính sách hỗ trợ vốn, thuế tín dụng để nhập khẩu công nghệ, bởi vì bảo quản chế biến là khâu cuối cùng quyết định giá trị nông sản.
Để tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao hơn, ĐBQH Trần Trí Quang (Đồng Tháp) cũng đề xuất cần tiếp tục tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, về nguồn lực, cơ sở hạ tầng trong tái cơ cấu nông nghiệp, như việc sửa đổi chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất. Việc chuyển đổi đất sản xuất lúa không hiệu quả sang chăn nuôi, trồng cây ăn trái, theo ông, sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn.
Từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Đến năm 2020, ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Để đạt được kết quả trên, ngành tiếp tục rà soát và xây dựng 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp. |
Theo Daibieunhandan
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...