Mới chỉ có 3 tập thơ được xuất bản, vẫn còn khiêm nhường trong gia tài của đời người cầm bút. Nhưng cái quý ở thơ Phạm Hồng Oanh đã tìm được dáng vẻ riêng mình trong số đông những nhà văn, nhà thơ Thái Bình đang cầm bút và viết. Chị đã giành được 6 giải thưởng văn học cùng nhiều giải thưởng văn học của các bộ, ngành và nhiều cơ quan báo chí.
Nhà thơ Phạm Hồng Oanh trả lời phỏng vấn phóng viên Đài PTTH Thái Bình
Phạm Hồng Oanh sinh năm 1972, ở Vũ Thư, Thái Bình, hiện là giáo viên Trường THCS Vũ Phúc, TP Thái Bình. Năm 13 tuổi, nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo đã phát hiện ra khiếu văn chương của Phạm Hồng Oanh và động viên chị tham gia vào lớp “Búp trên cành” được tổ chức cho các bạn thiếu niên nhi đồng vào dịp hè tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Chị bén duyên với văn chương từ đó. Những tác phẩm thơ và truyện ngắn của Phạm Hồng Oanh ở thời kỳ này được đăng trong tập san “Búp trên cành” của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái bình và báo Thiếu niên Tiền Phong.
Nhà thơ Phạm Hồng Oanh: Vào học lớp “Búp trên cành”, tôi được sự dìu dắt trực tiếp của nhà văn Bút Ngữ, nhà thơ Kim Chuông, nhà thơ Lê Bính, nhà văn Đức Hậu… Các nhà văn từ Trung ương về cũng dạy chúng tôi như nhà văn Tô Hoài, nhà văn Phạm Hổ, nhà văn Vũ Tú Nam…là những cây đa cây đề trong nền văn học Việt Nam. Từng câu chữ đầu đời, mỗi một truyện ngắn, mỗi một bài thơ của chúng tôi hay mỗi bài viết thì đều được các nhà văn, nhà thơ tận tình góp ý từng câu từng chữ để chúng tôi trưởng thành từ đấy. |
Là người đã từng dạy lớp “Búp trên cành” hơn 30 năm về trước, nhà văn Đức Hậu cho biết:
Nhà văn Đức Hậu: Phạm Hồng Oanh cũng là người học sớm, học khoảng 5 năm, mỗi năm một tháng hè, tập trung ở Hội VHNT. Lúc bấy giờ phải đi xin phiếu gạo, đong gạo để cấp dưỡng nấu cho các cháu ăn. Suốt 5 năm như thế.” |
Với lứa tuổi thiếu niên tươi đẹp ấy, đáng lẽ Phạm Hồng Oanh phải có cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên và ngộ nghĩnh thì Phạm Hồng Oanh lại suy nghĩ, nhìn thấu bản ngã của con người. Trong bài thơ giành cho chính mình:“Tặng Oanh” có viết:
“Khẽ cúi xuống nhìn mình lặng lẽ
Ta sợ bóng ta
Ta sợ chính mình...”
Nhà thơ Kim Chuông nguyên PCT Hội VHNT tỉnh Thái Bình và nguyên là Tổng biên Tập tạp chí Văn nghệ đã từng viết trong một bài phê bình về bài thơ này:“Oanh viết về “cái Tôi” trước tháng năm, dự cảm. Trời ! Mới hơn chục tuổi đầu, chắc chắn Oanh chưa học Phật. Chưa hiểu “Tứ đề bốn pháp ấn”. Chưa hiểu thế giới quan, bản thể luận của Phật. Chưa đọc “Bát khổ”. Vậy mà, sau “Sinh, lão, bệnh, tử”, “Ái thụ biệt ly”, “Oán tăng sở khổ”, “Sở cầu bất đắc,” là “Ngũ thủ uẩn khổ” đấy. Cái nỗi khổ thứ tám này, là căn nguyên, gốc rễ đời người mà Oanh cảm được. Bởi “Ngũ thủ uẩn” là năm yếu tố làm nên kết cấu con người. Bởi, cái đầu tiên của “Ngũ thủ uẩn” là “Sắc”. “Sắc là Có”. Than ơi, vì “có Ta” với bao nhiêu dục vọng trên đời kia mà Ta khổ vậy”.
Mới chỉ có 3 tập thơ được xuất bản, vẫn còn khiêm nhường trong gia tài của đời người cầm bút. Nhưng cái quý ở thơ Phạm Hồng Oanh đã tìm được dáng vẻ riêng mình trong số đông những nhà văn, nhà thơ Thái Bình đang cầm bút và viết. Chị đã giành được 6 giải thưởng văn học cùng nhiều giải thưởng văn học của các Bộ, ngành và nhiều cơ quan báo chí.
Nhà thơ Phạm Hồng Oanh (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các bạn
học cùng lớp “Búp trên cành”
Năm 1989, Phạm Hồng Oanh thi vào khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, chị may mắn được theo học Nhà thơ Lương Hữu. Chị kể lại với tôi: Chị rất biết ơn thầy Lương Hữu, thầy chính là người đã góp ý, chỉ dạy cho chị. Thầy cũng là người đã khuyến khích chị tiếp tục sáng tác, theo đuổi sự nghiệp văn chương.
Nhà thơ Phạm Hồng Oanh : “Đặc biệt là những năm tôi học Cao đẳng Sư phạm thì nhà trường thường xuyên tổ chức những đêm thơ sinh viên để chúng tôi trải nghiệm. Những đêm thơ ấy có mời các nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình cùng những thầy cô giáo yêu văn chương và sáng tác văn chương của trường, tạo cho chúng tôi một không khí để chúng tôi được viết tiếp. Tôi thật sự trưởng thành từ đấy.” |
Khi còn là sinh viên năm 3, Phạm Hồng Oanh đã sáng tác bài thơ “Muối dưa”. Bài thơ đã đạt giải cuộc thi tác phẩm “Tuổi xanh” năm 1993 của Báo Tiền Phong. Đây là tác phẩm đầu tiên đánh dấu tên tuổi của chị trong lòng bạn đọc cả nước và được chọn in trong “Tuyển tập Thơ Lục bát Việt Nam”, xuất bản năm 1994.
“Tươi cái mất héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”...
Rồi...“Gỡ xong ngày tháng vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua...”
Bài thơ “Muối dưa” đã được nhiều báo chí đăng tải cùng với bài của bạn đọc viết về cảm xúc khi đọc bài thơ này. Một bài viết rất hay của anh Bùi Đại Dũng - giảng viên Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia đã viết trong bài “Đọc "Hoa nở không mùa" của Phạm Hồng Oanh” trên trang Nhabup.vn năm 2019 như thế này: “Nó không phải “mất cái còn tươi” mà là “cái mất” vẫn tươi roi rói. Biết làm sao khi con tim cứ đay đi nghiến lại rằng: “không thể nguôi ngoai được”. Người ta thường nói: “Thời gian là phương thuốc nhiệm màu, chữa lành mọi nỗi đau”. Thế nhưng nếu thời gian lại vô nghĩa với “cái mất”; và “cái mất” cứ tươi nguyên như vậy, thì chắc hẳn “cái mất” đó là nỗi đau vượt ra ngoài những thứ mà thời gian có thể chữa lành. “Muối dưa” nói về cái mất như vậy hẳn là đỉnh cao của việc dùng ngôn từ để chuyển tải những thứ mà ngôn ngữ hiếm khi có thể chuyển tải được.”
Còn nhà thơ Phạm Hồng Oanh thì cho biết suy nghĩ giản dị của mình khi viết bài “Muối dưa”: “Tôi ví cuộc sống giống như cái vại dưa, ví von như thế thì hơi khập khiễng. Nhưng mà cuộc sống đôi lúc nó cũng đơn giản thôi, còn nếu như chúng ta làm không tốt thì cũng như một cái vại dưa muối đã bị váng chua; tình cảm, cảm xúc cũng thế”.
Nhà văn Đặng Thành Văn là Chi hội trưởng chi hội Văn học thộc Hội VHNT tỉnh TB đã nhận xét về sáng tác này của Phạm Hồng Oanh:
Nhà văn Đặng Thành Văn: “Bài thơ Muối dưa là bài thơ bạn đọc biết đến và nhớ, đấy là cái quý của người làm thơ rồi, một thời đã gây ra một cái ấn tượng, là tiếng vang lớn trên văn đàn. Một cái tâm trạng như người từng trải mà lúc đó chị Oanh mới ở tuổi đôi mươi, cái tuổi còn đang phơi phới, nhìn về phía trước thì chị lại có nhưng nỗi buồn riêng, cái buồn ấy chỉ có tâm trạng của nhà thơ mới có. Bài Muối dưa tôi cho rằng đó là một trong những bài thơ chín sớm.” |
Cũng thời gian này, cùng với bài “Muối dưa”, nhà thơ Phạm Hồng Oanh đạt giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí “Tài Hoa Trẻ” và “Tạp chí Văn nghệ Thái Bình".
Công nhận tài năng của chị, Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Bình đã kết nạp chị vào Hội, khi đó chị mới 20 tuổi. Có thể nói, Phạm Hồng Oanh là nhà thơ trẻ nhất được kết nạp vào Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Bình.
Thơ của Phạm Hoàng Oanh có một cá tính riêng, chị hay dùng thủ pháp đối chữ, đối câu, đối ý rất khó. Trong Bài thơ “Mỗi ngày” của chị nói về thiên nhiên nhưng cũng là nói về nỗi buồn của con người, vừa mới vui đấy rồi lại buồn ngay, giữa cái vừa có và cái lại mất đi. Bài thơ đã đạt giải trong “Cuộc thi thơ lục bát” của báo “Giáo dục thời đại” năm 1997.
“Vừa rực rỡ thế ban mai
Mới trưa đã nhuốm hình hài hoàng hôn”.
Và đấy là tâm trạng chênh chao của nhà thơ giữa cái chợt đến, chợt đi, sự mất còn, sự đầy đủ và không đầy đủ, giữa buồn và vui luôn đan xen trong tâm trạng của nữ nhà thơ này.
“Mỗi ngày lại có ngày mai
Thời gian cứ nhạt tàn phai khi nào
Lời cho không thật ngọt ngào
Nên câu nói dối bao giờ cũng xanh"
Nhà Văn Đặng Thành Văn :“Thơ có gốc là Phú, Câu đối. Chị Oanh vận dụng những cái đối xứng: phản ý, phản nghĩa, phản từ và trong thơ những đối xứng ấy gây những cảm xúc, gây những bất ngờ, những thoả mãn cho người đọc và chị làm điều đó nhẹ như không, rất là khéo ở chỗ đó. Tôi cảm giác là chị viết ra những vần thơ đó rất là dễ, luôn luôn là niềm vui nỗi buồn và những tiếng thở dài. Đấy là một cái thư pháp hiếm người có được, một cái thi pháp mà tả nội tâm, tâm trạng rất là khéo.” |
Sau khi ra trường rồi đi dạy học, nhà thơ Phạm hồng Oanh càng bận rộn hơn nhưng vẫn đều đặn ra tác phẩm mới. Chị đã có ba tập thơ được xuất bản là “Mặt trời xa lắc” của NXB Văn học 2013, “Hoa nở không mùa” của NXB Hội Nhà văn 2018, “Níu mùa mà nghĩ” cũng của NXB Hội Nhà văn 2021. Phạm Hồng Oanh đã hai lần đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ngoài ra chị còn có nhiều bài thơ được in chung trong Tuyển tập thơ “Lục bát Việt Nam”, “Tuyển tập thơ Lục bát”, “Tuyển tập thơ tứ tuyệt”....và còn nhiều thơ, truyện ngắn, tuỳ bút được in trên các báo Văn nghệ, văn nghệ quân đội, Quân đội nhân dân cuối tuần, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Tạp chí văn nghệ Thái Bình…..
Cho đến bây giờ Phạm Hồng Oanh đã làm nên tên tuổi của của mình bằng những vần thơ hay và còn có những truyện ngắn hay. Truyện của Oanh giàu có về hiện thực; hấp dẫn, cuốn hút về tình tiết; vấn đề đặt ra khá sinh động, lý thú. Trong số đó có tác phẩm đã đạt giải thưởng văn học giá trị.
Trong công tác hội chị cũng tham gia nhiệt tình và có nhiều sáng kiến, vì vậy chị được Chi hội Văn học tín nhiệm bầu làm Chi hội Phó Chi hội Văn học tỉnh Thái Bình và Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật. Đến cuối năm 2021 nhà thơ Phạm Hồng Oanh được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Nhà Văn Đặng Thành Văn: “Cả 2 chức năng mà chị Oanh tham gia ở Chị hội văn học đều quan trọng mà quỹ thời gian của chị Oanh lại không nhiều, còn phải dạy học, bận như thế nhưng vẫn tích cực tham gia công tác Hội. Còn thực ra mà nói thì nhà thơ Phạm Hồng Oanh xứng đáng được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam lâu rồi. Thơ của chị chín rất sớm mà bây giờ độ chín ấy vẫn còn giữ được giọng thơ, chất thơ, tính cá biệt của Oanh rất là tốt”. |
Nói về dự định sắp tới, nhà thơ Phạm Hồng Oanh cho biết: “Tôi dự định xuất bản hai cuốn sách: một cuốn thơ Lục bát và thứ hai là tập truyện ngắn, bút ký và tản văn. Thời gian gần đây thì viết thêm nhiều tuỳ bút và tản văn nữa.”
Nhà thơ Phạm Hồng Oanh nhìn nhận cuộc sống một cách trực diện với niềm vui, nỗi buồn, cái được mất ở đời… bằng ngôn từ giản dị nhưng đầy ý thơ. Phạm Hồng Oanh hiện tại là cây bút trẻ đầy nội lực của Hội nhà văn Việt Nam, cánh đồng thơ ấy còn mầu mỡ, còn nhiều hứa hẹn, mang đến những sắc thắm cho đời./.
Trà My
Ngày 2.12, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà sau kỳ họp thứ 8, Quốc...
Sáng 2.12, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,...
Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29.11, Quốc hội họp phiên toàn...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...