Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên với ngành du lịch: Minh chứng Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện

Thứ 3, 26/02/2019 | 17:23:28
1,122 lượt xem

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Hải Sơn (Hai Son Travel) NGUYỄN MẠNH HẢI, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội tạo cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam là đất nước hòa bình và đang phát triển, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.

Vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch miễn phí dành cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2

Cơ hội mở rộng thị trường

- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội được đánh giá là cơ hội “vàng” cho ngành du lịch phát triển. Ở góc độ doanh nghiệp, ông nhận thấy cơ hội này thế nào?

- Có thể nhận thấy cơ hội lớn nhất từ sự kiện này là thế giới sẽ biết đến Việt Nam với hình ảnh một đất nước hòa bình và đang phát triển là điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách quốc tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi không phải ai cũng biết đến Việt Nam, đặc biệt Việt Nam đã từng trải qua chiến tranh nên nhiều vị khách quốc tế mà tôi đã từng tiếp xúc vẫn nghĩ ở Việt Nam rất nguy hiểm. Theo tôi, đây là điểm quan trọng nhất mà ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành sẽ hướng trọng tâm trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chúng tôi rất kỳ vọng vào những kết quả tích cực trong thu hút du khách quốc tế do sự kiện này mang lại.

- Ông đánh giá thế nào về việc nắm bắt cơ hội của ngành du lịch nhân sự kiện này?

- Do thời gian khá gấp tính từ lúc có thông tin chính thức về nơi tổ chức sự kiến đến khi sự kiện diễn ra nên ngành du lịch cũng có cái khó trong việc nắm bắt cơ hội. Theo tôi, cơ hội sẽ đến nhiều hơn sau sự kiện này. Song, tôi thấy ngành cũng đã có những động thái tích cực, như kịp thời như phối hợp doanh nghiệp lữ hành miễn phí cho các nhà báo quốc tế du lịch Hà Nội, Hạ Long... Đây là cách làm rất tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội mở rộng thị trường.

Phải xóa bỏ cách làm theo mùa vụ

 - Điều cần quan tâm là sau sự kiện này, chúng ta sẽ làm gì để tận dụng được tối đa các cơ hội, thưa ông?

- Muốn vậy, ngành du lịch cần có định hướng cụ thể để thúc đẩy du lịch phát triển, thông qua việc phối hợp cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm về du lịch. Mặt khác, có thể kết hợp với ngành hàng không để quảng bá hình ảnh đất nước khi mở các đường bay mới.

- Nhưng phát triển du lịch không thể chỉ dựa vào quảng bá, mà còn phải phụ thuộc vào điểm đến, chất lượng dịch vụ... Vậy theo ông, chúng ta đang có những lợi thế và khó khăn, thách thức nào trong phát triển du lịch?

- Đúng là phát triển du lịch không thể chỉ dựa vào quảng bá hình ảnh nếu chúng ta không có thực lực gồm điểm đến, chất lượng dịch vụ... Hiện, Việt Nam có nhiều lợi thế về điểm đến với các thắng cảnh đẹp, bây giờ còn có thêm lợi thế rất lớn là hình ảnh đất nước hòa bình - điểm đến an toàn cho du khách. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ còn nhiều vấn đề khi cách làm du lịch vẫn theo mùa vụ. Do vậy, giá cả cũng tăng theo mùa vụ, khiến không chỉ du khách mà ngay cả các công ty lữ hành cũng gặp khó. Chẳng hạn, chúng tôi ký hợp đồng với đoàn khách nước ngoài ở một mức giá đã liên kết với nhà hàng, khách sạn, công ty vận tải trước đó, nhưng khi đoàn khách này sang Việt Nam vào dịp cao điểm thì những đơn vị này lại tăng giá. Nếu doanh nghiệp bỏ hợp đồng sẽ bị kiện, nhưng nếu tiếp tục làm thì bị lỗ.

Một khó khăn nữa của các doanh nghiệp lữ hành trong nước hiện nay là đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp lữ hành từ nước ngoài vào Việt Nam. Họ có lợi thế về nguồn du khách, tiềm lực tài chính lẫn trình độ quản trị. Hiện, vẫn chưa có quy chế cụ thể để kiểm soát việc thành lập các công ty lữ hành này.

- Ngày càng có nhiều sự kiện quan trọng chọn Việt Nam là nơi tổ chức, đồng nghĩa các cơ hội để phát triển ngành du lịch sẽ càng nhiều hơn. Vậy theo ông, ngành du lịch sẽ phải giải quyết bài toán về những khó khăn, thách thức trên thế nào?

- Theo tôi, các sự kiện này là điều kiện cần để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Để phát triển ngành du lịch, quan trọng nhất là chúng ta phải bảo đảm phát triển bền vững. Mặc dù khái niệm này đã nói từ nhiều năm nay, song thực tế chưa đạt được.

Muốn bền vững, trước tiên các địa danh cần phải được duy trì về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch cũng như con người. Đồng thời, phải liên kết hàng không, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác để có mức giá ổn định, tránh việc tăng tùy tiện theo mùa vụ. Thêm nữa, các sản phẩm du lịch phải có tính sáng tạo, nghiên cứu bài bản, luôn luôn đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Phải đầu tư có chiều sâu về nguồn nhân lực từ cấp quản lý đến lực lượng phục vụ trực tiếp.

Về phía các hiệp hội du lịch cần có các hoạt động sự kiện gắn kết doanh nghiệp vừa và nhỏ với các cơ quan chính quyền để có hiệu quả thực sự trong phương án và giải pháp thực hiện. Ngoài ra, phải phối hợp với các ban ngành để dẹp bỏ nạn chèo kéo, lừa gạt khách, các tệ nạn trộm cướp - điều khiến khách luôn bị tâm lý lo sợ khi tới Việt Nam. 

- Xin cảm ơn ông!

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...