Biển Đông có thể xảy ra sóng thần cao tới 10m

Thứ 2, 13/10/2014 | 09:02:58
1,064 lượt xem

Cần sớm xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao. Hệ thống này với tính năng cảnh báo còi đèn, kết nối với đài truyền thanh, gửi tin nhắn SMS cho tất cả người dân trong vùng, sẽ giúp thông tin nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Hệ thống cảnh báo sóng thần thực nghiệm tại ven biển Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Hệ thống cảnh báo sóng thần thực nghiệm tại ven biển Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Đó là ý kiến được đưa ra trong Hội thảo tham vấn về quy hoạch xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao do Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 10/10 tại Đà Nẵng.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu về các đới đứt gãy trên khu vực Biển Đông, có 5 khu vực có khả năng là nguồn động đất gây sóng thần ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Việt Nam. 

Trong đó gồm: Đới hút chìm Manila, khu vực phía bắc đảo Luzon và nam Đài Loan, đới đứt gãy Ryukyu; khu vực phía Nam đảo Hải Nam và khu vực ngoài khơi Nam Trung bộ tại kinh tuyến 110 độ vĩ Đông.

Sau 30-60 phút xảy ra động đất từ các đới đứt gãy ngoài Biển Đông, sóng thần sẽ hình thành và tàn phá các vùng ven biển, với độ cao cực đại từ 3-4m, có nơi lên đến 10m, kéo sâu 3-4 km vào đất liền.

Do khả năng tàn phá rất nghiêm trọng của sóng thần, nhiều quốc gia ven Biển Đông đã xây dựng hệ thống báo tin, cảnh báo sóng thần giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất.

Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khí tượng Thủy văn biển cho biết, mặc dù khả năng xảy ra sóng thần ven biển và hải đảo Việt Nam thời gian qua là không lớn, nhưng vẫn hiện hữu. Khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng thần. Do đó, một hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần ven biển là cấp thiết.

Theo Thượng tá Phạm Hồng Thanh, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội, hệ thống được xây dựng từ các thiết bị điều khiển cảnh báo với chức năng gửi cảnh báo còi đèn, kết nối với đài truyền thanh và nhắn tin SMS đồng loạt cho tất cả các số điện thoại di động của người dân trong khu vực có nguy cơ cao. Các trạm và đài trực canh có khả năng hoạt động độc lập trong điều kiện thiên tai, mất điện trong vòng 10 ngày.

Dự kiến có 529 lượng trạm, đài cần được quy hoạch cho 13 tỉnh miền Trung. Các trạm, đài trực canh đa phần được lắp đặt tại các đài truyền thanh với cơ sở hạ tầng sẵn có, chỉ xây mới tại những nơi không có hạ tầng phù hợp. Kinh phí thực hiện đề án gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Ông Nguyễn Xuân Hiển cho biết, hệ thống tháp trực canh cảnh báo sóng thần được xây dựng, đưa vào sử dụng và tích hợp vào hệ thống điều khiển để nhận và phát thông tin cảnh báo bão, lũ lụt hay nước dâng sẽ hữu ích với các địa phương và người dân sở tại.

Hiện nay có tới 25 kịch bản sóng thần cho các vùng ven biển miền Trung. Cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn động đất cực đại và cơ cấu chấn tiêu của các trận động đất trong khu vực Biển Đông. Từ đó nâng cao độ chính xác của các kịch bản sóng thần và xác định thêm các kịch bản động đất gây sóng thần trên Biển Đông để các đài trực canh sẽ sát thực hơn khi đưa vào hoạt động.


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...