Với 30% dân số thế giới (tức khoảng 2,1 tỷ người) đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì, thật dễ hiểu khi người ta coi đây là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21.
Thừa cân - béo phì gia tăng “phi mã”
Cùng với tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thừa cân béo phì hiện đang được xem là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21 bởi sự gia tăng nhanh chóng cũng như những hệ lụy về sức khỏe và gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra.
Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia hiện có gần 7 triệu người bị thừa cân, béo phì, chiếm hơn 8% dân số. Tại các thành phố lớn, tình trạng thừa cân, béo phì lên tới 30%. Quan sát một số nhóm đối tượng dân cư, nghề nghiệp có tỷ lệ mắc thừa cân béo phì cao hơn nhiều so với trung bình của quốc gia, lên đến 40%. Điều đáng lo ngại hơn là khi phân tích kết quả các giám sát dinh dưỡng cho thấy tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa và béo phì mức độ nặng ngày càng gia tăng.
Điều tra gần đây của Hội đồng các nhà khoa học quốc tế do Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) - Đại học Washington, nghiên cứu trên 188 quốc gia cảnh báo Việt Nam là nước có tốc độ gia tăng nhanh chóng về số người thừa cân và béo phì ở tuổi trưởng thành.
Trên phạm vi toàn cầu, “cỗ máy” béo phì vẫn “phi nước đại”. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số người bị béo phì đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2008, trên 35% người trưởng thành trên toàn cầu bị thừa cân, 11% bị béo phì. Đến nay tốc độ gia tăng thừa cân béo phì và số người bị thừa cân béo phì sống tại các nước đang phát triển đã vượt xa các nước phát triển.
Gánh nặng xã hội và chi phí điều trị y tế cho béo phì là rất lớn. Mỗi năm có 2,8 triệu người chết vì hậu quả thừa cân béo phì. Tại Mỹ, chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến béo phì gần 190 tỉ USD mỗi năm, chiếm tới 1/5 tổng mức chi cho dịch vụ y tế của nước này.
Thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung niên, phụ nữ sau khi sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị, nhân viên văn phòng... Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi...
Khi bị béo phì, nhiều người chỉ quan tâm đến những ảnh hưởng dễ thấy về ngoại hình và vóc dáng. “Phần chìm của tảng băng” tác hại béo phì chính là những hệ lụy về sức khỏe và mọi mặt của đời sống.
Hậu quả về tâm lý
Người thừa cân, béo phì thường mất tự tin trong giao tiếp, ngại xuất hiện trước đám đông, hay tự ti, căng thẳng, kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày… làm giảm sút hiệu quả công việc, khó tìm thấy hạnh phúc riêng, hạn chế sự cống hiến cho gia đình và xã hội.
Hậu quả về ngoại hình
Thừa cân, béo phì làm thay đổi vóc dáng, khiến cơ thể trở nên “quá khổ”. Nghiên cứu cho thấy 88% những người thừa cân, béo phì thấy rằng mình không hấp dẫn khi mất đi sự thon thả và những đường cong.
Hậu quả về sức khỏe của thừa cân, béo phì
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, những người bị tăng cân và đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm. Béo phì “đóng góp” 44% vào gánh nặng đái tháo đường, 23% thiếu máu cơ tim, 7- 41% các trường hợp ung thư.
Béo phì có thể là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm:
Bệnh lý tim mạch: Cholesterol hay còn gọi là mỡ máu, đặc biệt là cholesterol tỷ trọng thấp (LDL-C) cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tại nước ta, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu với khoảng 30%, trong đó rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.
Bệnh lý đường hô hấp: Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.
Bệnh lý đường tiêu hóa: Thừa cân, béo phì còn khiến mỡ bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các sản phẩm độc hại dễ sinh ung thư đại tràng. Mỡ ứ đọng trong gan gây gan nhiễm mỡ, xơ gan. Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.
Đái tháo đường: Đái tháo đường type 2 liên quan mật thiết với thừa cân béo phì, M1 macrophages và các Adipokines viêm như TNF- α, IL-6 trong gây đề kháng insulin là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường type 2 ở người béo phì.
Rối loạn nội tiết: Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.
Bệnh lý xương khớp: Người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất. Người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh Gút.
Tổn thương da: Thừa cân, béo phì gây lão hóa da sớm nên người béo thường già trước tuổi. Da thường bị sạm đen ở vùng cổ, gáy, háng, khuỷu tay.
Béo phì và ung thư: Một số nghiên cứu đã cho thấy sự liên quan giữa béo phì và một số bệnh lý ung thư như: ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt. Đã có nhận định rằng: “Chỉ trong vòng 5 năm nữa, có thể béo phì sẽ thay vị trí của thuốc lá trở thành nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư”.
Béo phì làm suy giảm trí nhớ: Trẻ bị thừa cân, béo phì thường có chỉ số thông minh kém hơn trẻ bình thường. Người lớn có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn
Giảm tuổi thọ: Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh, béo phì làm giảm 6 - 8 năm tuổi thọ
Trước “mối đe dọa” to lớn từ thừa cân béo phì, Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia y tế trên toàn cầu đều khuyến cáo mỗi người cần chủ động kiểm soát cân nặng thông qua duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, năng động, thực hành các phương pháp giảm cân khoa học để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp
Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM
Suckhoedoisong.vn
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...