Người “giữ lửa” nghề đan truyền thống tại Tây An

Thứ 2, 03/06/2019 | 16:05:35
3,044 lượt xem

Trăn trở gìn giữ nghề đan truyền thống tại quê hương, từ một cơ sở thủ công mỹ nghệ chỉ có khoảng 30 lao động, cho đến khi thành lập Công ty, từ năm 2017, bà Phạm Thị Ngắn, xã Tây An, huyện Tiền Hải đã khẳng định được hướng đi trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Đó là tìm đầu ra cho dòng sản phẩm trên thị trường quốc tế. Hiện doanh thu của Công ty hàng năm đạt trên 60 tỷ đồng, đã và đang tạo điều kiện việc làm cho khoảng 70.000 lao động trong tỉnh.

30 năm gắn bó với nghề đan lát truyền thống của quê hương, cho đến bây giờ, bà Phạm Thị Ngắn, xã Tây An, huyện Tiền Hải, vẫn luôn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết với cái nghề mà cha ông để lại. Bằng chứng thể hiện rõ nhất, đó là những bước tiến dài và vươn xa của Công ty sản xuất SNK hàng thủ công mỹ nghệ Tây An ngày nay. Không chỉ là duy trì nghề, phát huy giá trị tinh hoa của sản phẩm nghề truyền thống mà bà Phạm Thị Ngắn còn không ngừng đưa các sản phẩm của làng nghề ra các thị trường khắp Châu Âu, Châu Mỹ.

Bà Phạm Thị Ngắn - Giám đốc Công ty Sản xuất và XNK hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, huyện Tiền Hải: Từ khi thành lập công ty, tôi nghiên cứu các sản phẩm hoa văn, hoạt tiết, làm sao cho các sản phẩm đan thật bắt mắt. Đầu óc mình lúc nào cũng phải nghĩ ra các sản phẩm mẫu mã mới, các nước người ta nhìn vào họ thích hàng thủ công làm bằng tay. Rồi bà con có công việc ổn định.

Cải tiến mẫu mã sản phẩm cần phải đi đôi với việc phải tạo ra những mẫu mã sản phẩm phù hợp với bàn tay và kinh nghiệm của người thợ làm nghề, đó là phương châm của người nữ chủ doanh nghiệp này. Chính vì yếu tố đó, mà việc đào tạo tay nghề đối với người thợ thủ công, quan trọng hơn, đó là việc bố trí sắp xếp từng mẫu mã sản phẩm với từng tổ thợ đan lát tại mỗi địa phương khác nhau là điều quan trọng.

Bà Phạm Thị Thoa - xã Tây An, huyện Tiền Hải: Tôi làm với cô Ngắn đã hơn 10 năm nay. Đây là nghề truyền thống của quê hương. Trước kia làm hàng sợi, tôi cùng đi dạy nghề với cô Ngắn ở tận Cao Bằng.

Bà Phạm Thị Ngắn - Giám đốc Công ty Sản xuất và XNK hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, huyện Tiền Hải: Tất nhiên không phải ai cũng làm ra những sản phẩm đẹp ngay được, mình phải cầm tay chỉ việc. Tùy theo độ tuổi của người thợ, từ 55 tuổi trở lên cho đan sản phẩm mẫu mã dễ làm. Hướng dẫn, đào tạo các đội nữa làm hàng dễ ở các huyện, còn 1 đội chuyên đan hàng khó, phức tạp đặt tại Tiền Hải, rồi mình duy trì thu nhập tốt cho người lao động.

Từ những nguyên liệu tự nhiên như sợi, cói, giấy, bèo… qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề đã trở nên tinh xảo, khác thường. Đặc biệt, nhờ sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường nước ngoài, đó là hàng thủ công mỹ nghệ đang rất được các nước ưa chuộng nên hiện nay, Công ty đã có hơn 300 mẫu mã sản phẩm và tạo việc làm cho hơn 300 người thợ tại làng nghề, cùng gần 70.000 lao động tại khắp các huyện trong tỉnh.

Bà Phạm Thị Thoa - xã Tây An, huyện Tiền Hải: Giờ nghề thủ công này tất cả mọi người đều làm, cả các bà tầm 70, 80 tuổi cũng vẫn làm như tôi. Ban ngày tôi làm việc ở công ty, tối lại nhận hàng mang về nhà đan. Tháng thu nhập được từ 4 triệu đến 4,5 triệu. Ở độ tuổi này mà vẫn có thu nhập tốt, nhờ Công ty của cô Ngắn vẫn duy trì được nghề.

Hiện nay, mỗi tháng công ty xuất khẩu hơn 300.000 sản phẩm như túi xách, giỏ, làn… sang các thị trường với những yêu cầu kỹ thuật cao như Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kong, Pháp, Italia, Thái Lan… Ước tính, doanh thu hàng năm đạt trên 60 tỷ đồng. 

Bà Phạm Thị Ngắn - Giám đốc Công ty Sản xuất và XNK hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, huyện Tiền Hải: Điều quan trọng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thì mình phải có mẫu mã đẹp, bắt mắt, đồng thời, phải luôn giữ được chữ tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hàng xuất đi đúng thời gian.

Quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống của quê hương, từ sự đổi mới và năng động của một người nữ chủ doanh nghiệp, mà năm 2017, Công ty được Bộ Công thương đã công nhận và tôn vinh doanh nghiệp có Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Đặc biệt, năm 2016, bà Phạm Thị Ngắn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú khi đã có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...