Vì sao Tịnh thất Bồng Lai vẫn an yên bên bờ vũ trụ?

Thứ 3, 09/11/2021 | 09:58:02
599 lượt xem

Vì sao, Tịnh thất Bồng Lai - một cơ sở có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi lại vẫn có thể tồn tại bất chấp những hành vi “trái giáo, bất quy” gây bức xúc trong xã hội trong 1 thời gian dài?. Trước hết, chúng ta hãy cùng phân tích những sai phạm của cơ sở đang là tâm điểm của truyền thông những ngày này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân xã Hòa Khánh Tây, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo tỉnh Long An, Ban Tôn giáo Tỉnh Long An đã khẳng định Tịnh thất Bồng Lai lợi dụng tôn giáo và danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi từ thiện của các nhà hảo tâm trên cả nước.

Về hành vi lợi dụng tôn giáo, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Ông Lê Tùng Vân hay bất cứ một người dân nào cũng có quyền tu hành tại gia. Tuy nhiên, Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định rõ những điều kiện được coi là hợp pháp của 1 cơ sở tôn giáo. Hoạt động tôn giáo có tổ chức thành nơi tu hành tập trung dưới hình thức tự viện phật giáo phải tuân thủ quy định pháp luật. Phải được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung. Đồng thời, phải được sự đồng ý, tuân theo sự quản lý của Ban trị sự giáo hội phật giáo địa phương. 

Việc Tịnh thất Bồng Lai tự ý xây dựng như một tự viện mang màu sắc Phật giáo, có tượng phật, có ban thờ và đồ thờ cúng. Những người sinh sống tại đây đều xuống tóc, mặc pháp phục tương tự nhà sư, đặt pháp danh, tự xưng là thầy, sư cô, đại đức, chú tiểu… Người đứng đầu ở đây, ông Lê Tùng Vân tự xưng mình là Hòa thượng Thích Tâm Đức, tuyên bố nơi đây là chùa, tổ chức xuất gia cho nhiều người. Điều này vi phạm Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Luật tín ngưỡng tôn giáo.

Về hành vi lợi dụng trẻ mồ côi để trục lợi từ thiện, chính quyền xã Hòa Khánh Tây đã khẳng định, 3/5 trẻ em tham gia cuộc Thi Thách thức danh hài được giới thiệu là trẻ mồ côi đều sinh sống cùng với mẹ và làm giấy khai sinh tại địa phương, có 3 em được đăng ký khai sinh và đều sinh sống cùng mẹ, là các em Pháp Tâm, Trí Tâm… Tại hộ của bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó UBND xã chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. UBND huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.

Như vậy, việc cố tình giới thiệu những trẻ em ở đây là trẻ mồ côi để nhận vật chất, sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân rõ ràng là hành vi lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi.

Câu hỏi đặt ra là các sai phạm ở Tịnh thất Bồng Lai và cá nhân ông Lê Tùng Vân với hành vi núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng, nhập nhằng hồ sơ trẻ nhỏ để trục lợi… đã được kết luận rõ ràng, nhưng mặc dù vụ việc được phanh phui đã hơn 1 năm song vẫn chưa thấy những chuyển động xử lý dứt khoát từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. 

Vụ việc kéo dài không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng đến những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hoạt động từ thiện xã hội một cách thành tâm, chân chính, xứng đáng được bảo vệ và tôn vinh.

Những lùm xùm ở Tịnh Thất Bồng Lai liên quan đến nhiều nội dung; trong đó có cả đạo đức xã hội, luân thường, đạo lý và tất cả chúng ta đều đang chờ lời giải cuối cùng. Song, cho đến thời điểm này, những sai phạm đã được làm rõ hoàn toàn đủ cơ sở để đến lúc pháp luật phải hiện thân, kỷ cương phải được lập lại, tôn giáo phải được trang nghiêm.
 
 Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...