Bành trướng trên Biển Đông: Trung Quốc sẽ nhắm tới Indonesia?

Thứ 4, 15/10/2014 | 08:32:32
1,284 lượt xem

Với những tuyên bố chủ quyền ngang ngược và mơ hồ trên Biển Đông, thông qua bản đồ đường 10 đoạn, Trung Quốc dường như không chỉ muốn thâu tóm hầu như toàn bộ vùng nước và các hòn đảo trong khu vực mà còn muốn vươn xuống tận lãnh thổ Indonesia.

Tại hòn đảo Natuna, đảo lớn nhất của Indonesia trên khu vực Biển Đông, tình hình an ninh luôn được thắt chặt. Ngay khi hạ cánh xuống đây, các du khách sẽ phải đăng ký và cung cấp bản sao hộ chiếu cho dù toàn bộ các chuyến bay đều chỉ đến từ trong nước.

Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc mới xuất bản bao trùm cả một phần đảo Natuna của Indonesia
Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc mới xuất bản bao trùm cả một phần đảo Natuna của Indonesia

Du khách bị cấm chụp ảnh cho đến khi rời xa sân bay, bởi đây vừa là sân bay dân sự, và cũng là một căn cứ của không quân Indonesia. Khi rời hòn đảo, du khách cũng phải làm thủ tục với cơ quan an ninh, bị hỏi những câu như họ đã ở đâu suốt những ngày lưu lại trên đảo, lộ trình đến và đi khỏi khu vực này.

Ngay cả khi vô tình gặp một sỹ quan hải quân đang không làm nhiệm vụ trên phố, du khách cũng có thể bị hỏi về việc họ đang làm gì tại Natuna.

Với việc Trung Quốc gần đây đã cho phát hành một tấm bản đồ tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, và có thể bao trọn hòn đảo này, việc tăng cường an ninh là có thể hiểu được.

Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã củng cố những tuyên bố chủ quyền của mình thông qua việc đe dọa, các đợt tuần tra của hải quân, lập hàng rào bao vây, đặt các giàn khoan thăm dò, đâm va tàu đánh cá và xây dựng những cơ sở quân sự trên một loạt đảo nhỏ và bãi đá chìm.

Cho đến gần đây, có vẻ như Indonesia chưa là đối tượng của những hành vi hiếu chiến này, và chính phủ nước này vẫn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước khác có tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.

Nhưng với việc Bắc Kinh đưa đảo Natuna vào bản đồ mới được in trên hộ chiếu của Trung Quốc, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể sẽ phải xem đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên khi nhậm chức trong vài ngày tới.

Ông Widodo cũng sẽ nhận thấy căn cứ không quân và hải quân tại đây khó có thể đảm bảo những sự phòng thủ đáng kể nơi tiền tuyến. Khu căn cứ có nhiều tòa nhà – hơn 30 tòa nhà nhỏ - nhưng chỉ có 3 khoang đậu máy bay khiêm tốn. Việc không có máy bay nào được trông thấy tại đây dường như cho thấy chúng được ngụy trang hoặc…có thể là không hề có tại đây.

Tại bãi cỏ của căn cứ hải quân gần đó, khoảng 20 nhân sự bao gồm một số phụ nữ vẫn đang tập võ một cách miệt mài, nhưng những chiếc tàu hải quân duy nhất trên đảo là 2 chiếc tàu tuần tra vũ trang hạng nhẹ và một xuồng cao su. Tất cả đậu trên một cầu cảng đang xuống cấp.

Hồi tháng 3 năm nay, chính phủ Indonesia lần đầu tiên lên tiếng về những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông bao gồm nhiều phần của tỉnh Riau của Indonesia, trong đó có đảo Natuna và các hòn đảo khác.

Cho dù Jakarta vẫn tìm cách đứng ngoài những tranh chấp trên Biển Đông, họ có thể sẽ thấy mình trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh.

Tháng 3 năm 2013, một “tàu thực thi pháp luật hàng hải” của Trung Quốc đã đối đầu một tàu tuần tra của Indonesia sau khi tàu này bắt giữ 9 ngư dân Trung Quốc vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý về phía Đông Bắc đảo Natuna.

Một tàu hải quân Indonesia đậu trên cầu cảng xuống cấp tại Natuna
Một tàu hải quân Indonesia đậu trên cầu cảng xuống cấp tại Natuna

Chỉ huy của tàu vũ trang Trung Quốc Yuzheng 310 đã đe dọa thủ thủ đoàn tàu Indonesia và yêu cầu trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc. Cũng có lẽ chính chiếc tàu trên của Trung Quốc đã làm nghẽn liên lạc của tàu Indonesia với đất liền. Trước sự uy hiếp từ tàu Yuzheng 310 và không thể liên lạc với trụ sở, cuối cùng tàu Indonesia đã phải thả ngư dân Trung Quốc.

Có không ít bằng chứng về những sự vụ tương tự khác mà chính phủ Indonesia vẫn tìm cách tránh thảo luận trước công chúng, nhưng liệu họ còn có thể làm thinh trước những bước đi ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh?

Đảo Natuna từng là tâm điểm của một tranh cãi gay gắt giữa Trung Quốc và Indonesia. Cho tới những năm 1970, đa số dân cư trên đảo này là người gốc Hoa. Những chiến dịch bạo loạn chống người Trung Quốc tại Indonesia những năm 1960 tới đầu những năm 1980 và tái diễn trở lại trong năm 1998 đã dẫn tới sự sụt giảm cư dân gốc Hoa tại đây, từ khoảng 5000 – 6000 người xuống chỉ hơn 1000 người.

Nhiều người gốc Hoa trong khu vực tin rằng, vào thời điểm đó, một cuộc gặp bí mật giữa thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và cư dân gốc Hoa tại Natuna đã diễn ra. Những người này được cho là đã đề nghị ông Đặng ủng hộ nỗ lực giành độc lập khỏi Indonesia hoặc đặt hòn đảo này dưới sự bảo hộ của Trung Quốc.

Nhưng cuối cùng những việc này đều không diễn ra. Đến đầu những năm 1980, chính phủ Indonesia đã đưa những người Indonesia gốc Malay tới Natuna với lý do nhằm bổ sung nhân lực có chuyên môn, và giúp giảm áp lực dân số tại đảo chính Java. Đến này, những người thuộc sắc tộc Malay đã lên tới gần 80.000 người và là cư dân đa số tại Natuna.

Thanh Tùng
Theo Diplomat

Dantri.com.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...