Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quản lý dịch vụ gọi và nhắn tin ngắn qua ứng dụng OTT để chuẩn bị ban hành, vậy việc ban hành quy định này có đúng thời điểm và có cần thiết hay không là một câu hỏi rất nhiều doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ này ở Việt Nam quan tâm.
Cùng với sự phát triển của Internet, nhiều ứng dụng và dịch vụ mới được cung cấp cho người sử dụng đã làm phong phú và tiện ích hơn cho cuộc sống số, trong đó có ứng dụng gọi và nhắn tin qua mạng Internet.
Người dùng ngày càng quen dần với cách nhắn tin qua mạng xã hội như Facebook hay Twitter, hay gọi điện thoại và nhắn tin bằng ứng dụng như Viber, Whatsapp hay Zola. Những dịch vụ này ngày càng đơn giản và tiện ích, hơn nữa, khi gọi điện hay nhắn tin, họ biết được người mình cần liên lạc đến có trực tuyến trên mạng hay không; và đôi khi, còn biết người đó đang ở vùng địa lý nào và cách mình khoảng mấy cây số.
Nhưng, những thói quen này lại đang ảnh hưởng nhất định đến ngành viễn thông, mà trực tiếp là các doanh nghiệp thông tin di động. Trong một báo cáo mới nhất của Juniper Research, đã có một số mạng di động ở một số nước, trong đó có Anh, Ý và Tây Ban Nha, doanh thu từ thoại giảm đến 60% trong vòng 5 năm. Bên cạnh việc các doanh nghiệp viễn thông phải tự thay đổi để thích ứng với sự phát triển của cuộc sống số, tập quán người tiêu dùng thì việc có quy định quản lý riêng dịch vụ này cũng là điều hoàn toàn phù hợp.
Thực vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT không hẳn họ làm dịch vụ này hoàn toàn miễn phí, mà họ tìm kiếm doanh thu thông qua quảng cáo, bán hàng qua mạng, xây dựng hệ sinh thái đủ mạnh để có thể khống chế, điều chính và ảnh hưởng đến một cộng đồng lớn người dùng và có một số trường hợp, doanh nghiệp OTT thu phí dịch vụ và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp viễn thông.
Như vậy, trong chừng mực nhất định, khi doanh nghiệp OTT có một cộng đồng đủ lớn và cung cấp miễn phí gọi, nhắn tin trong nội mạng của mình và tính phí khi gọi sang mạng viễn thông công cộng, họ đã trở thành doanh nghiệp viễn thông nhưng không bị các quy định quản lý điều chỉnh. Các doanh nghiệp OTT đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp và việc chưa có quy định cụ thể để quản lý, điều chỉnh, phát triển loại hình dịch vụ này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng khi phát sinh như tin nhắn rác, lừa đảo trên mạng và cạnh tranh không lành mạnh đối với doanh nghiệp viễn thông.
Trong dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các doanh nghiệp có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn mà cả doanh nghiệp viễn thông và người tiêu dùng cần, như phân định rõ ranh giới giữa cung cấp dịch vụ OTT có thu giá cước và cung cấp dịch vụ OTT không thu giá cước; hay khi nào thì doanh nghiệp OTT có số lượng người dùng đủ lớn để phải đăng ký với cơ quan quản lý của Việt Nam, con số trong dự thảo là 1.000.000 người sử dụng.
Con số 1.000.000 người dùng
Trong dự thảo, quy định đối với doanh nghiệp OTT có từ một triệu người sử dụng trở lên phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, khái niệm này trong dự thảo còn mơ hồ; vì nếu quy định chung chung thì vô hình chung, các doanh nghiệp OTT như Viber, Facebook, Whatsapp hay Zola và nhiều doanh nghiệp OTT khác nữa, khi họ có sẵn hơn 1.000.000 người dùng thì nếu cứ thêm một người Việt Nam đăng ký sẽ phải đăng ký ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền sau 10 ngày phát sinh này.
Nếu khái niệm này được hiểu là công dân Việt Nam đăng ký sử dụng dịch vụ thì việc quy định cụ thể thế nào để phân biệt được đâu là người sử dụng ở Việt Nam và đâu là người sử dụng ở nước ngoài cũng là vấn đề cần bàn đến. Ví dụ như ứng dụng Facebook hay Google, khi đăng ký thì theo tài khoản mạng xã hội và có thể gửi tin nhắn được, vậy các doanh nghiệp này có thuộc đối tượng quản lý về dịch vụ OTT của thông tư này hay không? Hơn nữa, quy định nếu không rõ cũng có thể có hiện tượng doanh nghiệp OTT lách luật qua hình thức mạng xã hội và sau đó cung cấp dịch vụ OTT.
Một vấn đề khác, các trò chơi trực tuyến cũng cho phép gửi tin nhắn, chat và gọi điện thoại, và cũng có số lượng người chơi vượt con số này, vậy theo quy định mới, họ phải đăng ký với Bộ TTTT để tránh bị xem là vi phạm quy định hay không.
Theo góc nhìn này, khái niệm về người sử dụng dịch vụ OTT trong thông tư cần làm rõ hơn, và có tính mở để phù hợp thực tế.
Doanh nghiệp OTT nước ngoài có thu phí dịch vụ
Dự thảo quy định nếu doanh nghiệp OTT nước ngoài muốn thu phí người sử dụng ở Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt Nam có cấp phép cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet. Quy định như trong dự thảo tương đối chặt nhưng sẽ có những tình huống mà thông tư cần rõ hơn để dễ áp dụng.
Tình huống thứ nhất là đàm phán kết nối với mạng cố định và di động, theo quy định này thì doanh nghiệp OTT được đàm phán kết nối với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; vậy ai sẽ đứng ra đàm phán trong trường hợp này là doanh nghiệp Việt Nam trong thỏa thuận thương mại trên hay doanh nghiệp OTT nước ngoài. Nếu doanh nghiệp OTT nước ngoài được đàm phán kết nối trực tiếp thì vô hình chung sẽ làm mờ vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong thỏa thuận.
Tình huống thứ hai là ai sẽ là đại diện về pháp nhân ở Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của dịch vụ OTT; hơn nữa, trường hợp doanh nghiệp OTT nước ngoài có nhiều thỏa thuận với nhiều đối tác ở Việt Nam thì tình huống còn khó hơn.
Đối với quy định về doanh nghiệp OTT nước ngoài có thu phí, dự thảo quy định nên làm rõ hơn các tình huống mà thực tế các doanh nghiệp OTT lớn, như facebook hay Google chẳng hạn, họ có nhiều đối tác thương mại ở Việt Nam để tiến hành kinh doanh, thúc tiến quảng cáo và cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp OTT nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam
Cũng tương tự như quy định đối với doanh nghiệp OTT nước ngoài không đặt máy chủ ở Việt Nam, doanh nghiệp OTT nước ngoài muốn đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép tương ứng.
Quy định này hơi khó hiểu và có thể gây hiểu nhầm vì các doanh nghiệp cho thuê đặt chỗ máy chủ ở Việt Nam hầu hết có giấy phép này, chẳng hạn Facebook đặt máy chủ ở VDC hay Viettel, thì vô hình chung họ đã đáp ứng đủ các yêu cầu của quy định.
Hơn nữa, quy định cũng chưa nói rõ phạm vi và trách nhiệm của đối tác Việt Nam trong thỏa thuận này. Nên chăng quy định rõ các máy chủ đặt ở Việt Nam của doanh nghiệp OTT nước ngoài phải do đối tác Việt Nam quản lý vận hành khai thác, trên cơ sở đảm bảo bí mật, công nghệ cho đối tác OTT kia.
Đối với vấn đề kết nối cũng tương tự, cũng sẽ làm khó cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam khi doanh nghiệp OTT này có nhiều đối tác ở Việt Nam và tiến hành kết nối với mạng viễn thông công cộng.
Quy định thông tư có thể làm rõ và cụ thể hơn trong trường hợp này là quy định về thẩm quyền phê duyệt thỏa thuận thương mại giữa doanh nghiệp OTT nước ngoài và đối tác Việt Nam, các tiểu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ phải đáp ứng. Nếu quy định như vậy, cũng sẽ mở hơn nhưng cơ quan quản lý vẫn có thể quản lý tốt sự phát triển của dịch vụ OTT ở Việt Nam.
Bảo vệ người tiêu dùng
Một trong những điểm nổi bật của thông tư là đã quy định phạm vi, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ OTT. Trong đó quy định thông tin riêng của người sử dụng được bảo vệ và doanh nghiệp OTT có trách nhiệm thực hiện các quy định về chống thư rác. Hơn nữa, dự thảo cũng dành hẳn một điều cho quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ OTT để làm rõ những nội dung mà người sử dụng dịch vụ OTT ở Việt Nam có thể đơn giản nắm bắt được và thực hiện theo.
Tuy vậy, cũng như một số dịch vụ khác trên mạng Internet đang gây tranh cãi trong thời gian qua, như tranh cãi về việc tái sử dụng hộp thư điện tử đăng ký trên Yahoo hay Microsoft đã ảnh hưởng nhất định đến người sử dụng dịch vụ. Sự việc tái sử dụng hộp thư điện tử của Yahoo và Microsoft đã ảnh hưởng đến những người sử dụng hộp thư này để đăng ký các tài khoản khác như mạng xã hội hay ứng dụng OTT, và kẻ xấu đã lợi dụng kẻ hở này.
Quy định quản lý dịch vụ OTT cũng nên quy định thêm về sử dụng tài nguyên Internet và viễn thông để tránh những sự việc tương tự như trên; hơn nữa, khi các doanh nghiệp OTT họ lấy chính số máy của người dùng để đăng ký dịch vụ hoặc làm số để liên lạc thì họ phải đảm bảo những yêu cầu nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Cho dù còn một số nội dung trong dự thảo chưa đề cập đến hoặc còn đơn giản, việc sớm ban hành các quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ OTT cần được sớm ban hành để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, để người sử dụng Việt Nam luôn được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tốt do sự phát triển của Internet mang lại thì sự tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp OTT và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam là hết sức cần thiết.
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...