“Rà soát điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế”

Thứ 2, 14/09/2015 | 08:57:21
757 lượt xem

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ II được tổ chức ngày 11/9/2015 tại Thành phố Nam Định. Đại diện tỉnh Thái Bình cũng tham dự.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo và đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và lãnh đạo Sở Công Thương 28 tỉnh phía Bắc.

Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ II

Kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị ngành Công Thương lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Lào Cai năm 2014, Hội nghị ngành Công Thương lần thứ II được tổ chức tại Nam Định có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Công Thương khu vực phía Bắc. Thông qua Hội nghị, các Sở Công Thương trong khu vực có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đồng thời kiến nghị tham mưu với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố về các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định

Ông Trần Lê Đoài cũng nhấn mạnh, Hội nghị cũng mong muốn được các đại biểu trao đổi, bàn bạc các giải pháp để tăng cường ứng dụng và đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, các giải pháp nhằm triển khai sâu rộng, có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời thông qua Hội nghị, tỉnh Nam Định cũng mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, sự giúp đỡ của lãnh đạo và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, sự trao đổi hợp tác của lãnh đạo UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực để cùng nhau đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương Nam Định cho biết, năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp; tăng trưởng tín dụng đạt khá, tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao với sự phục hồi mạnh của khu vực công nghiệp-xây dựng; tổng vốn đầu tư phát triển tăng cao so với cùng kỳ; đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự chuyển biến tích cực.

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn lĩnh vực năm 2014 đạt 2.071,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2013. Nhiều địa phương đã có đóng góp quan trọng vào giá trị SXCN (so sánh với năm 2010) như Bắc Ninh đạt 576,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,8% toàn khu vực; Hà Nội đạt 460,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,3%; Thái Nguyên đạt 174,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%, v.v…

Trong năm 2014, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của khu vực giữ mức tăng trưởng khá như quần áo, giầy dép, điện, gạch, gỗ các loại, xi măng, quặng, thủy hải sản đông lạnh, điện thoại di động và máy tính bảng, v.v… Bên cạnh đó, một số sản phẩm còn bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, một số sản phẩm hạn chế xuất khẩu hoặc các doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu nên sản lượng các ản phẩm có phần bị suy giảm như sắt thép, xe có động cơ,…

Trong 9 tháng đầu năm 2015, nhiều mặt hàng chủ yếu của khu vực có sản lượng tăng, trong đó có một số sản phẩm có mức tăng cao so với cùng kỳ như điện thoại di động và máy tính bảng, điện, sắt thép, thiếc, gỗ các loại, v.v… Đặc biệt, các mặt hàng thiếc 9 tháng đầu năm đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoạt động khuyến công tiếp tục duy trì, phát huy được các thành tự đã đạt được trong thời gian qua và ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến công đã từng bước được củng cố và nâng cao; Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công đã được hoàn thiện đầy đủ và kịp thời để phù hợp với các điều kiện thực tế trong triển khai thực hiện. Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Khai thác được tiềm năng, thế mạnh từng vùng

Ông Nguyễn Minh Văn cho biết, trong năm 2014, toàn khu vực đã thự hiện 739 đề án khuyến công, trong đó khuyến công quốc gia là 106 đề án, khuyến công địa phương là 633 đề án. Tổng kinh phí thực hiện là 91 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia là 34,9 tỷ đồng, khuyến công địa phương là 56,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí khuyến công năm 2015 thực hiện trên 28 tỉnh khu vực phía Bắc là 104,8 tỷ đồng, tăng 15,04% so với năm 2014. Trong đó, kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia là 39,927 tỷ đồng, chiếm 38,06 tổng kinh phí, tăng 14,13%, kế hoạch kinh phí khuyến công tại địa phương là 64,96 tỷ đồng, chiếm 61,94% tổng kinh phí, tăng 15,62% so với năm 2014.

Ông Nguyễn Minh Văn, Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định

Đối với hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2014 của toàn khu vực đạt 1.021,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2013. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 tỉnh, thành phố đạt 67,45 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong công tác quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp, các tỉnh, thành phố đã thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và đẩy mạnh sản xuất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng tạo mặt bằng thu hút đầu tư; Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp.

Trong công tác liên kết, hợp tác phát triển Công Thương trong khu vực, các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tăng cường liên kết, tạo thị trường khu vực lớn hơn, khai thác được lợi thế và tiềm năng của từng tỉnh để bổ sung cho nhau; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công thương giữa các tỉnh, thành phố, khu vực và cả nước; Tăng cường cung ứng, tiêu thụ hàng hóa đa chiều góp phần ổn định giá cả thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự trao đổi, đề xuất ý kiến về kinh nghiệm trong công tác quản lý và thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp; Tăng cường liên kết hoạt động Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Công tác chuẩn bị và triển khai hỗ trợ giúp doanh nghiệp khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành; Chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường đối với doanh nghiệp tham gia; Xúc tiến thương mại và cơ chế chính sách để phát triển thương mại nông thôn; Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, v.v…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, nghề và làng nghề là một thế mạnh của nền kinh tế Thái Bình, sản phẩm nghề và làng nghề, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đáp ứng tiêu dùng xã hội và xuất khẩu mà còn là sản phẩm mang đậm nét văn hóa của mỗi địa phương, phát triển làng nghề góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, v.v… Chính vì thế, để phát triển nghề và làng nghề, Sở Công Thương Thái Bình đề xuất, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Tăng cường tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; Nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề và làng nghề; Chú trọng phát triển doanh nghiệp trong làng nghề làm đầu mối cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

Tăng cường liên kết hoạt động Công Thương giữa các vùng

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế thì việc tăng cường liên kết các hoạt động Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực là đóng một vai trò quan trọng. Việc triển khai hoạt động liên kết công thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường cả nước, các doanh nghiệp (DN) có thêm cơ hội đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác mở rộng hợp tác đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Để đẩy mạnh hoạt động liên kết công thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, Sở Công Thương Hà Nội để xuất một số các giải pháp như: Tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương giữa các địa phương trên cả nước nhằm khai thác hàng hóa thế mạnh tiêu thụ tại thị trường tỉnh, thành phố trên cả nước; Tăng cường với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng hóa địa phương; Tổ chức thêm nhiều các kênh tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn trong việc giới thiệu nhà cung cấp hàng hóa với số lượng lớn; Đẩy mạnh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương về thông tin, định hướng cung cầu, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương khẳng định, 28 tỉnh, thành phố phía Bắc là khu vực có vị trí quan trọng với nhiều đặc điểm nổi bật, khu vực giàu tiềm năng khoáng sản, tiềm năng thủy điện lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao nên nguồn phát triển công nghiệp, kinh tế, xã hội, giao thương, hợp tác quốc tế lớn. Giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đạt kết quả cao, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm cao hơn cả nước đóng góp chung vào tăng trưởng của cả nước, góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ, Quốc hội giao phó cho Bộ Công Thương năm 2015. Ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng thì cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng bởi có làm tốt quy hoạch tại từng địa phương phù hợp với điều kiện thực tế thì mới có thể phát triển kinh tế cũng như liên kết vùng, đồng thời cũng mới đạt được mục tiêu chung về phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương

Tập trung phát triển hàng hóa trọng điểm mà địa phương có lợi thế

Khẳng định vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh tại Hội nghị, với diện tích rộng và dân số đông cùng với tài nguyên thiên nhiên quý giá, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, là khu vực kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế phía Bắc, có thể nói đây là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, thời gian tới, phải tiếp tục phát huy được thế mạnh, tập trung nỗ lực khắc phục nhiều tồn tại như sản xuất công nghiệp còn mang nặng tính gia công, số lượng DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ít; công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành cơ khí, chế biến chế tạo, nhiều dự án lớn nhưng DN trong nước còn hạn chế, xuất khẩu chủ yếu tập trung các DN đa quốc gia. Kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chậm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; Công tác chống buôn lậu hàng giả nhái, còn nhiều tồn tại; Trong công tác quản lý Nhà nước DN còn nhiều thủ tục Nhà nước còn chưa nhiều thuận lợi cho DN.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, thời gian tới ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cần tập trung tái cơ cấu ngành, tập trung vào phát triển các lĩnh vực hàng hóa trọng điểm mà địa phương có lợi thế; Rà soát điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế; Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tốt hơn; Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ DN trong nước phát triển sản phẩm; Phải tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn DN vừa nhỏ thông qua hoạt động khuyến công; Tiếp tục phổ biến tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do đã kí kết và sắp kí kết trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chứng kiến đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Nam Định trao cờ luân lưu chuyển giao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần III cho Sở Công Thương Ninh Bình

Bế mạc Hội nghị, Sở Công Thương Nam Định đã chuyển giao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ III năm 2016 cho Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...