Khi cha mẹ và con mất kết nối

Thứ 6, 17/03/2023 | 00:00:00
525 lượt xem

Trong rất nhiều gia đình hiện nay, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn, làm gia tăng mâu thuẫn, khoảng cách giữa các thành viên. Việc không có tiếng nói chung, cha mẹ áp đặt con làm theo ý mình, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Học sinh:

"Bản thân con cũng nhiều lần muốn tự sát rồi, do vấn đề gia đình. Bố mẹ đặt nặng vấn đề học hành lên con và nói những lời đi quá giới hạn. “Tao thà không có đứa con như mày còn hơn”.





Đó là tâm sự của một em nhỏ bị mất kết nối với cha mẹ khiến em tổn thương và bế tắc trong cuộc sống.

Thực tế, xung đột giữa cha mẹ và con cái là khó tránh. Song ở nhiều gia đình, mâu thuẫn ngày càng tăng khi con bước vào tuổi dậy thì. Bởi việc không nhận ra thay đổi của con trong giai đoạn này, không hiểu được tâm lý của con, có thể tạo hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.


Em Phạm Vũ Mỹ Linh, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ: 

"Có khoảng cách thế hệ, nhiều lúc không tâm sự được với bố mẹ. Không chia sẻ được, nhiều lúc cũng bức xúc và buồn ạ. Em mong bố mẹ hiểu và gần gũi với mình hơn."






Anh Phạm Đức Hiếu, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ: 

"Trong tuổi mới lớn có những lúc bộc phát muốn thể hiện cái tôi của mình, thể hiện quan điểm của con là như thế này, bố mẹ không thể tự theo ý mình được. Ý bố mẹ thì hướng điều tốt đẹp cho các con thôi. Cũng có lúc thấy buồn trong lòng. Cũng có quát con.



Sự cáu giận, mất kiểm soát có thể dẫn đến những hành động gây tổn thương sâu sắc đến mỗi thành viên trong gia đình.


Phụ huynh: 

"Tôi nói con không nghe, thậm chí cháu còn bật ti vi to át tiếng đi. Lúc ấy tư tưởng căng thẳng, tôi cầm búa đập ti vi. Sau này ngẫm lại mới thấy mình không đúng."




Thống kê tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, số bệnh nhi đến khám vì mắc các rối loạn tâm lý chiếm tới trên 10% tổng lượt khám bệnh hàng năm. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, song đáng ngại là rất nhiều trẻ nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng vì trước đó không nhận được sự chia sẻ, lắng nghe của chính cha mẹ mình. Thậm chí có những trường hợp, áp lực vô hình mà gia đình tạo ra cũng khiến trẻ mắc bệnh lý tâm thần. 


Bác sĩ CKI Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình: 

"Trẻ trải qua rất nhiều giai đoạn về tâm sinh lý, rất dễ mắc sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Áp lực về học đường cũng đã nhiều. Khi về nhà người thân nên gần gũi chia sẻ với trẻ, để trẻ tâm sự thì sẽ giảm áp lực cho các em. Trẻ sẽ có tinh thần vui tươi thoải mái, có gì bất thường cũng dễ dàng chia sẻ với người thân, phòng khi trẻ chuyển sang bệnh lý về tâm thần thì việc điều trị sẽ vất vả hơn."

Trong cuộc sống với gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều bậc phụ huynh ít dành thời gian cho con cái. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, lại khiến nhiều đứa trẻ đắm chìm trong thế giới ảo khi thiếu sự quan tâm của gia đình. Bởi vậy, theo các chuyên gia, tình yêu thương được thể hiện đúng cách mới có thể khiến trẻ phát triển tốt hơn. Và điều sẽ định hình nhân cách của mỗi đứa trẻ, điều mà mỗi em nhỏ đều cần, là sự tôn trọng, thấu hiểu như những người bạn từ chính cha mẹ mình.

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...