8 điểm tạo nên sức nóng của Đối thoại Shangri-La 2014

Thứ 3, 03/06/2014 | 07:42:58
1,342 lượt xem

Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng leo thang do các tranh chấp chủ quyền và các tranh giành địa chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương, Đối thoại Shangri-La 13 đã chứng kiến các cuộc tranh luận nảy lửa nhất kể từ khi hội nghị được tổ chức năm 2002.

 Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, tại Singapore năm nay có sự tham dự của 450 đại biểu, gồm bộ trưởng quốc phòng các nước, các quan chức quân sự cấp cao và các chuyên gia an ninh từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và những nơi khác. Diễn đàn đã kết thúc hôm 2/6 sau 3 ngày họp căng thẳng.

Dưới đây là những điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 13:

1. Nhật Bản muốn vai trò lớn hơn trong khu vực

8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm nay là diễn giả chính tại lễ khai mại diễn đàn hôm 30/5. Trong bài phát biểu được chờ đợi tại hội nghị, ông Abe đã giải thích ý định của Tokyo nhằm đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực. Thủ tướng Nhật cũng cam kết ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Trong bài phát biểu, ông Abe cũng nhấn mạnh sự cần thiết nhằm tôn trọng luật pháp hàng hải quốc tế.

Mặc dù ông Abe không nhắc đích danh một quốc gia nào, nhưng không có mấy nghi ngờ rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nhật nhằm vào Trung Quốc, vì ông liên tục sử dụng ngôn từ mà Tokyo thường dùng để chỉ trích hành động của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

2. Mỹ chỉ trích Trung Quốc, nhấn mạnh chính sách xoay trục sang châu Á
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014
 
Trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh vì các hành động "đơn phương, gây mất ổn định" của nước này để khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong các bình luận thẳng thắn khác thường, ông Hagel đã cảnh báo rằng Washington sẽ không ngồi yên nếu các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức.

Bộ trưởng Hagel cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, nói rằng "sự cân bằng chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có thật".

3. Trung Quốc đáp trả
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014

Trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Vương Quán Trung, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã đáp trả Nhật Bản và Mỹ, chỉ trích hai đồng minh về "các hành động khiêu khích" chống lại Trung Quốc.

Trong một sự thay đổi bất ngờ từ bài phát biểu được chuẩn bị trước, ông Vương đã cáo buộc Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Hagel "kết đôi" để chống lại Trung Quốc, chỉ trích họ về việc sử dụng các bài phát biểu để tấn công Bắc Kinh. Các bình luận của họ là "không thể chấp nhận được", "khiêu khích" và đi ngược với tinh thần lâu nay, ông Vương nói.

4. Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề "nóng" tại Shangri-La năm nay.

Căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng trước. Mới đây nhất, các tàu Trung Quốc còn đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là giải pháp cuối cùng và Hà Nội ưu tiên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Trong khi đó, bà Phó Oánh, cựu thứ trưởng ngoại giao và hiện là chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội phải tìm giải pháp ngoại giao và rằng Washington không nên can thiệp vào vấn đề này.

5. Thái Lan hậu đảo chính quân sự
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014

Thái Lan, hiện đang được lãnh đạo bởi một chính phủ quân sự sau cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng trước, cũng trở thành một chủ đề nóng tại hội nghị. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hối thúc các lãnh đạo đảo chính thả những người bị bắt giữ, đảm bảo quyền dân chủ và kêu gọi sớm bầu cử.

Đáp lại, quyền Ngoại trưởng Thái Lan, Sihasak Phuangketkeow, người dẫn đầu phái đoàn của Thái, cho hay đất nước ông không rút khỏi nền dân chủ. Ông này cho biết Thái Lan sẽ trải qua các cuộc cải cách chính trị trước khi tổ chức bầu cử, và hối thúc các đối tác kinh tế và chiến lược cho Bangkok thêm thời gian.
 
6. Bầu không khí căng thẳng
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014
 
Bầu không khí tại Đối thoại Shangri-La năm nay căng thẳng khác thường trong bối cảnh sức nóng gia tăng do các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Trước kia, một vấn đề nóng chứa đựng các bất đồng thường được đề cập một cách ôn hòa thì năm nay các đại biểu không ngần ngại nói thẳng quan điểm của mình. Tiêu biểu là Trung tướng Vương Quán Trung, người dẫn đầu phái đoàn của quân đội Trung Quốc, đã miêu tả phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel là "đầy hăm họa và đe dọa".

7. Mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014
 
Giới phân tích cho rằng ý định của ông Abe nhằm xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với châu Á sẽ không khiến Trung Quốc lo lắng quá nhiều do nước này có mối quan hệ mạnh mẽ với ASEAN.

Cho tới nay, một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Indonesia đã công khai ủng hộ động thái của Nhật, trong khi các quốc gia thành viên khác của ASEAN như Malaysia, Campuchia đều chưa lên tiếng.

8. Điều tiếp theo là gì?
 
8 điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La 2014
 
Bất chấp việc hội nghị năm nay tập trung vào các tranh cãi nảy lửa, các cuộc đấu khẩu về tranh chấp lãnh thổ và mong muốn của Nhật nhằm đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh khu vực, vấn đề thực sự trong phòng họp là câu hỏi làm thế nào để thích nghi nhất với một Trung Quốc đang mạnh lên.

Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói với các đại biểu tại phiên bế mạc hội nghị rằng đây là một vấn đề mà khu vực vẫn đang gặp khó khăn.

Có một đề xuất là cần điều chỉnh các khách mời phát biểu để Trung Quốc có thể trình bày trước tiên, hoặc tốt hơn là mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm diễn giả chính của hội nghị năm mới.

An Bình
Tổng hợp

Theo: Dantri.com.vn

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...