Việt Nam đối diện với thách thức duy trì hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc khi hai cường quốc đối đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trái, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm Việt Nam lần hai trong năm nay, trong hai ngày 16/10 và 17/10 thu hút sự chú ý lớn của giới bình luận quốc tế. Ông Mattis lần đầu đến thăm Việt Nam hồi tháng 3/2018.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá chuyến đi của ông Mattis cho thấy ông đã thực thi chính sách theo Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng của Mỹ, đưa Việt Nam vào hệ thống hợp tác để đối phó với các thách thức với an ninh khu vực, bao gồm các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Rõ ràng là Mỹ đang coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng, nhìn từ hai chiến lược nói trên. Sau những chỉ trích gay gắt của Phó tổng thống Mỹ Pence với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ của Mỹ, ông Mattis sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác tình thế với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam", Thayer nhấn mạnh.
Chuyến đi của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhiệt. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc hôm 24/9. Đầu năm sau, con số này sẽ lên 25%. Tổng thống Mỹ Trump đe dọa bất kỳ động thái trả đũa nào của Trung Quốc cũng sẽ khiến Washington "ngay lập tức" theo đuổi giai đoạn 3 - đánh thuế lên khoảng 267 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế với hơn 5.200 hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, cáo buộc Tổng thống Mỹ sử dụng chiến thuật "bắt nạt" về thương mại và đe dọa kinh tế. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của nước đối phương.
Ở Biển Đông, cuối tháng 9, Trung Quốc đã để chiến hạm của mình 'cắt mặt" tàu khu trục USS Decatur của Mỹ ở Trường Sa, khi tàu Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sau đó lên án mạnh mẽ Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh gây hấn quân sự, muốn đẩy Mỹ ra khỏi vùng phía tây Thái Bình Dương và cố gắng ngăn cản Mỹ hỗ trợ các đồng minh. Ông Pence cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố nước này không có ý định quân sự hóa Biển Đông, nhưng thực tế Bắc Kinh lại triển khai tên lửa chống hạm và phòng không tới các đảo nhân tạo.
Trong số các nước ở khu vực, theo Giáo sư Thayer, Việt Nam còn có vai trò quan trọng khi sắp đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào 2020 và đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ gánh vác thêm nhiều trách nhiệm ở khu vực và quốc tế, điều đó làm tăng vị thế của Việt Nam trên phương diện là đối tác an ninh của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis, phải, đến thăm sân bay Biên Hòa hôm 17/10.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, cho rằng quan tâm của Mỹ trong hợp tác với Việt Nam phản ánh mối lo ngại của Washington với sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong hợp tác với các nước, mà có thể giúp tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á.
"Vị trí địa lý của Việt Nam ở khu vực khiến Hà Nội trở nên có vai trò quan trọng đối với các quan chức quốc phòng Mỹ", Ross nói.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức nghiên cứu Rand, Mỹ, cho rằng việc Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn ở Biển Đông phù hợp với quyết tâm của Việt Nam về duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
"Mặc dù sự gia tăng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam gần đây không phải là mối liên minh quân sự chính thức nhưng nó có thể khiến Trung Quốc trở nên thận trọng hơn để tránh Mỹ can thiệp vào bất đồng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong tương lai", Grossman nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis hôm 17/10 đã đến thăm sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, một điểm nóng dioxin trước đây là căn cứ quân sự Mỹ. Kết quả của chuyến thăm này là cơ sở để báo cáo Chính phủ và Quốc hội Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dioxin, ông Mattis cho biết. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại đây là 390 triệu USD, nguồn vốn từ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Quá trình xử lý dự kiến trong 10 năm. Giáo sư Thayer đánh giá việc Bộ trưởng Mattis đến sân bay Biên Hòa cho thấy Mỹ chú ý tới các mối quan tâm của Việt Nam, trong đó có giải quyết hậu quả chiến tranh.
Corey Wallace, Đại học Freie, Đức, đánh giá khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng, Việt Nam "trở nên có giá hơn về mặt địa chính trị" với cả hai cường quốc. Điều đó giúp Việt Nam có những cơ hội lớn để đa dạng hóa quan hệ của mình, đặc biệt là đa dạng đối tác quốc phòng, nhà cung cấp vũ khí và đối tác phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đầu tư - thương mại với Trung Quốc.
Về khía cạnh kinh tế, Timothy Heath, nhà phân tích khác thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand, cho rằng Việt Nam và các nước ở khu vực có thể hưởng lợi khi Mỹ và Trung Quốc chạy đua "giành được cảm tình" của các đối tác và sức ảnh hưởng. Ông nhắc đến việc Mỹ đã tuyên bố cung cấp gói hỗ trợ trị giá 60 triệu USD cho châu Á, cạnh tranh với các khoản đầu tư trong sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
Thận trọng
Chuyên gia Grossman của Rand lo ngại nếu một trong hai nước Mỹ và Trung Quốc "quá tay" ở Biển Đông, có thể dẫn tới tính toán sai lầm và leo thang xung đột vũ trang. "Đó là điều đi ngược lại lợi ích của Việt Nam", ông nói, cho rằng ví dụ rõ ràng nhất là vụ tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu Mỹ hôm 30/9.
Trong căng thẳng Mỹ - Trung, Việt Nam có thể "tăng cường vị trí chiến lược dài hạn của mình nhưng cũng cần thận trọng về mặt chiến thuật để cân bằng nhu cầu của hai cường quốc. Và đó chính là điều Việt Nam đang thực hiện", Wallace nói.
Theo Heath, một cuộc khủng hoảng quân sự ở Biển Đông sẽ gây hại đến kinh tế của Việt Nam.
Giáo sư Thayer dự đoán Mỹ sẽ điều thêm các tàu thuyền của Hải quân đến thăm cảng Việt Nam thời gian tới, với mức độ thường xuyên hơn. Mỹ cũng sẽ tăng cường các chuyến tuần tra tự do hàng hải và thực hiện diễn tập chung với các đồng minh ở khu vực, dẫn tới nguy cơ có thêm các sự cố giữa tàu chiến của Trung Quốc và Hải quân Mỹ. Ông cảnh báo Việt Nam đang phải đối mặt với một bối cảnh mà Mỹ và Trung Quốc gia tăng đối đầu trong phạm vi khu vực và quốc tế. Hệ quả là, Trung Quốc có thể gây áp lực với Việt Nam và các thành viên ASEAN khác để họ không đứng về phía Mỹ. Bắc Kinh cũng có thể trì hoãn thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Ông Thayer lo ngại xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực, gây hại đến môi trường đầu tư và tạo bất ổn trên thị trường. Đây là điều không có lợi cho Việt Nam khi Hà Nội đang theo đuổi chính sách hội nhập quốc tế tích cực. Bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào cũng khiến cước phí tàu thuyền tăng và làm tăng chi phí thương mại. Xung đột xảy ra có thể khiến giá vận chuyển bằng tàu và giá vận tải tăng.
"Việt Nam cần kiềm chế việc liên quan trực tiếp đến cạnh tranh Mỹ - Trung, duy trì hợp tác như bình thường với hai bên và có thể thúc giục hai bên xuống thang. Việt Nam sẽ có giá trị hơn với cả hai khi duy trì được sự độc lập của mình", Thayer gợi ý.
Theo VnExpress
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...