Công khai một số điều kiện và các thông tin khác theo quy định của pháp luật nếu các trường đại học muốn được tự chủ.

Thứ 3, 20/11/2018 | 10:45:56
840 lượt xem

Ngoài việc được tự xác định mức học phí, các trường sẽ được chủ động mở ngành đào tạo khi đáp ứng đủ điều kiện của Luật Giáo dục.

Quốc hội thông qua luật Giáo dục đại học sửa đổi. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Chiều 19/11, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với hơn 84% đại biểu có mặt tán thành. 

Theo luật này, các trường thực hiện quyền tự chủ khi đã thành lập hội đồng trường; đã được công nhận đạt chuẩn bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; đã ban hành và thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước quy định...

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản của các trường gồm ban hành và thực hiện các quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên...

Các đại học công lập đáp ứng điều kiện nói trên và tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên thì được tự chủ xác định mức học phí. Các trường còn lại xác định học phí theo quy định của Chính phủ.

"Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo", luật quy định.

Cơ sở phải công khai chi phí đào tạo, học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản dịch vụ khác cho lộ trình cả khoá học và từng năm học đi kèm thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên khó khăn.

Các trường được chủ động mở ngành đào tạo

Trước đây, hầu hết các nội dung liên quan chuyên môn (như xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học...) đã được giao cho các trường tự quyết định, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các trường đáp ứng đủ điều kiện thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, trừ lĩnh vực sức khỏe, giáo viên và an ninh, quốc phòng. 

Theo điều 33, điều kiện để mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là ngành mới mở phải phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cả nước, của từng lĩnh vực; có đội ngũ giảng viên, cán bộ cơ hữu đủ số lượng, chất lượng; có cơ sở vật chất, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu; có chương trình đào tạo theo quy định.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết điều kiện mở ngành.

Nếu trường tự mở ngành khi chưa bảo đảm điều kiện sẽ bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đó và bị cấm mở ngành trong 5 năm.

Luật cũng nêu rõ, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng để đảm bảo đầu ra và quyền lợi của người học, nếu không đạt sẽ phải dừng tuyển sinh.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Theo vnexpress

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...