Trung Quốc đóng 2 tàu sân bay mới

Thứ 5, 23/10/2014 | 08:05:26
1,155 lượt xem

Nguyệt san Kanwa Asian Defence xuất bản tại Canada tiết lộ Trung Quốc sẽ lại sớm đóng tàu sân bay do nước này tự thiết kế.

Trung Quốc đóng 2 tàu sân bay mới 1
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: Asian Defence News

Tàu sân bay được xem là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển hải quân viễn dương trong bối cảnh Bắc Kinh có những tuyên bố và hành động áp đặt chủ quyền tại biển Đông, gây căng thẳng với nhiều nước trong khu vực.

Theo Kanwa Asian Defence, chiếc tàu trên sẽ được đóng tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải. Khi hoàn tất, tàu này và một chiếc khác đang đóng ở thành phố Đại Liên sẽ được chuyển giao cho lực lượng hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Kanwa cho biết 2 tàu sân bay mới có đầy đủ chức năng và sẵn sàng chiến đấu, khác với tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varyag mua của Ukraine chỉ được coi là tàu huấn luyện kể từ khi được chuyển giao cho PLA hồi tháng 9.2012.

 

Đóng mới 2 tàu tuần dương 10.000 tấn

Tờ Jane's Defence Weekly ngày 15.10 dẫn thông tin từ các chuyên trang quân sự Trung Quốc cho biết nước này đang đóng 2 tàu tuần dương có độ choán nước 10.000 tấn tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Đây sẽ là những tàu lớn nhất của lực lượng hải cảnh Trung Quốc sau khi được biên chế. Các tàu lớn nhất hiện nay của lực lượng này có độ choán nước khoảng 4.000 tấn. Theo Jane's, các tàu hải cảnh thường không vũ trang song các tàu mới bổ sung cho lực lượng trong thời gian gần đây được trang bị các vòi rồng cực mạnh, có khả năng gây hư hại nghiêm trọng cho các tàu đối phương.

 

S.D


Trái với nhiều dự đoán, chiếc tàu sân bay sắp được đóng ở xưởng Giang Nam sẽ sử dụng năng lượng thông thường chứ không phải năng lượng hạt nhân. Kanwa dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc sẽ không cố gắng đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân khi chưa giải quyết một loạt vấn đề, chẳng hạn như độ tin cậy của các động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, công tác huấn luyện thủy thủ đoàn và việc xây dựng cảng chuyên bảo dưỡng tàu sân bay. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết hiện việc thiết kế chiếc tàu tại Thượng Hải vẫn chưa hoàn tất.

Trong khi đó, việc đóng tàu sân bay tại Đại Liên đã bắt đầu không lâu sau khi tàu Liêu Ninh được biên chế. Tờ South China Morning Post hồi tháng 1 dẫn lời Bí thư Thành ủy Đại Liên Vương Mân cho biết sẽ cần đến 6 năm để hoàn tất việc đóng chiếc tàu này. Thời điểm chính xác không được tiết lộ, nhưng căn cứ vào thời điểm tàu Liêu Ninh được chuyển giao cho PLA, dự kiến chiếc tàu tại Đại Liên sẽ hoàn tất vào năm 2018.

Tàu Liêu Ninh gặp sự cố

Việc đưa tàu Liêu Ninh vào sử dụng được xem là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của hải quân PLA. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc gần đây đã gặp trục trặc kỹ thuật có thể khiến Bắc Kinh phải lo ngại. Theo trang tin Business Insider, sự cố xảy ra trong một cuộc chạy thử nghiệm trên biển hồi tuần qua. Một vụ nổ liên quan hệ thống lò hơi đã khiến hệ thống điện trên tàu bị tê liệt. Các đường ống trong lò hơi bị rò rỉ đã làm giảm áp buồng đốt khiến tàu bị mất điện hoàn toàn. Nước nóng và hơi nước phụt ra từ hầm động cơ đã khiến thủy thủ đoàn phải sơ tán. Không có ai bị thương trong sự cố này và các thủy thủ “cuối cùng đã phục hồi hệ thống điện nhằm đảm bảo hoạt động trơn tru của tàu”.

Theo giới quan sát, sự cố này hẳn khiến Trung Quốc phải lưu tâm nhiều hơn với những tàu sân bay mà Bắc Kinh đang và sẽ đóng. Theo Kanwa, Trung Quốc trước mắt chưa nghĩ đến việc đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đây là điều Trung Quốc có thể thực hiện trong tương lai. Bởi lẽ năm ngoái, Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết đã được phê duyệt kinh phí phát triển công nghệ nòng cốt dành cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, dẫn đến suy đoán rằng việc đóng các tàu sân bay chạy bằng loại năng lượng này không nằm ngoài dự tính của Trung Quốc. Theo South China Morning Post, Trung Quốc dự kiến đóng 4 tàu sân bay cỡ vừa từ nay đến năm 2020.

Thêm nhiều giàn khoan

Ngoài giàn khoan Hải Dương-981 (HYSY-981) đã đi vào hoạt động và từng được hạ đặt phi pháp trong vùng biển VN, Trung Quốc đang đóng thêm 3 giàn khoan mới.

 

Trung Quốc đóng 2 tàu sân bay mới 2
Ảnh mô phỏng giàn khoan HYSY-982 - Ảnh: Agility Group

Cụ thể, Công ty dịch vụ dầu khí Trung Quốc (COSL), công ty con của Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào tháng 10.2013 đã ký hợp đồng với Tập đoàn công nghiệp đóng tàu xa bờ Đại Liên và Tập đoàn China Merchants HI để đóng các giàn khoan Hải Dương-982 (HYSY-982), Hải Dương-943 (HYSY-943) và Hải Dương-944 (HYSY-944). Trong đó, HYSY-982 là giàn khoan nước sâu nửa chìm nửa nổi thế hệ thứ 6, có độ “khủng” tương đương với HYSY-981. HYSY-982 nặng 30.000 tấn, hoạt động ở độ sâu tối đa 1.524 m và có độ khoan sâu tối đa 9.114 m. Được thiết kế để phục vụ khai thác ở biển Đông, HYSY-982 dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 8.2016. Trong khi đó, HYSY-943 và HYSY-944 là các giàn khoan tự nâng được thiết kế để hoạt động ở độ sâu tối đa 122 m. Độ khoan sâu tối đa của HYSY-943 và HYSY-944 lần lượt là 10.668 m và 9.144 m. Hai giàn khoan này dự kiến được chuyển giao vào tháng 9 và tháng 10.2015. 

S.D

Trùng Quang

Thanhnien.com.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...