Việt Nam chủ động hội nhập APEC vì một khu vực hòa bình, thịnh vượng

Thứ 7, 08/11/2014 | 07:58:33
1,079 lượt xem

Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC 2014.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tổ chức tại Bắc Kinh - Trung Quốc, từ ngày 9-11/11 để bàn về mục tiêu liên kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cũng như tăng cường mối quan hệ với các đối tác trong khu vực.

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 3 lần mở rộng đến nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 thành viên của nhóm G20 - Nhóm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chiếm 40% dân số thế giới, đóng góp hơn 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu. Chính vì thế các thành viên APEC đều hết sức coi trọng hợp tác trong diễn đàn.

 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC năm 2013

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 diễn ra trong bối cảnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, song những căng thẳng, thách thức ở một số điểm nóng cũng ngày càng trở nên gay gắt. Tuy nhiên, khu vực châu Á -Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, liên kết kinh tế đa tầng nấc được đẩy mạnh. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu 25 năm hình thành APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Thái Bình Dương”, Hội nghị cấp cao APEC năm nay tập trung vào 3 ưu tiên là Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; Tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong thời gian này cũng sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 25 của các Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC và cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo APEC với hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu khu vực.

Đối với Việt Nam, trong 16 năm kể từ khi gia nhập APEC tháng 11/1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn. Điểm nhấn quan trọng trong tiến trình hội nhập đó là chúng ta đã đảm đương xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2006, đặc biệt là thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC…

Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia hơn 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực… Việt Nam cũng đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC như Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 - 2013. 

 

Logo của APEC 2014

Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam phối hợp với các thành viên khởi động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017 và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực vào tháng 9 vừa qua. Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, tạo thuận lợi chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng, giải quyết rào cản về đầu tư đối với năng lượng tái tạo, cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp cận sâu thị trường quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phát triển nhượng quyền kinh doanh; thúc đẩy đối tác công tư và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường tính cạnh tranh, ủng hộ tự do hóa về giá cả của các sản phẩm thiết yếu…

Tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2014, tại Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang theo một thông điệp rõ ràng: Trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 với chủ đề “Tăng cường kết nối khu vực - những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách”; tham gia chủ trì nhóm đối thoại với các đại diện doanh nghiệp lớn trong khu vực… Điều đó thể hiện vị thế mới của Việt Nam trong APEC ngày càng được nâng cao và cũng chính là dịp để Việt Nam đóng góp những sáng kiến vì lợi ích chung của khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp với các đối tác then chốt trong APEC tiếp tục đi vào chiều sâu và thực chất.

Với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC 2014, vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.

Hoàng Dũng/VOV


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...