Chính sách vươn tới 'vị thế toàn cầu' của ông Tập

Thứ 5, 04/12/2014 | 08:28:41
1,205 lượt xem

Bài phát biểu tại một hội nghị ngoại giao gần đây của Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngoại giao mới nhằm vươn tới "vị thế toàn cầu" nhưng vẫn đảm bảo những lợi ích cốt lõi.

xi-jin-ling-new-zealand-7970-1417422562.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm New Zealand hôm 21/11. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/11 tại một cuộc họp về ngoại giao cấp cao, trước hàng trăm quan chức đảng Cộng sản, tuyên bố, Bắc Kinh sẽ đối xử tốt với các láng giềng châu Á nhưng vẫn duy trì chính sách đối ngoại chủ động và đẩy mạnh hiện thực hóa ý tưởng về một Trung Quốc trẻ trung, năng động hơn trên trường quốc tế.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết tại hội nghị, những tuyên bố của Chủ tịch Tập có ý nghĩa như đường lối cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc cả ở hiện tại và trong tương lai, gần giống với cách mà cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đưa ra phương châm "ẩn mính kín đáo" trong những năm đầu thập niên 90.

Tuy nhiên, theo Dingding Chen từ Diplomat, khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ ông Tập đang muốn thoát khỏi thế "ẩn mình". Chủ tịch Tập nhấn mạnh vào yêu cầu phải trở nên chủ động và sáng tạo trong các vấn đề ngoại giao bởi nếu thiếu hai tính chất này Bắc Kinh sẽ không thể hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc và sách lược trẻ hóa dân tộc.

Giấc mơ Trung Quốc là một khái niệm mà Chủ tịch Tập thường xuyên sử dụng trong các bài phát biểu trước công chúng từ năm 2013 đến nay, nhấn mạnh cách mà Bắc Kinh sẽ tận dụng những tiềm lực vốn có để phát triển.

Vị thế toàn cầu

Theo New York Times, thông điệp gửi đi là Bắc Kinh mong muốn hợp tác thay vì đối đầu nhưng vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ vươn tới "vị thế toàn cầu". Nhận định này gần tương tự với một nhận định của Reuters cho rằng bình luận của ông Tập là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chính sách ngoại giao hòa hoãn hơn.

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại được thể hiện rõ nét ở một loạt động thái ngoại giao mà ông Tập thực hiện suốt hai tháng trở lại đây như: làm chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Bắc Kinh hay tới thăm Australia, New Zealand và đảo quốc Fiji.

Bắc Kinh cũng mới công bố thành lập ngân hàng đầu tư châu Á, chi hơn 40 tỷ USD cho dự án xây dựng Con đường Tơ lụa, nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á.

Trong chuyến thăm Australia, ông Tập khẳng định Trung Quốc là một "gã khổng lồ" nhưng không phải là mối đe dọa.

Bên cạnh đó, Châu Á cũng trở thành một phần trọng yếu trong chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh khi ông Tập tuyên bố Trung Quốc đang theo đuổi "một chính sách có tính hữu nghị, chân thành, toàn diện và cùng có lợi trong khu vực", theo NYT.

Bài phát biểu của ông Tập cũng cho thấy cách mà Bắc Kinh đánh giá môi trường toàn cầu trong tương lai. Dựa theo xu thế dài hạn của chính trị thế giới, các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra 5 phương hướng cụ thể: đa cực, toàn cầu hóa, hòa bình cùng phát triển, cải cách trong hệ thống quốc tế và sự thịnh vượng chung ở châu Á - Thái Bình Dương. Chính bởi tầm nhìn trên, Bắc Kinh tin rằng họ vẫn đang trong thời kỳ của những cơ hội mang tính chiến lược, có thể đem tới những lợi ích khổng lồ cho sự tăng trưởng toàn diện của Trung Quốc.

Vẫn cứng rắn về chủ quyền

Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc thực hiện nhiều chiến lược ngoại giao khác nhau để né tránh hoặc sửa chữa những thiệt hại do sự hung hăng trong tranh chấp chủ quyền mang lại. Bài phát biểu tại hội nghị hôm 29/11 phần nào có thể coi như một dấu mốc trong chiến dịch mới này của Bắc Kinh, theo Rory Medcalf, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia, đánh giá.

Trái ngược với nhận định trên, Dingding Chen lại cho rằng nếu dựa vào giọng điệu hòa hoãn của ông Tập và lý giải nó theo hướng Trung Quốc đang rút lui khỏi tranh chấp với các nước trong khu vực châu Á thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Thay vào đó, bài phát biểu gửi đi thông điệp rằng ông Tập và các đồng sự sẽ không cúi đầu trước áp lực từ bên ngoài trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời, cái mà người ta thường gọi là hành vi ngoại giao quyết đoán của Bắc Kinh sẽ tiếp tục được áp dụng.

Hơn nữa trong bài phát biểu, với một thái độ cương quyết, ông Tập cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ từ bỏ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình cũng như không cho phép lợi ích của Trung Quốc bị suy yếu".

"Trên tất cả, bài phát biểu thể hiện rằng các lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng vào đường lối ngoại giao của mình", Dingding Cheng bình luận. "Họ cho rằng Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình trẻ hóa dân tộc vì thế cần thực hiện một chính sách ngoại giao mang cốt cách và đặc điểm của người Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tham vọng hơn và tự tin hơn".

xi-obama-8974-1417422562.jpg

Ông Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo

Vũ Hoàng

Vnexpress.net


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...