Phi công Indonesia kể lại khoảnh khắc cất cánh ngay trước động đất, sóng thần

Thứ 4, 03/10/2018 | 14:52:46
706 lượt xem

Từ máy bay ở độ cao 1.500 mét, phi công Ricoseta Mafella nhìn thấy một con sóng lớn trên biển nhưng vẫn không biết thảm họa sắp xảy ra.

Chiều 28/9, Ricoseta Mafella điều khiển chuyến bay 6231 của hãng hàng không Batik Air từ thành phố Palu đi Makasar với 140 người trên khoang. Đó cũng là chuyến bay cuối cùng cất cánh ở sân bay Palu trước khi thảm họa kép động đất, sóng thần biến nơi này thành chốn hoang tàn. 

"Vài giây trước khi cất cánh, tôi cảm thấy máy bay hơi lắc sang trái và phải nhưng nghĩ chắc do đường băng", Buzzfeed news dẫn lời Mafella kể. "Tôi không biết máy bay đã bay lên đúng thời khắc xảy ra động đất".

Khi đã ở trên không trung, Mafella nhìn xuống vùng biển bên dưới và nhận thấy một con sóng cao đang cuộn vào Palu. 

"Tôi thấy sóng ngày càng lớn hơn. Tôi nghĩ điều này thật kỳ lạ nhưng không nhận ra đó là một trận động đất kèm sóng thần", anh nói thêm. "Ở độ cao 1.200 - 1.500 mét, tôi đã rẽ trái và liên lạc với đài không lưu nhưng không nhận được phản hồi".

Phi công Ricoseta Mafella. Ảnh: Buzzfeed news

Phi công Ricoseta Mafella. Ảnh: Buzzfeed news

Mafella không biết rằng có một người đã hy sinh tính mạng để cứu anh và chuyến bay. Nhân viên sân bay Palu, Anthonius Gunawan Agung, đã cố gắng bám trụ tháp kiểm soát không lưu để hướng dẫn máy bay của Mafella cất cánh bất chấp động đất. "Batik 6231 đường băng 33 đã sẵn sàng để cất cánh" là lời cuối cùng của chàng trai 21 tuổi.

"Cậu ấy vẫn ở nguyên vị trí cho đến khoảnh khắc cuối cùng khi chúng tôi khởi hành và tòa tháp rung lắc dữ dội", phi công của Batik Air kể. "Khi đảm bảo rằng máy bay đã an toàn, cậu ấy nhảy từ tháp xuống dưới và bị gãy tay, chân".

Dù được một trực thăng y tế đưa đến bệnh viện cấp cứu, Agung đã không qua khỏi vì chấn thương quá nặng. Anh nằm trong số hơn 1.370 nạn nhân thiệt mạng vì thảm họa động đất, sóng thần hôm đó. 

Nhân viên không lưu của sân bay Palu, Anthonius Gunawan Agung. Ảnh: Buzzfeed news 

Nhân viên không lưu của sân bay Palu, Anthonius Gunawan Agung. Ảnh: Buzzfeed news

Sau khi máy bay đến nơi và hạ cánh, Mafella mới đọc tin tức và hỏi các đồng nghiệp tại sao anh không nhận được phản hồi nào từ đài không lưu.

"Họ kể rằng mọi người đã cố gắng gọi cậu ấy rời khỏi tháp nhưng cậu ấy từ chối vì máy bay vẫn chưa cất cánh. Sau đó mái nhà sập và cậu ấy nhảy xuống", anh kể. "Vào thời khắc khó khăn, trong những giây mang tính quyết định, cậu ấy đã đợi tôi cho đến khi tôi an toàn rồi mới nhảy xuống".

Mafella đã chia sẻ trên trang Instagram của mình video quay cảnh sóng thần từ trên máy bay cùng một bức ảnh của Agung, ca ngợi nhân viên không lưu trẻ tuổi là thần hộ mệnh của mình. Bức ảnh thu hút hàng chục nghìn lượt thích cùng những lời ngưỡng mộ hành động anh hùng của Agung.

Cơ quan Hàng không Indonesia cho biết trong một thông cáo rằng sẽ truy thăng hai hàm cho Agung để vinh danh sự cống hiến của anh. 

Theo VnExpress

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...