40 năm khúc tráng ca nơi ải Bắc (1): Chiến công cứu sống 500 người thoát khỏi làn đạn quân bành trướng xâm lược

Thứ 3, 26/02/2019 | 10:05:29
654 lượt xem

Rạng sáng ngày 17-2-1979, khi cả thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn còn đang say ngủ thì từ bên kia biên giới, quân địch tràn sang, pháo bắn đỏ rực cả bầu trời. Người dân thị trấn, không có nổi một tấc sắt trong tay vội vàng bồng bế nhau vào hang đền Mẫu lánh nạn...

Trong số hơn 500 người dân trú ẩn tại hang đền Mẫu ngày đó còn có cả một đơn vị Cảnh sát Cơ động của Công an tỉnh Lạng Sơn, khoảng hơn 100 người, mới được điều lên nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho thị trấn giáp biên này. Tại đây, bằng mưu trí và sự dũng cảm, chiến sỹ công an trẻ Triệu Văn Điện đã cùng đồng đội, lập nên kỳ tích và sau này, với chiến công đó, anh đã được  phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi tuổi mới 20. Cùng sát cánh với Triệu Văn Điện ngày đó tại hang đền Mẫu ở thị trấn Đồng Đăng còn có một trinh sát đặc công trẻ, tình cờ có mặt đó là Nguyễn Văn Bình.

“Bình ơi, dậy đi, Trung Quốc đánh mình rồi” 

Chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đại tá Triệu Văn Điện, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đường cho chúng tôi qua điện thoại, bảo cứ đến cổng đền Mẫu thì hỏi nhà ông Bình “đen”. Thấy một người đàn ông trung niên, lúi húi đốt thêm củi cho cái lò hơi nước - dùng để tạo hơi cho nồi hấp bánh cuốn cạnh đó, tôi xuống hỏi đường vào nhà ông Bình.

Ngẩng mặt lên nhìn người lạ hỏi đường: “Chị hỏi Bình nào? Quanh đây nhiều Bình lắm”. Tôi thưa là tìm bác Bình “đen”. Ông cười lớn: “À Triệu Điện gọi cho tôi rồi. May quá, tôi vừa đi khám bệnh về. Đang đốt cho bà nhà tôi cái lò để bán nốt chỗ bánh cuốn. Đấy, bây giờ hai vợ chồng tôi sống nhờ vào hàng bánh cuốn này”. Nói rồi, ông mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà ông ở, nằm cách cổng đền Mẫu có vài bước chân. 

Pha trà rót nước mời khách, rồi ông chậm rãi kể lại những ngày tháng xưa cũ. 40 năm trước - ngôi nhà ông - vị trí mà chúng tôi đang ngồi chỉ trong một buổi sáng 17-2-1979 đã thành một đống đổ nát. Cả thị trấn Đồng Đăng này cũng bị phá hủy, không còn  lấy một ngôi nhà nguyên vẹn, khi quân xâm lược tràn vào. Xe tăng địch đi qua cán nát những xác người.

Lúc đó, ông là bộ đội đặc công, đóng quân ở Cao Bằng. Vì ốm nên phải nằm viện (Viện 91 - Quân khu 1). Ra viện, ông xin chỉ huy được nghỉ thêm 1-2 ngày phép để về thăm nhà. Rạng sáng 17-2-1979, khi ông vừa đặt chân về đến nhà, thay được bộ quần áo bám bụi đường thì bỗng đâu pháo nổ liên hồi, cả bầu trời Đồng Đăng mịt mù lửa đạn, ầm ĩ tiếng gào khóc. Cha ông ở nhà sau đập cửa rầm rầm kêu: “Bình ơi, dậy đi, Trung Quốc đánh mình rồi”. Lúc đó, ông chỉ kịp khoác thêm lên người chiếc áo mỏng rồi dìu cha mẹ lên hang đền Mẫu cách đó trăm mét để ẩn náu.

Trong hang lúc đó cũng đã có tới cả trăm người dân và một đơn vị Cảnh sát cơ động. “Khi tôi xin được cùng với lực lượng Công an chiến đấu, bảo vệ người dân, ban đầu các đồng chí Công an còn lưỡng lự, vì không biết tôi là ai. Sau khi đưa ra một số giấy tờ, chứng minh tôi đúng là bộ đội về nghỉ phép thì lúc đó các anh ấy mới tin tưởng và đồng ý cho tôi cùng chiến đấu” - ông Nguyễn Văn Bình kể lại.

Vốn là trinh sát đặc công, lại là người địa phương thông thuộc đường đi lối lại. Nguyễn Văn Bình đã cùng với Triệu Văn Điện như con thoi lên xuống, vào từng nhà tìm bánh chưng, gạo, lạc, nước… hoặc bất cứ thứ gì có thể giúp hơn 600 con người trong hang cầm cự thì đều mang lên để chống đói.

Với vũ khí được trang bị khá ít ỏi, ông đã cùng với những người lính Đại đội 1, Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chiến đấu, bảo vệ an toàn tính mạng cho hơn 500 người dân địa phương trong hang.

Khoảng 8h30 sáng 17-2, một quả đạn cối địch nã vào cửa hang. 4 chiến sỹ Công an hy sinh tại chỗ. Một chiến sỹ khác tên Phùng Văn Hiền bị mảnh đạn găm vào mắt và vào đầu, máu chảy ra không ngừng. Anh bộ đội trẻ Nguyễn Văn Bình đã xé ngay chiếc áo đang mặc trên người băng bó cho anh Hiền rồi dìu vào trong hang.

“Lúc đó, thấy người của mình hy sinh, tôi căm lắm. Vớ khẩu trung liên định “lia” mấy thằng giặc đang sục vào từng nhà dưới đường. Nhưng rồi lại phải kìm lại, vì nếu súng nổ, vị trí ẩn nấp sẽ bị lộ, người dân sẽ gặp nguy hiểm” - Nguyễn Văn Bình nhớ lại.

Giữ được 500 mạng người trong hang đền Mẫu

Hang đền Mẫu cách nhà ông có vài chục mét. Vừa đi ông Bình vừa kể: “Điện gan dạ lắm, lúc đó mới 19 tuổi thôi, nhưng dáng người cao to nên được giao cho khẩu trung liên” - cựu chiến binh Nguyễn  Văn Bình kể về người đồng đội của mình. Ròng rã 4 ngày đêm liền, trong cái lạnh thấu xương nơi biên ải, hai anh đã có nhiều lượt lên xuống, vừa để tìm kiếm thức ăn cho người dân trong hang, vừa khảo sát đường thoát. Đêm 19, rạng sáng ngày 20-2, sau khi đã nắm chắc các hoạt động của địch như chúng chỉ dám xuống thị trấn ban ngày, ban đêm rút lên đỉnh núi, pháo bắn canh 15-20 phút một lần, hai anh Triệu Văn Điện và Nguyễn Văn Bình đã cùng các đồng đội của mình, chia ra từng tổ, vừa cõng nhiều lượt người bị thương, đồng thời dẫn đường cho 500 người dân thoát khỏi hang an toàn.

Chàng lính đặc công Nguyễn Văn Bình và anh công an trẻ Triệu Văn Điện là những người cuối cùng rời khỏi hang. Rạng sáng ngày 20-2-1979, 2 người về đến Công an huyện Văn Quan. 

Lúc đó, anh đã gặp anh Đào Đình Bảng là chỉ huy Công an huyện Văn Quan lúc bấy giờ. Công an huyện Văn Quan viết một tờ giấy chứng nhận rằng anh đã chiến đấu ở hang đền Mẫu Đồng Đăng. Nguyễn Văn Bình bỏ tờ giấy vào ví và trở về đơn vị ở Cao Bằng.

Trở về tới đơn vị thì tờ giấy ở trong ví một số chữ đã nhòe nhoẹt, đơn vị cũ của anh không công nhận, thậm chí có người còn nghi ngờ. Thông tin liên lạc trong thời chiến thì phập phù. Thế là ngần ấy năm qua đi. Không nhiều người biết được câu chuyện về một chàng trinh sát đặc công, tình cờ về thăm nhà và đã sát cánh cùng tập thể Đại đội 1, Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn cứu sống tới 500 người dân địa phương.

Hang đền Mẫu bây giờ đã thay đổi khá nhiều. Để vào được đến cửa hang, chúng tôi phải đi qua sân một nhà dân. Cửa hang hẹp phải cúi người mới đi lọt, thế nhưng, trong lòng hang thì rộng. Ông Nguyễn Văn Bình chỉ cho tôi một ngách, đó là lối xuống một hang khác ở bên dưới. 40 năm trước, toàn bộ mấy trăm người dân được bố trí lánh nạn ở dưới đó. 

Bây giờ một nửa hang đã bị lấp để phục vụ cho việc tu sửa và mở rộng đền Mẫu. Không có dòng chỉ dẫn nào cho thấy nơi đây đã từng xảy ra một trận đánh khốc liệt và đã từng chở che cho hàng trăm người dân địa phương trong cái đêm giặc càn đánh phá tan hoang thị trấn. Và cũng từ nơi đây đã có những người anh hùng ở tuổi 20 bước vào trận đánh với tâm thế: “Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng nhất.

Trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thu - nguyên Tiểu đoàn trưởng Đoàn 4 - người đã cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới ở Lạng Sơn trong những ngày tháng 2 lịch sử đúng 40 năm về trước; tôi đã hỏi ông rằng: “40 năm qua đi, bây giờ nhìn lại, ông có mong ước gì?”. Ông xót xa nói: “Ước gì cuộc chiến ấy chưa từng xảy ra!”. 

Ước mong đó của ông cũng là ước mong của biết bao thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Chẳng ai mong, nhưng điều đó cũng đã xảy ra. Và “giặc đến nhà”, Bà Trưng, Bà Triệu cũng đã cưỡi voi ra trận. Lịch sử cũng đã ghi lại những chiến thắng oai hùng từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Như Nguyệt cho tới Đông Bộ Đầu… để các thế hệ sau này đời đời không quên. 

Ngày 17-2-1979. Nhân dân không quên. Tổ quốc không quên. Máu đã phải đổ để giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc Tổ quốc khi 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt tràn qua.



Theo anninhthudo.vn


  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...